Mặc dù có vẻ ngoài hầm hố như một mẫu xe quân sự bọc thép và hệ động lực hybrid, Pioneer chỉ nặng 1.500kg. Con số này có được là nhờ vào kết cấu khung nhôm với các chi tiết composite và phần thân khác thường của nó. Thay vì thép, nhôm hay các loại composite, Fering đã sử dụng loại vải bạt bền tương tự như những chiếc bốt leo núi. Không chỉ nhẹ, vải cung cấp khả năng cách nhiệt tốt hơn thép và dẻo dai hơn khi đi off-road.
Thay vì bị móp, vải có độ đàn hồi cao và nếu bị rách, việc thay thế hoặc sửa chữa sẽ rẻ hơn so với các tấm thân xe bằng những vật liệu khác. Một điểm khác thường nữa của Fering Pioneer đó là những chiếc mâm 'quá khổ' với đường kính lên tới 22,5 inch. Fering nói rằng kích thước vành này được lựa chọn để có thể lắp được những chiếc lốp xe tải rất phổ biến, ngay cả tại các vùng xa xôi hẻo lánh nhất trên Thế giới.
Hệ động lực của Fering Pioneer cũng đáng chú ý khi cung cấp tầm hoạt động lên tới 7.000km mỗi lần nạp nhiên liệu. Điều đó đạt được nhờ vào hệ thống hybrid sử dụng một cặp động cơ điện (một ở mỗi trục) để cung cấp động cho các bánh xe. Chúng được cấp nguồn bởi pin và bởi một động cơ diesel sinh học 800cc 3 xi-lanh hoạt động như máy phát. Fering cho biết thêm rằng họ sẽ cung cấp các loại động cơ chạy bằng nhiên liệu khác (ví dụ như cồn) để thích ứng với nhu cầu thị trường.
Máy phát sẽ chỉ có một mục đích duy nhất là giúp sạc khối pin với dung lượng khiêm tốn chỉ đủ để cho chiếc xe đi được khoảng 80km. Tuy nhiên, với việc tập trung vào các điều kiện khắc nghiệt, Pioneer không thể chỉ sử dụng pin thông thường vốn bị giảm dung lượng trong thời tiết lạnh và nhiệt độ cao. Thay vào đó, chiếc SUV sẽ sử dụng các cell pin Lithium Titanate Oxide đối phó tốt hơn với thời tiết khắc nghiệt. Nhìn chung, Pioneer có được mô-men xoắn 600Nm tức thời từ 2 mô-tơ.
Chiếc Pioneer đầu tiên hiện đang trong quá trình thử nghiệm kỹ lưỡng và Fering có kế hoạch bắt đầu sản xuất chiếc xe vào nửa đầu năm 2022.
Quang Nam
(Theo Nghe nhìn Việt Nam)