Trào lưu 'điện hóa' đang diễn ra mạnh mẽ trong Thế giới xe không chỉ thu hút các hãng sản xuất, mà còn cả những nhà độ xe truyền thống. Trong số các hãng độ nổi tiếng trên Thế giới, có lẽ ABT tới từ Đức là một trong những công ty tích cực nghiên cứu hệ động lực điện nhất. Không chỉ là đối tác của Audi trong giải đua xe điện Formula E, ABT còn độ lại các sản phẩm khác thuộc tập đoàn Volkswagen. Trước tương lai động cơ đốt trong bị 'khai tử', hãng đã vừa công bố ý tưởng độ lại các dòng xe truyền thống thành xe điện.
Tại triển lãm xe thương mại Hannover, ABT đã đem tới 2 mẫu xe chở khách Volkswagen được hãng chuyển từ động cơ diesel sang chạy điện, dựa trên các dòng Caddy và Transporter. Bắt đầu với chiếc e-Caddy dự kiến sẽ được thương mại hóa vào giữa năm 2019, ABT đã sử dụng phiên bản trục cơ sở dài của chiếc xe và biến đổi nó thành xe taxi có khả năng chở 5 người lớn. Tuy nhiên với các công ty kinh doanh vận tải có nhu cầu, hãng cũng có thể biến nó thành xe chở hàng.
Thay vì động cơ đốt trong truyền thống, e-Caddy đã được trang bị một mô-tơ điện với công suất 110 mã lực và mô-men xoắn 200Nm, được cung cấp nguồn bởi khối pin lithium-ion 37,3kW. Hệ động lực này giúp e-Caddy có thể đạt tốc độ 120km/h. Theo tiêu chuẩn đo lường NEDC của châu Âu, chiếc xe có tầm hoạt động tối đa 220km. ABT cho biết với bộ sạc nhanh CCS, pin của xe chi mất 49 phút để sạc đầy 80% dung lượng thực tế.
Ngoài e-Caddy, một mẫu xe điện lớn hơn được ABT trưng bày là e-Transporter. Tuy nhiên hiện tại, mẫu xe này mới chỉ dừng lại ở dạng ý tưởng (concept). Cũng dựa trên phiên bản trục cơ sở lớn của dòng Transporter, e-Transporter có khả năng chở được 9 hành khách hoặc 6,7m3 thể tích hàng hóa. Chiếc xe cũng được trang bị động cơ điện như e-Caddy, nhưng ABT đưa ra 2 lựa chọn pin là 37,3 hoặc 74,6kW. Tương ứng với dung lượng, chiếc xe có thể đi được 2018 hoặc 400km cho mỗi lần sạc.
Tuy nhiên ngay cả khi sử dụng trạm sạc nhanh, khối pin 74,6kWh cũng tốn tới 98 phút mới có thể sạc đầy 80%. Trong khi đó nếu sử dụng bộ sạc AC 7,2kW, phải mất tới 10 giờ 20 phút thì khối pin này mới được sạc đầy.
Trước ABT, đã từng có một số công ty nhỏ nghiên cứu chuyển đổi những dòng xe động cơ đốt trong thành xe điện. Thậm chí Rimac - một trong những tên tuổi đầu ngành hiện nay cũng đã bắt đầu từ việc độ động cơ điện cho một chiếc BMW 3 Series E30 cũ. Với công nghệ xe điện ngày càng phát triển, chắc chắn sẽ ngày càng có nhiều hãng độ sẽ nối bước ABT trong tương lai gần, cung cấp những gói chuyển đổi hệ động lực điện với chi phí ngày càng rẻ hơn.
Nguồn : http://xedoisong.vn/xe-do/doc-dao-cap-doi-xe-khach-volkswagen-do-dong-co-dien-28156.html