Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Mai Xuân Vinh, Trưởng phòng Quản lý công sản (Sở Tài chính Hà Nội) cho biết, hiện nay Sở đang trình và chờ UBND TP Hà Nội phê duyệt phương án thí điểm khoán xe công tại 8 đơn vị, gồm 4 sở (Tài chính, Giao thông vận tải, LĐ-TB&XH, Kế hoạch và Đầu tư) và 4 quận, huyện (Long Biên, Hà Đông, Gia Lâm, Thanh Trì). Trước đó, Sở Tài chính đã đề nghị các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể, quận, huyện, thị xã rà soát toàn bộ xe ô tô phục vụ công tác chung tại cơ quan, đơn vị.
Tối đa 2 xe công/đơn vị
Theo quy định, cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên (không kể kiêm nhiệm) được trang bị xe ô tô phục vụ công tác chung để đưa đón cán bộ đi công tác (không đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc). Các sở, ban, ngành và tổ chức tương đương, Quận ủy, Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, HĐND, UBND quận, huyện, thị xã, thành phố được sử dụng tối đa 2 xe ô tô/đơn vị. Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành được sử dụng tối đa 1 xe ô tô/đơn vị.
Trên cơ sở quy định về tiêu chuẩn, định mức nêu trên, Sở Tài chính yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát số xe ô tô phục vụ công tác chung hiện có đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn định mức. Nếu phát sinh xe dôi dư so với tiêu chuẩn, định mức thì xử lý theo hướng thanh lý, chuyển sang nhóm xe chuyên dùng hoặc báo cáo thành phố để xử lý...
Theo số liệu rà soát, hiện tại, trung bình mỗi sở ngành, quận huyện của Hà Nội hiện có khoảng 4 xe công. Như vậy, nếu tính con số chi phí cho 1 ô tô công khoảng 200 triệu đồng/năm thì việc giảm đầu xe công trên cơ sở khoán xe công sẽ tiết kiệm được một khoản rất lớn.
Sở Tài chính đề xuất hai phương án, một là khoán theo đầu xe 9,3 triệu đồng/tháng; hai là khoán chi phí di chuyển khoảng 13.000 đồng/km.
Tạo cảm hứng lan tỏa
Đánh giá về chủ trương khoán xe công của thành phố Hà Nội, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, đây là việc làm rất đáng hoan nghênh, thể hiện Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước về cải cách hành chính. “Hà Nội đã có ý tưởng khoán xe công từ rất sớm, nay mạnh dạn thí điểm và nếu hiện thực hóa được thì rất tốt. Từ việc khoán xe công này, có thể sẽ có thêm một số tài sản công khác được khoán quản lý nhằm nâng cao hiệu quả”, ông Nguyễn Minh Phong nói.
Cũng theo TS Nguyễn Minh Phong, Hà Nội có một số thuận lợi nhất định khi thực hiện khoán xe công. Thuận lợi lớn nhất là đã có “tấm gương” của Bộ Tài chính ngay trên địa bàn mình, vì điều kiện tính toán cũng giống nhau và địa hình không phức tạp như các địa phương khác. Cùng với đó, taxi, phương tiện công cộng tại Hà Nội cũng rất thuận tiện, nhiều cán bộ cũng có ô tô riêng...
Tuy nhiên, việc khoán xe công cũng gặp những khó khăn nhất định như mức khoán như thế nào để người được khoán cảm thấy thoải mái; việc xử lý, quản lý như thế nào với số xe công và đội ngũ lái xe cũng phải có phương án phù hợp.
Trước Hà Nội, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện khoán kinh phí đưa đón xe công từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại với các chức danh từ Tổng cục trưởng trở lên theo công thức Đơn giá khoán x Số km khoán x 2 lượt x Số ngày làm việc của tháng. Theo công thức này, mức khoán cao nhất là 9,9 triệu đồng, mức thấp nhất là 4 triệu đồng. Tổng cộng mức chi khoán đối với 6 Thứ trưởng của Bộ Tài chính khoảng 44 triệu đồng/tháng. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai việc khoán xe công xuống các doanh nghiệp, vụ, viện trực thuộc Bộ.
Linh Nhật (ANTĐ)