Sân bay Cần Thơ hiện chỉ có 4-6 chuyến/ngày
Trước tình trạng sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán 2017 sắp tới, Cục Hàng không đã đề nghị các hãng hàng không nội địa gồm Vietjet Air, Jetstar
Pacific và Vietnam Airlines có kế hoạch đưa bớt tàu bay về đỗ qua đêm tại Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ (CHKQT). Cục Hàng không cho rằng, hiện nay, mật độ khai thác bay tiếp tục tăng cao, đặc biệt là do tăng chuyến và mở mới các đường bay nội địa, số lượng tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam ngày càng nhiều, gây áp lực rất lớn lên kết cấu hạ tầng hàng không, đặc biệt tại CHKQT Tân Sơn Nhất.
Tại CHKQT Tân Sơn Nhất, số lượng tàu bay các hãng hàng không Việt Nam (Vietnam
Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco) đỗ lại qua đêm thường cao hơn số lượng được CHKQT Tân Sơn Nhất điều phối. Theo số liệu từ Cục Hàng không, hiện nay, sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có 57 chỗ đỗ tàu bay, song số lượng tàu bay các hãng trong nước thường đỗ qua đêm luôn lên tới con số 70.
Vì vậy, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị các hãng hàng không Việt Nam tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch khai thác, theo đó, đưa tàu bay đỗ qua đêm tại CHKQT Cần Thơ (ngoài các cảng hàng không căn cứ hiện tại Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Cát Bi).
Khai thác một nơi, đỗ một nẻo
Chủ trương này đã bị các hãng hàng không phản ứng khá gay gắt, bởi theo nguyên tắc hàng không, tàu bay phải theo khách, không thể khai thác ở một chỗ và đỗ ở một nơi. Cảng HKQT Cần Thơ được hoàn thành giai đoạn 2 nâng cấp vào tháng 1-2011, nhà ga hành khách với tổng diện tích sàn 20.750m2, phục vụ 3 triệu khách/năm, nối Cần Thơ với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, đến nay, sân bay này vẫn chỉ được khai thác với tần suất khiêm tốn của hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet Air. Ngoài ra, còn hãng hàng không Vasco khai thác đường bay ngắn chặng Cần Thơ - Côn Đảo và Cần Thơ - Phú Quốc. Tổng số chuyến bay đến/đi sân bay này khoảng 4-6 chuyến/ngày.
Đại diện hãng hàng không Jetstar Pacific cho biết, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, không có hãng nào bay rỗng hai chiều để đến đỗ qua đêm tại một sân bay khác vì chi phí cho một chuyến bay rất lớn (khoảng 200 - 300 triệu đồng), chưa kể phải kèm theo một đội bay và đội bảo dưỡng kỹ thuật. Hiện nay, sân bay Cần Thơ chưa có cơ sở bảo dưỡng máy bay. Theo đại diện Jetstar Pacific, yêu cầu nêu trên của Cục Hàng không đồng nghĩa với việc các hãng phải mở các đường bay mới đến Cần Thơ vào cuối ngày. Hiện tại, Jetstar Pacific chưa mở đường bay đến Cần Thơ.
Khuyến nghị chứ không ép buộc
“Cục hàng không khuyến khích các hãng đưa máy bay về Cần Thơ để giảm tải cho Tân Sơn Nhất chứ không phải là mệnh lệnh hành chính bắt buộc. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lịch bay hay mở đường bay mới của các hãng phải dựa trên nhu cầu của hành khách”, đại diện Jetstar Pacific bày tỏ.
Đại diện một hãng hàng không khác cũng cho biết, năm 2016, doanh thu bán vé của các hãng nội địa tăng cao nhưng lợi nhuận không tăng tương ứng do giá trung bình bán ra khá thấp. Trong khi đó, năm 2017, dự kiến, một số loại giá, phí khai thác sẽ được điều chỉnh tăng cao, gây sức ép lên chi phí đầu vào của các hãng hàng không. Trong trường hợp có những thay đổi về chính sách như yêu cầu đỗ máy bay qua đêm ở Cần Thơ, sẽ là một nhân tố tác động thêm chi phí đầu vào, gây sức ép tăng giá vé máy bay.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thông tin, phương án của Cục nhằm mục tiêu phát động thị trường Cần Thơ, sau đó mới đến giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Để phát động thị trường, Cục Hàng không sẵn sàng tạo thuận lợi tối đa cho các hãng hàng không có chuyến bay sớm tại Cần Thơ như giảm chi phí đỗ máy bay qua đêm, tạo điều kiện về trang thiết bị khai thác... Khi thị trường Cần Thơ phát triển mạnh, các hãng hoàn toàn có thể đỗ tàu bay qua đêm tại đây, giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngân Tuyền (ANTĐ)