Trước tình hình Hà Nội liên tục phát hiện các ca mắc Covid-19 mới trong cộng động và chưa rõ nguồn lây ở vài ngày qua, Chủ tịch thành phố - ông Chu Ngọc Anh đã ký quyết định giãn cách xã hội trên phạm vi toàn thành phố trong vòng 15 ngày từ 6h sáng ngày 24/7/2021. Theo đó, việc cách ly toàn xã hội sẽ được thực hiện theo nguyên tắc: gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện và thành phố cách ly với tỉnh. Bên cạnh đó, chính quyền thủ đô cũng yêu cầu các địa bàn giám sát nghiêm tục việc thực hiện Chỉ thị 16 và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Hà Nội sẽ giãn cách theo Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày từ 6h sáng ngày 24/7/2021.
Tương tự như đợt giãn cách hồi đầu tháng 4/2020, thành phố Hà Nội yêu cầu người dân ở nhà và chỉ ra ngoài trong các trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, khám chữa bệnh, cấp cứu, tiêm chủng hoặc đi công tác công vụ, làm việc tại các cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh, hàng hóa thiết yếu thuộc diện được phép hoạt động. Lưu ý, tang lẽ chỉ được tổ chức trong phạm vi gia đình, không quá 20 người và không được tổ chức các đoàn viếng.
Đồng thời, người dân phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và công cộng; khai báo y tế hàng ngày trên trang web tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone; khi gặp triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác,… phải liên hệ với chính quyền địa phương, cơ sở y tế gần nhất.
Đối với các trường hợp từ khu vực phía ngoài có nhu cầu di chuyển vào bên trong địa bàn thành phố vì lý do công vụ, phòng chống dịch hoặc phục vụ sản xuất, người dần cần phải khai báo y tế và tuần thủ các biện pháp giám sát, cách ly y tế đúng theo quy định của thành phố.
Các cơ sở được phép hoạt động trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16
Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động gồm có: trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả trái cây, kinh doanh nông sản thực phẩm trên đại bàn. Tuy nhiên các cơ sở này chỉ được bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho người dân.
Bên cạnh đó, các cơ sở vẫn được hoạt động gồm có: cửa hàng thuốc, cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch, cơ sở dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến các hoạt động của ngân hàng hoặc bổ trợ doanh nghiệp (ví dụ: công chứng, đăng kiểm, luật sư,…). Ngoài ra còn có chứng khoán, bưu chính – viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện và bảo trợ xã hội.
Các cơ sở này phải đảm bảo an toàn chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, yêu cầu kiểm soát toàn bộ người đến mua hàng, sử dụng dịch vụ và khai báo y tế bằng mã QR.
Đối với các nhà máy sản xuất, cơ quan, công sở
Các cơ quan, công sở, công ty, doanh nghiệp, tập đoàn (trừ hoạt động chính trị, đối ngoại cấp bách,…) phải bố trí cho cán bộ, công chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Những trường hợp thật sự cần thiết mới đến làm việc tại công sở như: trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật,…
Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong các khu/cụm công nghiệp phải xây dựng phương án sản xuất an toàn theo chỉ thị “3 tại chỗ: sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ” hoặc “một cung đường hai điểm đến”.
Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất ngoài khu/cụm công nghiệp phải đăng ký hoạt động với chính quyền địa phương về danh sách lao động, các phương án đảm bảo sản xuất an toàn phòng chống dịch và thời gian hoạt động sản xuất. Đồng thời, chủ tịch các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm toàn diện, triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại khu/cụm công nghiệp, đảm bảo hoạt động sản xuất hàng hóa, quản lý nơi đi, ở của công nhân.
Dừng hoạt động vận tải hành khách đường bộ bằng ô tô, đường thủy
Theo chính quyền thành phố Hà Nội, các hoạt động vận tải hành khách phải dừng hoạt động gồm có: xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách công cộng bằng xe mô tô (bao gồm cả “xe ôm” truyền thống lẫn xe có sử dụng phần mềm công nghệ kết nối”.
Các trường hợp được phép vận tải hành khách gồm có: phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia.