Dự kiến sẽ có nhiều thủ tục được cắt giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước.
Những doanh nghiệp, sản phẩm được đánh giá ít rủi ro hơn sẽ được cấp giấy chứng nhận dài hơn và ngược lại
Bộ GTVT đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 116 đối với hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Dự kiến sẽ có nhiều thủ tục được cắt giảm, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian tới.
Phân loại doanh nghiệp để xác định thời gian đánh giá
Trao đổi với PV về những nội dung chính của dự thảo, ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) – đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo Thông tư cho biết, với tinh thần tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước theo đúng chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 19, dự thảo Thông tư đã cắt bỏ hàng loạt các thủ tục và điều chỉnh một số quy định để khuyến khích các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm thời gian, chi phí. Đây có thể được coi là những cải cách lớn so với các quy định hiện hành đang áp dụng tại Thông tư số 30 và 54.
Cụ thể, dự thảo Thông tư lần đầu tiên đưa vào bộ tiêu chí để phân loại doanh nghiệp và chất lượng đối với từng sản phẩm. Theo đó, cơ quan quản lý sẽ căn cứ vào dữ liệu đăng kiểm để đánh giá mức độ rủi ro của sản phẩm, từ đó phân loại các mức rủi rõ của phương tiện: Cao nhất (A), Trung bình (B) và Thấp nhất (C) để làm căn cứ áp dụng các biện pháp quản lý đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất xưởng của doanh nghiệp đó. Sản phẩm của những doanh nghiệp được đánh giá ít rủi ro hơn sẽ được kéo dài thời gian phải đánh giá điều kiện bảo đảm chất lượng và ngược lại.
Chẳng hạn, doanh nghiệp có sản phẩm được đánh giá đạt loại A (mức rủi ro về an toàn thấp nhất) thì thời hạn phải đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất xưởng (COP) 3 năm/lần; Mức rủi ro trung bình (B) 2 năm/lần và Mức rủi ro cao nhất (C) sẽ phải đánh giá COP 1 năm/lần (quy định hiện hành tại Thông tư 30, 54 hiện nay đang áp dụng chung thời hạn đánh giá COP 1 lần/năm). Quy định này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như mức độ an toàn của phương tiện, giảm thiểu các thủ tục.
Đặc biệt tại dự thảo Thông tư, một loạt các thủ tục đã được cắt, giảm nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp như: Bỏ hình thức giám sát xuất xưởng từng xe. Theo ông Hà, việc giám sát chất lượng sản phẩm của cơ quan đăng kiểm sẽ chỉ được thực hiện đột xuất khi có những phản ánh có căn cứ về chất lượng sản phẩm từ khách hàng, dư luận, trung tâm đăng kiểm…về chất lượng sản phẩm không đáp ứng yêu cầu an toàn kỹ thuật để tránh ảnh hưởng đến tâm lý doanh nghiệp.
Dự thảo Thông tư cũng quy định, khi các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới được ban hành có những cập nhật, bổ sung mới so với tiêu chuẩn, quy chuẩn cũ thì các loại Giấy chứng nhận về linh kiện đã được cấp trước đó vẫn có hiệu lực đến hết thời hạn ghi trên Giấy chứng nhận. Quy định này được đánh giá sẽ gỡ khó cho hoạt động sản xuất trong nước bởi trên thực tế các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn thường được rà soát và cập nhật hàng năm. Vì vậy, quy định này đã giảm hẳn một thủ tục vốn được các doanh nghiệp cho rằng không cần thiết (thủ tục Chứng nhận bổ sung Giấy chứng nhận kiểu loại ô tô khi tiêu chuẩn, quy chuẩn có sự thay đổi).
Đối với hoạt động triệu hồi sản phẩm, dự thảo Thông tư cũng làm rõ hai trường hợp: Doanh nghiệp tự phát hiện triệu hồi và trường hợp cơ quan quản lý yêu cầu doanh nghiệp phải triệu hồi do sản phẩm mắc lỗi. Theo đó, trường hợp doanh nghiệp tự triệu hồi sản phẩm sẽ không cần sự phê duyệt của Cục Đăng kiểm Việt Nam như hiện nay mà chỉ cần gửi kế hoạch triệu hồi đến các cơ quan chức năng, trong đó có Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Kiến nghị chấp nhận giấy chứng nhận linh kiện nước ngoài
Tại cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo Thông tư diễn ra chiều qua (6/9), đa số ý kiến của các doanh nghiệp đều đồng thuận với phần lớn nội dung của dự thảo. Nhiều doanh nghiệp cho biết, dự thảo Thông tư đã đơn giản nhiều thủ tục và minh bạch hóa nhiều vấn đề trước đây chưa rõ, góp phần giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, thời gian thực hiện các thủ tục cũng như những chi phí không cần thiết. Bên cạnh đó cũng có một số doanh nghiệp kiến nghị có thời gian chuyển tiếp để các doanh nghiệp có đủ thời gian đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Đặc biệt, một số doanh nghiệp kiến nghị cho phép chấp nhận các loại chứng nhận về linh kiện có nguồn gốc tại nước ngoài đã được đánh giá và có giấy chứng nhận. Cơ quan đăng kiểm Việt Nam sẽ chỉ tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận tại Việt Nam. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), các phụ tùng, linh kiện lắp ráp nếu đáp ứng các tiêu chuẩn ECE như: Thử nghiệm, đánh giá hệ thống quản lý chất lượng của nhà sản xuất (đánh giá COP) và đạt chứng chỉ ECE sẽ không cần thiết phải thực hiện thử nghiệm lại ở Việt Nam.
“Thực tế, mỗi doanh nghiệp sản xuất từ 3 – 5 loại xe, thậm chí hơn. Nếu mỗi kiểu loại xe đều phải đánh giá 6 – 7 loại linh kiện thì thủ tục để đánh giá các loại linh kiện này sẽ mất rất nhiều thời gian, chi phí. Nếu thực hiện việc công nhận các đánh giá của nước ngoài như vậy sẽ tránh lãng phí và cắt giảm các thủ tục”, đại diện VAMA cho biết.
Tuy nhiên trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng xe cơ giới – VAQ (Cục Đăng kiểm Việt Nam) – đơn vị xây dựng dự thảo cho biết, do điều khoản phải có đánh giá tại Việt Nam đã được quy định rõ tại Nghị định 116 nên sẽ rất khó để sửa đổi quy định này.
Dự kiến, dự thảo Thông tư sẽ được ban hành trong tháng 10/2018 để các doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị thực hiện từ tháng 4/2019 theo quy định.
Theo Xe giao thông
Nguồn : http://topcarvn.com/thong-tu-moi-mo-toang-cua-cho-hang-o-noi/