Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tổng dung lượng toàn thị trường tính đến hết tháng 10 ở mức 223.416 xe, trong đó xe bán ra chủ yếu là sản xuất lắp ráp trong nước (174.660 chiếc) và chỉ có 48.756 xe nhập khẩu nguyên chiếc. Nhu cầu thị trường cho thấy về cơ bản có sự tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Kể từ đầu năm 2018 khi thuế nhập khẩu ôtô từ ASEAN được điều chỉnh về mức 0%, người dùng Việt đã chờ đợi sẽ có một cơn sốt ôtô giá rẻ và cơ hội sở hữu chúng sẽ không còn xa vời. Tuy nhiên, gần một năm trôi qua, giá bán ôtô ở Việt Nam thực tế chỉ giảm nhẹ so với một năm trước với những dòng xe miễn thuế nhập khẩu, trong khi các dòng xe nhập khẩu từ thị trường khác hoặc lắp ráp trong nước vẫn ở mức cao, thậm chí còn tăng do nguồn cung hạn chế.
Các loại thuế, phí cho ôtô ở Việt Nam hiện nay. Đồ họa: An An.
Thương hiệu ôtô Việt VinFast mới đây trình làng và công bố giá bán cho 3 mẫu ôtô của hãng đã nhận được nhiều đánh giá tích cực khi định giá bán ban đầu các dòng xe sang Lux A2.0 và Lux SA2.0 chỉ từ 800 triệu đồng đến hơn 1,1 tỷ đồng, rẻ hơn khá nhiều so với các dòng xe cùng phân khúc.
Một mẫu xe nhỏ VinFast Fadil cũng chỉ có giá khởi điểm 336 triệu đồng, mức thấp so với các dòng xe hatchback cỡ A. Mặc dù vậy, khi tính thuế VAT, giá lăn bánh, chi phí bỏ ra với người tiêu dùng vẫn ở còn khá cao.
Đây cũng chính là điều nhiều người tiêu dùng Việt thắc mắc. Tuy nhiên, ở góc độ sản xuất, kinh doanh ôtô, theo các chuyên gia, việc áp thuế cao khiến giá xe ở Việt Nam cao so với thế giới.
Ở Việt Nam hiện nay, có 3 loại thuế tác động lớn đến giá bán ôtô là thuế nhập khẩu (với dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc), thuế Tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT.
Với ôtô nhập khẩu, chi phí vận chuyển và lợi nhuận định mức dao động 10-20% sẽ được các hãng tính vào giá xe trước khi vào nội địa. Ngoài xe từ thị trường ASEAN hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0%, xe từ các thị trường khác vẫn đang chịu mức thuế nhập khẩu từ 48% đến 70%. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt đánh lên mặt hàng ôtô lũy tiến từ 35% đến 150% tùy theo dung tích động cơ. Lũy tiến, các xe còn chịu thêm 10% VAT.
Lấy ví dụ với báo giá 800 triệu đồng của chiếc VinFast Lux A2.0, riêng thuế tiêu thụ đặc biệt đã là 228 triệu đồng. Với Fadil giá 336 triệu đồng thì thuế tiêu thụ đặc biệt là 87 triệu đồng. Các hãng xe chỉ là trung gian “thu hộ” nhà nước khoản thuế này.
Ngoài ra, để lăn bánh, chủ sở hữu còn phải chịu thuế trước bạ 10-12%, chi phí đăng ký biển số 20 triệu đồng cho khu vực Hà Nội, TP,HCM cùng một số chi phí đăng kiểm, bảo hiểm dân sự, bảo hiểm thân vỏ khác.
Một ví dụ khác, chiếc xe Toyota Wigo 1.2AT nhập khẩu từ Indonesia hiện có giá bán 405 triệu đồng ở Việt Nam. Trong giá bán này, sẽ có 10% VAT, 35% thuế Tiêu thụ đặc biệt và chi phí vận chuyển, lợi nhuận định mức. Như vậy, dù được miễn thuế nhập khẩu, dòng xe nhỏ này vẫn phải cõng hơn 200 triệu đồng cho các loại thuế và chi phí. Để lăn bánh, chủ sở hữu còn phải tốn thêm khoảng 80 triệu đồng cho lệ phí trước bạ (12% ở Hà Nội, TP.HCM), phí đăng ký, đăng kiểm và bảo hiểm.
Không chỉ ôtô nhập khẩu, ôtô lắp ráp trong nước cũng chịu các loại thuế, phí khiến giá ôtô cao. Hiện thuế nhập khẩu cho các linh kiện phục vụ sản xuất, lắp ráp ôtô ở mức từ 5 đến 20% tùy thuộc vào bộ linh kiện. Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng áp dụng từ 35 đến 150% tùy thuộc dung tích động cơ bên cạnh 10% VAT. Các chi phí cho mạng lưới đại lý, kênh phân phối dao động 10-20% cũng sẽ được tính vào giá xe.
Như chiếc Vinfast Lux A2.0 có giá bán ban đầu 800 triệu đồng. Nếu tính thuế VAT, giá xe sẽ đội lên 880 triệu đồng. Khi đi vào sản xuất, ngoài linh kiện có thể nội địa hóa, một số linh kiện khác vẫn phải nhập khẩu khiến xe vẫn chịu thuế nhập khẩu linh kiện bên cạnh thuế tiêu thụ đặc biệt 30% cho xe dung tích trên 1.5L đến 2.0L. Trong cơ cấu giá bán của VinFast Lux A2.0 vì thế, chi phí thuế cũng chiếm phân nửa giá xe.
Trao đổi với Tiền Phong về việc vì sao giá bán ô tô tại Việt Nam vẫn còn cao so với thế giới, anh Đặng Như Quỳnh, người có nhiều năm hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực ôtô cho biết, thực tế, các loại thuế, phí áp cho ôtô ở Việt Nam khiến giá xe cao. Với các xe sản xuất, lắp ráp trong nước, tỷ lệ nội địa hóa thấp và các hãng phần lớn vẫn phải nhập phụ tùng, linh kiện từ nước ngoài nên ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, giá bán ôtô ở Việt Nam cao do 2 yếu tố là thuế cao và chi phí sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước còn cao so với thế giới. Để giá ô tô rẻ, 2 yếu tố trên cần phải xem xét lại. Ông Long cũng đưa ra ví dụ, một số nước không áp thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ôtô trong khi ngành công nghiệp ôtô luôn được ưu tiên phát triển.
Theo Tiền phong