Theo đó, Đề án đưa ra, lộ trình hạn chế xe máy ở Thủ đô theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ năm 2020 sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần, lễ, tết. Năm 2021 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7h đến 19h hàng ngày, đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.
Giai đoạn 2 từ năm 2023 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh trong vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...).
Giai đoạn 3 đến năm 2025 sẽ cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3.
Hà Nội đang lấy ý kiến về việc hạn chế xe máy cá nhân ra vào nội đô trong tời gian tới
Ôtô cá nhân sẽ bị hạn chế hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực. Ngoài ra, một số khu vực trung tâm cho phép ôtô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí. Hà Nội sẽ dừng cấp phép sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ ôtô, xe máy tại 4 quận nội đô (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) và tăng phí trông giữ ôtô, xe máy tại khu vực trung tâm, không khuyến khích sử dụng phương tiện cá nhân.
Theo tính toán dự báo tổng số chuyến đi/ngày đêm đến năm 2020 trên địa bàn TP là 23,4 triệu chuyến đi và đến năm 2025 là 25,8 triệu chuyến đi .Đến năm 2020, tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng Hà Nội đáp ứng khoảng 25% nhu cầu đi lại, trong đó đường sắt đô thị chiếm 2% - 3%. Đến năm 2030, tỷ lệ đảm nhận VTHKCC đáp ứng khoảng 40% nhu cầu đi lại trong đó đường sắt đô thị khoảng 17%.
Với kịch bản tăng trưởng tự nhiên phương tiện ô tô, xe máy như tốc độ dự báo phát triển phương tiện, đến năm 2020 là 938.378 xe ô tô; 6.280.815 xe máy và đến 2025: 1.328.809 ô tô; 7.316.660 xe máy cho thấy:
Đến 2020, nếu toàn bộ số phương tiện đỗ ra đường trên toàn thành phố sẽ chiếm 99,89% diện tích mặt đường; nếu toàn bộ phương tiện lưu hành với vận tốc 20km/h thì diện tích chiếm dụng vượt 502% (5,02 lần) diện tích mặt đường của thành phố. Nếu trong vành đai 3 thì con số này tăng gấp nhiều lần là 148% và 762% (tức là vượt khả năng đáp ứng của đường bộ 7,62 lần) sẽ thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Các số liệu trên chưa đề cập đến lượng xe ngoại tỉnh hoạt động trên địa bàn thành phố.
Như vậy, đây là kịch bản phát triển không hợp lý, làm tiếp diễn sự bùng nổ của phương tiện cá nhân trong tương lai và ùn tắc giao thông nghiêm trọng, không thực hiện được mục tiêu đề ra trong Chiến lược nên không lựa chọnkịch bản phát triển này.
Kịch bản 2, với điều kiện hạ tầng giao thông phát triển theo quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông vận tải của Thủ đô Hà Nội, các đường vành đai, các đường trục chính cơ bản hoàn thiện cùng với các giải pháp quản lý phương tiện giao thông, phát huy tối đa năng lực của VTHKCC nhằm giảm ùn tắc giao thông. Các chỉ tiêu phải đảm bảo cân đối cụ thểnhư:
Đến năm 2020, VTHKCC đáp ứng 25% tương đương 5,78 triệu chuyến đi/ngày đêm; vận tải cá nhân đáp ứng 75% tương ứng 17,35 triệu chuyến đi/ngày đêm, tương đương giảm khoảng 20.000 ô tô con/năm và 120.000 xe máy/năm.
Đến năm 2025, VTHKCC đáp ứng 32% tương đương 8,27 triệu chuyến đi/ngày đêm; vận tải cá nhân đáp ứng 68% tương đương 17,58 triệu chuyến đi/ngày đêm, tương đương giảm khoảng 30.000 ô tô con/năm và 180.000 xe máy/năm.
Đề án cũng dựa vào kinh nghiệm của một số TP trên thế giới và đưa vào áp dụng tại Hà Nội cần lưu ý, phát triển VTHKCC là điều kiện cần thiết. Quản lý sự gia tăng của các phương tiện giao thông cá nhân được áp dụng bằng các biện pháp quản lý hành chính và các biện pháp kinh tế; việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân cần phải có lộ trình theo thời gian, tuyến đường và khu vực.
Ngoài ra, cần ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý phương tiện tham gia giao thông, triển khai hệ thống giám sát giao thông và thu phí tự động... và cuối cùng là phải nâng cao được ý thức tự giác thực hiện pháp luật và hình thành văn hóa giao thông đồng thời có các biện pháp xử lý nghiêm và mạnh của các giải pháp quản lý.
Hải Dương (ANTĐ)