Hiện nay, xe điện mới chỉ chiếm chưa tới 1% thị phần ô tô toàn cầu, với rào cản lớn nhất là chi phí còn đắt đỏ. Đầu năm 2018, giá bán tới tay người tiêu dùng của một chiếc xe điện Nissan LEAF vẫn gần gấp đôi so với Micra, vốn là 'bản sao' chạy xăng của mẫu xe này.
Tới nay Nissan LEAF vẫn là chiếc xe điện bán chạy bậc nhất.
Tuy nhiên, điều đó sẽ sớm thay đổi kể từ năm 2025, thời điểm được giới chuyên môn đánh giá là mốc chuyển mình thực sự của xe điện, nhờ vào việc bắt đầu chạm ngưỡng giá rẻ hơn xe truyền thống. Động lực chính cho thay đổi mang tính căn bản này chính là sự phát triển của công nghệ pin, song song với khả năng tối ưu hóa quy trình sản xuất để tiết kiệm chi phí, tăng cường sản lượng.
Vào lúc này, hầu hết các nhà sản xuất đã đầu tư nhiều tỷ USD cho các nỗ lực phát triển công nghệ điện. Mới đây, Porsche đã mạnh miệng tuyên bố tăng gấp đôi khoản đầu tư cho xe điện, lên tới 7,47 tỷ USD (thay vì chỉ 3,73 tỷ USD như dự kiến trước đó). Khoản chi này của thương hiệu xe thể thao hạng sang nước Đức sẽ không chỉ dành cho việc điện hóa các xe hiện có, mà gồm cả xây dựng hạ tầng sạc trên khắp lãnh thổ Châu Âu, cũng như phát triển các công nghệ song hành với xe điện (như giao thông thông minh). Về phần mình, Ford cũng đã chi tới 11 tỷ USD cho các hướng tiếp cận tương tự. Trong khi đó, Toyota và Panasonic cũng đã có liên doanh nghiên cứu và sản xuất pin xe điện từ lâu.
Thêm vào đó, do sở hữu ít thành phần chuyển động hơn, xe điện sẽ không cần bảo dưỡng quá thường xuyên, dẫn tới gánh nặng chi phí sở hữu và vận hành đối với người dùng đều giảm bớt. So với Volkswagen Golf hiện có 167 chi tiết chuyển động, xe điện Chevrolet Bolt của Generals Motor chỉ sở hữu 35 chi tiết mà thôi. Một số yếu tố đặc thù khác cũng cần kể tới như xe điện thường phanh bằng chính lực đảo chiều quay mô tơ thay vì phanh truyền thống, cho phép nó không cần thay thế má phanh hay các phụ tùng liên quan.
Chi phí bảo dưỡng xe điện thực tế thấp hơn xe với động cơ đốt trong hiện nay.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc ranh giới chi phí bị xóa nhòa như vậy thậm chí đã diễn ra tại Châu Âu ngay vào lúc này. Về chi phí bảo hành bảo dưỡng, việc sử dụng xe điện 'rẻ' hơn tới 10% so với xe chạy xăng hay dầu diesel tại Anh. Tại Na Uy, đất nước với tỉ lệ xe điện lớn nhất thế giới, ưu đãi mà chính phủ dành cho xe điện hiện rất lớn, góp phần không nhỏ trong việc giảm giá thành sở hữu.
Tại Pháp, xe phát thải CO2 ít hơn 20g/km cũng được nhận ưu đãi bảo hiểm nhân thọ lên đến 6.300 euro. Những hỗ trợ như vậy có tác động ngay từ khâu ra quyết định mua xe của người tiêu dùng. Một minh chứng là khi chính quyền Đan Mạch tạm ngừng các ưu đãi cho xe điện, doanh số dòng xe này tại đây đã tụt tới 60%. Hiện nay, Nhật Bản, Anh, Mỹ đều có cơ chế trợ giá với tỉ lệ nhất định. Một trong những động lực chính khiến chính phủ các nước tích cực ủng hộ xe điện là bảo vệ môi trường. Điều này cũng gián tiếp dẫn tới việc những chiếc xe sử dụng dầu diesel sẽ là 'nạn nhân' đầu tiên, bị thay thế bởi xe điện trong tương lai gần, đặc biệt là sau bê bối khí thải của Volkswagen và một số hãng xe Nhật Bản thời gian qua.
Renault Zoe có doanh số tốt tại sân nhà Châu Âu.
Trong năm 2016, doanh số xe động cơ dầu diesel tại Anh đã giảm 30%, trong khi con số này của xe điện tăng tới 37% trong cùng kỳ. Sức phát triển nhanh chóng của thị phần xe điện trong bối cảnh xe diesel giảm mạnh thậm chí khiến một số nhà phân tích lạc quan cho rằng nó sẽ vượt mặt xe với động cơ dầu ngay vào khoảng giữa năm 2019. Thời gian tới, bản thân các hãng xe cũng sẽ có những điều chỉnh về sản lượng giữa xe truyền thống và xe điện. Bên lề triển lãm xe Tokyo 2017 (Nhật Bản), lãnh đạo Honda đã từng khẳng định tới năm 2030, 65% số xe do hãng chế tạo và tung ra thị trường sẽ sử dụng năng lượng điện.
Như thế, kể từ năm 2025, sự thay đổi tương quan về giá không tính tới những hỗ trợ như vậy sẽ là 'cuộc cách mạng' thực sự của xe điện trong vai trò phương tiện di chuyển chính yếu của loài người.
Nguyễn Thúc Hoàng Linh
Hà Nội Mới