Có gợi ý, nên vay tiền Trung Quốc làm cao tốc vì tỷ giá ổn định
60-70% phương tiện đi cao tốc
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật thông tin, cơ sở đề xuất dự án cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông dựa trên quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, dự kiến đến năm 2020, phấn đấu có 2.000-2.500km đường cao tốc. “Dựa vào quy hoạch, Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt trong những năm vừa qua và đã hoàn thành được 746/6.114km. Con số này so với quy hoạch và nhu cầu thực tế còn rất hạn chế. Vì vậy, cần tập trung đầu tư hệ thống cao tốc đường bộ Bắc - Nam trong đó, tập trung trước vào tuyến phía Đông, khoảng 1.300km”, ông Nguyễn Nhật cho hay.
Còn ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cho rằng, TEDI đã xây dựng nhiều kịch bản, xem xét 5 loại hình vận tải đang vận hành như hàng không, đường sắt, đường thủy, đường biển và đường bộ. Trong đó, đường sắt phân bổ theo tỷ trọng thì năng lực hạn chế dưới 10%, trong khi đường bộ gánh trên 70%. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sức thu hút các phương tiện giao thông của đường cao tốc tăng theo thời gian từng giai đoạn. Qua khảo sát, 70% xe con tham gia cao tốc, xe tải đạt 60%.
Cũng theo ông Phạm Hữu Sơn, đề án Bộ GTVT trình Chính phủ đã chỉ ra rằng, tuyến phía Đông đi qua 20 tỉnh, thành phố với rất nhiều cảng biển, vùng kinh tế trọng điểm trải dài theo tuyến này. Do vậy, thông qua tuyến cao tốc này, có thể đẩy mạnh phát triển kinh tế không chỉ 20 tỉnh, thành phố mà còn tạo động lực xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam. Về công tác GPMB, với chiều dài toàn tuyến 1.372 km, có 432km trùng với đường Hồ Chí Minh (đoạn tuyến cao tốc Đông - Tây) giúp tiết kiệm chi phí, đồng thời góp phần giảm tải cho nhiều đoạn tuyến trên QL 1.
Gợi ý vay nhân dân tệ?
Dù không thể phủ nhận việc cần thiết phải xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông bởi QL1 dù mới được cải tạo, nâng cấp nhưng cũng đã quá tải, trong khi tuyến đường Hồ Chí Minh chưa hoàn thiện, năng lực đáp ứng còn thấp. Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn thì số vốn 230.000 tỷ đồng rất khó thu xếp. Đề cập đến khả năng bố trí nguồn vốn cho dự án này, Bộ GTVT cho rằng, vốn ngân sách sẽ hỗ trợ khoảng 40,7%, giảm nhiều so với các dự án trước đây (52,8%) và việc kêu gọi vốn ngoài ngân sách đối với khoản còn lại là có thể thực hiện.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhìn nhận, trong đề án này có điểm rất đặc biệt, số tiền đầu tư 93.000 tỷ đồng được Chính phủ chuyển từ ODA sang trái phiếu, tức từ hình thức cấp phát sang cho vay.
“Nguồn vốn nội địa lấy từ đâu? Chỉ có thể từ các ngân hàng thương mại, nhưng niện nay, các ngân hàng rất cảnh giác trong việc cấp tín dụng đối với các dự án BOT giao thông vì nợ xấu rất nhiều. Do đó, nguồn vốn nội địa rất khó khăn và các nhà đầu tư nên vay nước ngoài nhưng phải cân nhắc kỹ về lãi suất, tiến độ giải ngân, trả nợ...”, ông Lê Xuân Nghĩa phân tích.
“Chúng ta không thể trông chờ nhiều vào vốn đầu tư của các đối tác truyền thống. Cần tìm các nhà đầu tư mới”, ông Lê Xuân Nghĩa đề nghị. Liên quan đến rủi ro về tỷ giá khi đi vay ngoại tệ để làm cao tốc, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu vay đồng USD thì tỷ giá hay biến động.
“Trong hoàn cảnh hiện nay, tôi cho rằng, chúng ta có thể chấp nhận vay đồng nhân dân tệ để tránh rủi ro về tỷ giá”, ông Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm.
Ngân Tuyền (ANTĐ)