Đại dịch Covid-19 đã khiến phần lớn các hãng ô tô trên thế giới đều phải đối mặt nhiều khó khăn. Trong khi đó, thị trường phụ tùng ô tô giả lại nở rộ trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Theo ông Florian Adt, giám đốc sở hữu trí tuệ sản phẩm hợp pháp của tập đoàn Daimler hay công ty mẹ của Mercedes-Benz, trong năm 2020, đã có hơn 1,7 triệu phụ tùng ô tô giả bị tịch thu. Trong đó, riêng tập đoàn Daimler đã hỗ trợ hoặc khởi xướng 550 vụ đột kích phụ tùng ô tô giả của lực lượng cảnh sát.
So với năm 2019, số lượng phụ tùng ô tô giả bị tịch thu đã tăng nhẹ. Điều này khá bất ngờ vì theo tập đoàn Daimler, trong năm 2020 đã có không ít vụ đột kích của lực lượng cảnh sát đã bị hủy bỏ vì nhiều tòa án tạm thời đóng cửa.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên những giao dịch mua bán phụ tùng ô tô giả trực tuyến đã tăng mạnh. Tập đoàn Daimler nhận thức rõ điều này nên đã can thiệp và gỡ được 138.000 phụ tùng ô tô giả trên các nền tảng mua bán trực tuyến. Con số này tăng gần gấp 3 lần so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19.
Trong số các phụ tùng ô tô giả, tập đoàn Daimler tập trung nhiều nhất vào những sản phẩm liên quan đến an toàn như đĩa phanh hoặc vành la-zăng. Những phụ tùng giả này trông như thật nhưng thường là 'hàng nhái' kém chất lượng, 'thậm chí còn không đáp ứng được những tiêu chuẩn hợp pháp tối thiểu'.
Tập đoàn Daimler đã thử nghiệm một số phụ tùng giả của xe Mercedes-Benz bán trên thị trường. Qua thử nghiệm, tập đoàn này thấy má phanh giả khiến khoảng cách phanh của xe dài hơn đáng kể và nhanh mòn hơn so với phụ tùng chính hãng. Ngoài ra, tập đoàn Daimler còn tung ra hình ảnh của một loại vành AMG 'nhái' bị nứt 2 chấu trong quá trình thử nghiệm.
Má phanh giả (bên trái) và hàng chính hãng
Xe dùng má phanh giả (màu nâu) có quãng đường phanh dài hơn
Mâm AMG giả (bên phải) bị nứt 2 chấu sau khi thử nghiệm thực tế và hàng chính hãng
Nguy hiểm tiềm ẩn của phụ tùng ô tô giả là điều không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, chúng lại có sức hấp dẫn lớn với những kẻ bất lương vì theo Hiệp hội thương mại Unifab, bán phụ tùng ô tô giả còn lãi hơn cả ma túy.
Theo tập đoàn Daimler, cách tốt nhất để tránh mua phải phụ tùng ô tô giả đương nhiên là chọn những đại lý chính hãng hoặc công ty uy tín. Ngoài ra, khách hàng cũng không nên ham rẻ mà phải cảm thấy đề phòng khi phụ tùng ô tô có giá thấp bất thường. Ngay cả việc chúng được rao bán trên các trang thương mại điện tử lớn cũng không phải là cơ sở để tin tưởng. Trong năm 2017, công ty Amazon từng bị tập đoàn Daimler kiện vì rao bán phụ tùng ô tô giả, cụ thể là nắp trục bánh xe Mercedes-Benz, trên trang thương mại điện tử của mình.
Daimler không phải là hãng xe duy nhất đau đầu vì tình trạng phụ tùng ô tô giả bán tràn lan trên thị trường. Trong năm 2019, hãng Porsche từng thẳng thừng nêu tên Trung Quốc như quốc gia sản xuất phần lớn các phụ tùng ô tô giả bị tịch thu trong năm 2018.
Tại Việt Nam, cũng đã từng có không ít người mua nhầm phải phụ tùng ô tô giả. Ví dụ điển hình như trường hợp của một người dùng Mercedes-Benz GLC mua phải mâm AMG 'nhái' với giá 70 triệu đồng. Được quảng cáo là hàng 'xịn' tháo xe nhưng bộ mâm này đã bị vỡ làm đôi sau khi gặp vật cản là một cục đá. Sự việc này từng thu hút sự chú ý của nhiều người dùng Mercedes-Benz vào thời điểm năm 2019. Sau sự việc này, Mercedes-Benz Việt Nam đã nhanh chóng lên tiếng cảnh báo khách hàng của mình.
Bộ mâm AMG cho Mercedes-Benz GLC được quảng cáo là “hàng tháo xe” có giá 70 triệu đồng thực chất là phụ tùng giả