Trước những băn khoăn của người dân về việc có thể bị CSGT dừng xe yêu cầu kiểm tra giấy tờ chính chủ phương tiện, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội đã trả lời phỏng vấn PV ANTĐ, để giải thích vấn đề này.
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội
- PV: Thưa Thiếu tá, việc xử phạt đối với chủ xe mô tô, xe máy không làm thủ tục sang tên theo quy định pháp luật được thực hiện vào thời gian nào và chế tài xử phạt cụ thể ra sao?
- Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng: Việc áp dụng xử phạt đối với chủ xe không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô được áp dụng từ ngày 1-1-2017. Đối với hành vi vi phạm này, chủ xe sẽ bị phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 – 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ sở hữu theo Điểm b, khoản 1, Điều 30 Nghị định 46 ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
- PV: Vậy đối với trường hợp thuê mượn xe thì có bị xử phạt hay không, nếu có thì xử phạt như thế nào?
- Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng: Việc xử lý đối với chủ phương tiện không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, tặng, được phân bổ, điều chuyển, thừa kế chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên hoặc thông qua công tác đăng ký xe.
Chủ xe mô tô, xe máy được hiểu là chủ sở hữu của phương tiện. Tại Điều 158 Bộ luật Dân sự năm 2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2017 quy định về quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật. Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 30 Nghị định 46 chỉ quy định về xử phạt đối với chủ phương tiện (tức chủ sở hữu).
Như vậy, đối với người điều khiển phương tiện không đủ 3 quyền trên, tức là không phải chủ sở hữu phương tiện và không thuộc phạm vi điều chỉnh, không phải là đối tượng xử lý của các điều khoản trên. Điều đó có nghĩa, người điều khiển phương tiện đi thuê, đi mượn để tham gia giao thông cũng không bị xem xét, xử lý về hành vi vi phạm.
- PV: Vậy trong trường hợp nào, CSGT được phép kiểm tra xe chính chủ? Quá trình xử phạt, làm thế nào để lực lượng chức năng xác định được chủ phương tiện không làm thủ tục đăng ký sang tên theo quy định hay xe đi mượn, đi thuê?
- Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng: Lực lượng CSGT khi hoạt động tuần tra trên đường không tiến hành xác minh, xử lý đối với quyền sở hữu, mà quyền sở hữu theo NĐ 46 chỉ áp dụng trong 2 trường hợp: khi điều tra các vụ TNGT nghiêm trọng trở lên hoặc người đó đang làm thủ tục sang tên ở cơ quan chức năng.
Khi điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên hoặc thông qua công tác đăng ký xe, để xác định xem người chủ phương tiện không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định, hay xe đi mượn, đi thuê, chúng tôi có nhiều biện pháp như lấy lời khai của người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện đến làm thủ tục đăng ký xe; thông qua dữ liệu quản lý nghiệp vụ cơ sở dữ liệu về đăng ký xe của lực lượng CSGT, kiểm tra các loại giấy tờ mua bán hoặc mời người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe lên làm việc, xác minh…
Quy định này áp dụng đối tượng là chủ xe khi “mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản” mà không đăng ký sang tên xe, chứ không phải người lái xe. Cảnh sát giao thông cũng không tự ý dừng xe đang đi, trừ các trường hợp luật định.
Việc sang tên chuyển chính chủ là cần thiết, bởi phương tiện nhiều khi là vật chứng của các vụ án. Nếu không chính chủ, quá trình điều tra sẽ bị hạn chế thông tin bởi biển kiểm soát, đặc điểm phương tiện có thể là căn cứ để lực lượng công an xác minh, xác định tội phạm.
Chu Hương (ANTĐ)