Đối với ô tô, xe máy hay bất cứ phương tiện giao thông nào thì đèn xe là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng quyết định độ an toàn khi chúng ta lái xe, đặc biệt là lái xe trong đêm tối.
Đèn ô tô luôn có 2 chế độ cơ bản thường xuyên được sử dụng là đèn chiếu xa và đèn chiếu gần. Mỗi loại có ưu, nhược điểm bổ trợ cho nhau, kết hợp sử dụng đúng cách khi lưu thông trên đường sẽ giúp bạn có tầm nhìn thuận lợi, xử lý tình huống an toàn nhất.
Đèn chiếu xa (đèn pha)
Đèn pha giúp nhìn biển báo cũng như tầm quan sát xa hơn.
Đây là loại đèn cực kỳ có lợi khi di chuyển trên đường quốc lộ hoặc cao tốc do chiếu sáng xa rất tốt, đèn chiếu ở tầm cao giúp lái xe nhìn thấy biển báo giao thông để biết tốc độ và cách đi. Lợi thế là vậy nhưng điều đó vô tình lại là hạn chế của đèn này khi chiếu vào lái xe ở đường đối diện khiến tầm quan sát bị hạn chế rất nguy hiểm.
Đèn chiếu gần (đèn cốt)
Loại đèn này chỉ chiếu gần khoảng 3 - 5 mét từ mũi xe ô tô của bạn, quan sát những vật lạ ngay trước xe và dễ dàng tránh được. Nhưng loại đèn này cực kỳ hạn chế khi di chuyển tốc độ cao do tầm chiếu sáng thấp nên tài xế khó có tầm nhìn tốt nhất.
Thời điểm sử dụng đèn thích hợp
Sử dụng đèn hợp lý để an toàn khi trên đường.
Trên đường cao tốc có dải phân cách cao bạn nên sử dụng đèn pha để tầm nhìn hiệu quả nhất. Những đường quốc lộ không có dải phân cách thì bạn nên sử dụng đèn pha và chỉ về cốt khi gặp xe đối diện. Nếu đi đường xa cũng nên thỉnh thoảng chỉnh đèn về cốt để nhìn gần sẽ giúp mắt không quá căng thẳng.
Trong thành phố, khu đông dân cư bạn buộc phải sử dụng đèn chiếu gần để đảm bảo những xe xung quanh không bị chói mắt. Hơn nữa luật giao thông cũng quy định không được sử dụng đèn chiếu xa trong thành phố và khu vực đông dân cư.
Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính với hành vi vi phạm về sử dụng đèn chiếu xa như sau:
- Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:
+ Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều. (Điểm g, Khoản 3, Điều 5).
+ Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư. (Điểm b, Khoản 3, Điều 5).
Đèn sương mù
Với đặc tính chiếu sáng khi thời tiết có nhiều sương mù để tăng khả năng quan sát của lái xe. Nhưng hạn chế của một số loại đèn này là làm lệch sáng trong điều kiện thời tiết bình thường nên chỉ sử dụng khi có sương mù không dùng đồng thời với đèn pha ô tô.
Phương pháp giúp đèn sáng hơn
Lau rửa đèn để giúp xe có ánh sáng tốt nhất.
Khi đi đường xa kính lái sẽ bị bụi bám và mờ nên bạn cần thường xuyên rửa kính bằng cần gạt để ánh sáng đèn không bị mờ. Đồng thời, bạn cũng nên sử dụng khăn ướt để lau trực tiếp bên ngoài đèn nếu xe không có chức năng rửa đèn pha.
Những yếu tố ảnh hưởng đến việc chiếu sáng của đèn pha
Rất nhiều chi tiết ảnh hưởng đến nguồn điện chiếu sáng của xe ô tô nên bạn cần quan tâm như: Máy phát điện xe phải phát đủ 14V để có thể cung cấp đủ điện cho các bóng đèn xe, dây dẫn điện đảm bảo không bị rách hoặc nứt gãy. Công tắc, rơ le hoạt động ổn định, các đầu nối kín.
Máy phát điện ảnh hưởng lớn đến đèn xe.
Không sử dụng những loại bóng đèn có công suất lớn trên 90W cho xe vì nhiệt năng tỏa ra sẽ gấp đôi bóng đèn tiêu chuẩn theo xe. Hệ thống điện sẽ bị quá tải gây hư hại đến quá trình chiếu sáng.
Văn hóa sử dụng đèn ô tô
Hiện nay, thực trạng ô nhiễm tiếng ồn đang báo động ở nước ta nên các tài xế nên dần quen với việc chuyển sang sử dụng đèn báo thay vì còi inh ỏi. Khi muốn vượt xe hay xin đường nên nháy đèn, đèn sẽ chiếu vào gương chiếu hậu để xe phía trước biết, khi có tín hiệu xi nhan bên phải là họ nhường cho bạn vượt.
Luôn sử dụng đèn xe đúng cách, chăm sóc bảo dưỡng thường xuyên để bạn không còn lo ngại khi đi xa vào ban đêm.
Xuân Khải