Hệ thống đèn pha LED thiết kế mỏng và đèn hậu vuốt thành một dải liền từ trái sang phải chính là điểm nhấn giúp chiếc xe trở nên hiện đại. Không giống như nhiều mẫu xe điện khác cũng từ các nhà sản xuất Trung Quốc, Byton dường như không tham gia vào cuộc đua tốc độ. Khi sạc đầy pin, chiếc SUV chạy điện hoàn toàn này sẽ đi được quãng đường khoảng 400 km. Động cơ của xe được bố trí nằm ở phía sau cho công suất 272 mã lực, tăng tốc từ 0-97km/h trong vòng 5 giây. Ngoài ra, người dùng còn có thể tùy chọn phiên bản hiệu suất cao 2 động cơ cho công suất lên đến 476 mã lực và quãng đường đi được sau mỗi lần sạc là 523 km.
Vào trong nội thất, điểm gây chú ý chính là hệ thống điều khiển được tinh gọn bằng một màn hình lớn trải dài trên toàn bộ bảng táp lô. Ghế tài xế có thể xoay 12 độ vào trong và vô lăng tích hợp một màn hình cảm ứng 8 inch. Bạn có thể điều khiển mọi hệ thống trên xe thông qua giọng nói hay cử chỉ được ghi nhận nhờ camera ở trung tâm.
Ngoài ra, phía trước mỗi ghế đều được lắp sẵn một màn hình giải trí dành cho hành khách. Hệ thống tương tác với người lái tích hợp trong xe được hãng gọi là Byton Life - một nền tảng điện toán đám mây giúp kết nối tất cả các ứng dụng, dữ liệu và thiết bị thành một hệ sinh thái liền mạch, theo công ty. Byton Life cho phép người dùng thực hiện các cuộc gọi video, nghe nhạc và xem video bên trong xe.
Byton cho biết bên trong xe còn được lắp các thiết bị iHealth nhằm ghi nhận nhịp tim, trọng lượng, độ bão hòa oxy và huyết áp của người ngồi bên trong từ đó đưa ra lời khuyên nếu cần thiết.
Nhà sản xuất Trung Quốc cho biết Byton Life sẽ thu thập thông tin về tài xế và cả hành khách từ đó tạo thành cái gọi là 'Byton ID” riêng cho từng người, cho phép họ tải hồ sơ cá nhân (như sở thích, cài đặt và nhạc) vào bất kỳ chiếc Byton nào. Mặc dù cho biết phiên bản thương mại sẽ giống đến 85% những gì được công bố tại CES nhưng hiện vẫn chưa có gì đảm bảo nội thất với màn hình lớn sẽ được giữ nguyên.
Byton bản thương mại hứa hẹn sẽ được trang bị công nghệ tự hành cấp độ 3 trong khi nhà sản xuất cho biết họ đang hướng đến việc tạo ra những chiếc xe điện tự hành cấp 4 vào những năm 2020. Thiết kế nội thất của bản concept hiện tại rõ ràng cho thấy Byton đang hướng đến việc phát triển một chiếc xe tự lái hoàn toàn, tương tự như những gì đã được thể hiện trên Tesla Model 3. Giá đề xuất của Byton là 45.000 USD cho phiên bản tiêu chuẩn.
Giống như nhiều nhà sản xuất xe mới nổi khác của Trung Quốc, Byton mặc dù có trụ sở chính tại quốc gia này nhưng vẫn có văn phòng đại diện ở Thung lũng Silicon. Đứng đầu Byton chính là những nhân vật kỳ cựu trong ngành công nghiệp ô tô, chẳng hạn như Carsten Breitfeld với vai trò CEO trước đây từng chạy chương trình BMW i và dẫn đầu đội ngũ phát triển chiếc i8. Hơn nữa, Tom Wessner, người từng là giám đốc điều hành của Faraday Future - một trong những đối thủ đáng gờm nhất của Tesla và là giám đốc quản lý chuỗi cung ứng của công ty cũng đã đầu quân cho Byton vào tháng 10.
Hiện nay, tất cả các nhà sản xuất xe điện ở Trung Quốc bao gồm NIO, Faraday Future, LeEco và cả Byton đều nhắm đến một mục tiêu chính là bán những chiếc xe mà họ làm ra tại Bắc Mỹ và châu Âu, trở thành một trong những đơn vị cạnh tranh chính của Tesla tại các thị trường này.
Nhưng tại đây, Tesla rõ ràng đang chiếm ưu thế. Bạn biết đấy, xe điện cần sạc mới chạy được và công ty của Elon Musk đang sở hữu 8.496 trạm sạc nhanh trên khắp thế giới còn Byton chẳng có trạm sạc nào. Carsten Breitfeld, giám đốc điều hành của Byton cho rằng ông hy vọng Tesla sẽ chia sẻ quyền sử dụng các trạm này cho công ty.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng vẫn chưa thể khẳng định liệu Tesla có muốn chia sẻ cơ sở hạ tầng của mình cho đối thủ, hay xem đối thủ chính là khách hàng tiềm năng. Năm 2014, ông Musk từng cho rằng “bất kỳ nhà sản xuất nào khác quan tâm đến việc sử dụng các trạm sạc, chúng tôi sẽ rất vui vẻ đồng ý. Họ cần phải đóng góp một khoản phí tương xứng nếu muốn được chia sẻ mạng lưới”.
Nguồn: The Verge