Xe hơi là phương tiện giao thông không thể thiếu trong đời sống con người. Nhưng ai là người tạo ra chiếc xe hơi đầu tiên trong lịch sử? Bạn đã biết chưa?
Benz Victoria – một trong những “lão làng” cao tuổi nhất của xe Benz. Tác giả chiếc xe hơi chạy xăng đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử là Karl Benz – một kỹ sư cơ khí người Đức đã nhanh tay đăng ký bảo hộ sáng chế vào năm 1886. Tuy nhiên trên thực tế, những phiên bản sơ khai của xe hơi đã xuất hiện sớm hơn trước đó rất nhiều.
Ngay từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, theo tương truyền, Hero (đôi khi được gọi là Heron of Alexandria, người Hy Lạp) – nhà toán học, nhà vật lý, nhà cơ khí lỗi lạc nhất thời cổ đại – đã nghĩ ra cách sử dụng động cơ hơi nước thay cho sức ngựa.
Đến thế kỷ thứ 15, họa sĩ kiêm nhà phát minh nổi tiếng người Ý Leonardo da Vinci đã thiết kế và xây dựng thành công nhiều mô hình phương tiện vận chuyển tiên tiến, trong đó có mẫu xe kéo tự động. Vào thế kỷ 18,19, những ý tưởng về xe chạy bằng hơi nước trở nên phổ biến hơn nhiều.
Những dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của xe hơi
Năm 1769, một kỹ sư quân sự người Pháp có tên Nicholas Cugnot đã chế tạo chiếc Cugnot Carriage – một kiểu xe kéo 3 bánh sử dụng động cơ hơi nước dùng để kéo pháo. Sự kiện Cugnot đâm sầm vào tường đá và “tử trận” được ghi nhận là tai nạn xe hơi đầu tiên trong lịch sử.
Nicolas Joseph Cugnot đã chế tạo một chiếc xe kéo súng đại bác
Năm 1825, quý ông người Anh Goldsworth Gurney cho ra mắt phát minh Gurney Steam Coach – xe chạy hơi nước đầu tiên ở xứ sở sương mù. Nhược điểm dễ thấy của xe hơi nước là kích thước cồng kềnh, tốn diện tích, vì thế mà các nhà phát minh thế hệ sau luôn dồn tâm huyết chế tạo động cơ thật nhỏ gọn.
Năm 1860, Etienne Lenoir sáng chế ra động cơ đốt trong – động cơ đầu tiên sử dụng khí than đá làm nhiên liệu. Tuy nhiên, phải mất 3 giờ đồng hồ chiếc xe này mới chạy hết quãng đường 11 km. Vậy là Lenoir đành từ bỏ ý định thử nghiệm các phiên bản tiếp theo.
Động cơ đốt trong của Nikolous Augustus Otto chế tạo năm 1876 xem chừng vận hành hiệu quả hơn nhiều. Trên thực tế, động cơ xe ngày nay về cơ bản chẳng khác động cơ của Otto là mấy: vẫn chu trình 4 kỳ của piston hút hòa khí chạy thẳng vào xy-lanh. Piston sau đó nén hỗn hợp này lại, lưu giữ năng lượng sau giai đoạn đốt cháy rồi đẩy khí thải ra ngoài trước khi một chu trình mới bắt đầu. Điều thú vị là cùng khoảng thời gian đó, không hẹn mà gặp, có khá nhiều người cùng nghiên cứu và sáng chế động cơ đốt trong. Hai kỹ sư người Đức Gottlieb Daimler và Karl Benz đã cải tiến sánh chế của Otto và sử dụng cho nhiều mô hình xe cơ giới khác.
Một thời gian sau, họ bắt tay cùng nhau thành lập công ty Diamler-Benz – nơi khởi nguồn đầu tiên của những chiếc Mercedes-Benz nổi tiếng như chúng ta thấy ngày nay. Chiếc Benz – Victoria sản xuất năm 1893 Ở Mỹ, Oliver Evans là người sở hữu bằng sáng chế xe hơi đầu tiên vào năm 1789, vài năm sau ông cho ra mắt chiếc xe chạy hơi nước đầu tiên của Hoa Kỳ. Không chỉ chạy trên mặt đất, xe của Evans còn có khả năng di chuyển trên nước nhờ sự trợ giúp của chân vịt.
Lịch sử xe “bình dân”
Năm 1908, Ford Motor ra mắt chiếc xe bình dân đầu tiên có tên Model T, hay còn được gọi một cách âu yếm là Tin Lizzie, với mục đích đưa xe hơi trở thành sản phẩm của đại chúng thay vì là “độc quyền” riêng của giới nhà giàu.
Mẫu xe Model T năm 1912
Model T có thân vỏ làm bằng thép lá trọng lượng nhẹ, cao chừng 2 mét, động cơ 4 xy-lanh 20 mã lực, tốc độ trung bình 72 km/giờ. Vững chãi, đáng tin cậy, giá cả hợp lý, Model T là chiếc xe đầu tiên được sản xuất hàng loạt và tiêu thụ ồ ạt trên thị trường. (Ford cũng là nhà máy đầu tiên sử dụng dây chuyện lắp ráp chuyển động để nâng cao năng suất). Ford sản xuất Model T đến tận năm 1927, sau khi gần 17 triệu chiếc đã được tiêu thụ khắp thế giới.
Model T mở đầu cho thời đại xe bình dân, nền tảng của thị trường tiêu thụ khổng lồ và sự phát triển vững mạnh của hàng trăm tên tuổi sản xuất như chúng ta thấy ngày nay.
Mỗi khoảnh khắc đầu tiên đều mang lại những cảm xúc đặc biệt – hãy chia sẻ câu chuyện ý nghĩa của bạn với TCNShop – đơn vị đầu tiên mang iPhone Xs Plus về Việt Nam.