Thực tế, chỉ có khoảng 20% lái xe biết chăm sóc lốp đúng cách. Điều đó có nghĩa là cứ 5 tài xế thì 4 người thiếu kiến thức về chăm sóc bảo dưỡng lốp xe. Trong khi đó, các nghiên cứu chỉ ra rằng sẽ tiết kiệm được 600 đồng/lít xăng dầu, nếu chăm sóc lốp đúng cách, đồng thời giúp kéo dài thời gian sử dụng lốp thêm hàng ngàn cây số và đem lại sự an toàn khi lưu thông trên đường.
Cần phải duy trì áp suất tối ưu cho lốp
Kiểm tra định kỳ ít nhất mỗi tháng một lần, khi lốp ở trạng thái nguội, hoặc dừng xe sau khoảng 3 giờ. Chỉ số áp suất tối ưu, thường được ghi trên thành cửa phía ghế lái. Bánh xe có thể mất áp suất đột ngột khi xe đi vào ổ gà hoặc va với lề đường. Lốp non hơi sẽ có độ cứng thấp, khiến cho quá trình biến dạng xảy ra mạnh, làm tăng việc phá hủy lốp, ngoài ra còn làm giảm các chức năng vốn có của lốp xe, mất khả năng an toàn. Nghiên cứu từ cơ quan An toàn giao thông quốc gia Mỹ cho thấy, các phương tiện sử dụng lốp có áp suất thấp hơn 25% so với tiêu chuẩn, có nguy cơ gặp tai nạn cao gấp 3 lần.
Cân bằng bánh và điều chỉnh góc đặt bánh xe, nên thực hiện khi thay hoặc đảo lốp tại xưởng sửa chữa hoặc đại lý bán lốp xe. Bánh xe cân bằng giúp giảm rung ồn cho xe. Điều chỉnh góc đặt bánh xe, không chỉ giúp tăng tuổi thọ sử dụng lốp mà còn loại bỏ hiện tượng lệch lái (trái hoặc phải) khi xe chạy thẳng.
Đảo lốp giúp tất cả các bánh mòn đều, nhờ đó tăng được tuổi thọ.
Trong quá trình sử dụng, do di chuyển trên những mặt đường không bằng phẳng, nghiêng hoặc tải trọng không đều trên xe, khiến bốn bánh xe bị mòn không đồng đều. Thông thường lốp được đảo sau khi đi được khoảng 8.000 km, hoặc bất cứ khi nào quan sát thấy lốp mòn không đều. Việc đảo lốp được thực hiện vài lần trong vòng đời của chiếc lốp. Không đảo lốp định kỳ sẽ dẫn tới tình trạng hao mòn quá nhiều của một số lốp xe, có thể gây ra nổ lốp khi lưu thông ở tốc độ cao, hoặc gây mất lái trong điều kiện đường trơn trượt.
Thông thường, với xe du lịch có dẫn động cầu trước, hai lốp trước mòn nhanh hơn 2 lốp sau và lốp bên trái có xu hướng mòn nhanh hơn so với lốp bên phải. Do vậy, cách thức đảo lốp đơn giản nhất là đổi bánh trước phải cho bánh sau trái, đổi bánh trước trái cho bánh sau phải. Mặc dù vậy, cách thức đảo này chỉ áp dụng được với những xe đang sử dụng lốp kích thước đồng nhất. Nếu xe có lốp dự phòng giống hệt 4 bánh xe chính, việc đảo lốp nên được diễn ra theo cách thức thông thường, nhưng sử dụng bánh dự phòng này vào vị trí của bánh sau bên phải.
Thay lốp kịp thời.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng khi vấu cao su nằm trong rãnh ta-lông lộ ra ngoài là lúc cần thay lốp. Nhưng đôi khi lốp cần phải được thay trước khi điều đó xảy ra, nếu không muốn bị nổ trên đường. Nếu xe được sử dụng thường xuyên, trung bình khoảng 19.000 - 24.000 km mỗi năm, lốp sẽ mòn trước khi lớp cao su tổng hợp bị thoái hóa. Nhưng nếu chỉ chạy xe vào dịp cuối tuần, khoảng 10.000 km/năm, lốp có thể bị lão hóa trước khi mòn quá mức.
Một số hãng ô tô tư vấn cho khách hàng nên thay lốp sau 5 năm sử dụng cho dù chưa mòn quá mức. Lốp là sản phẩm có hạn sử dụng, vì vậy, sau khi lắp lốp 5 năm là đến lúc thay mới, bất luận việc xe chạy nhiều hay ít. Lốp mới chưa sử dụng, cất trong kho, nhưng sản xuất từ 5 năm trước thì không nên mua về để thay. Tuổi thọ của cao su và các lớp vải bố không còn đảm bảo, nếu vượt quá thời gian này. Cần xem ký hiệu trên lốp để biết thời gian sản xuất. Ngay cả lốp dự phòng cũng vậy. Cho dù không làm việc thật sự, nhưng lốp xe dự phòng vẫn bị lão hóa.
Để đưa ra quyết định đúng đắn khi nào cần thay lốp, ngoài việc dựa độ mòn của ta-lông và tuổi lốp, lái xe cần kiểm tra kỹ bằng mắt. Vết nứt chân chim, sợi bố bật khỏi lớp cao sau, hay lốp bị phồng không đều là những dấu hiệu cho biết chất lượng cao su đã kém, nên thay chúng. Ngoài ra, còn có một số kinh nghiệm thực tế cho thấy xe đi khoảng 40.000 km là nên tính đến chuyện thay lốp. Tất nhiên, còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác như đi loại đường nào, có thường xuyên đảo lốp hay không...
Theo Vietnamnet