Nhiều sai phạm tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã được chỉ ra
Dư thừa vẫn lập dự án đầu tư
Kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và một số đơn vị thành viên nêu rõ, VNR đã thiếu trách nhiệm trong việc quyết định và quản lý thực hiện các dự án đầu tư máy móc, thiết bị và dự án kết cấu hạ tầng đường sắt gây lãng phí.
Từ năm 2003-2009, VNR đã thực hiện 3 dự án mua sắm máy móc, thiết bị với tổng giá trị đầu tư gần 408 tỷ đồng. Việc đầu tư không theo phương thức kinh doanh mà mua tài sản giao cho các công ty TNHH MTV bằng hình thức ghi công nợ nội bộ, thu hồi nợ bằng mức khấu hao, không có hiệu quả đầu tư cụ thể. Quy mô đầu tư một số loại tài sản vượt nhu cầu sử dụng, tính năng tài sản chưa phù hợp với điều kiện khai thác thực tế, hạch toán quản lý tài sản sai chế độ. Đặc biệt, VNR đã phê duyệt chi phí lãi vay nằm trong đơn giá ca máy sai quy định 66,807 tỷ đồng.
Mặt khác, phương thức đầu tư và giao tài sản như trên đã đẩy khó khăn, áp lực tăng chi phí khấu hao bất hợp lý cho các công ty quản lý hạ tầng, làm giảm hiệu quả kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện về tiền công, tiền lương quá thấp của người lao động ở một số công ty quản lý hạ tầng đường sắt thời gian qua.
VNR đã đầu tư mua sắm thiết bị duy tu bảo trì cầu đường sắt “gói thầu EP thuộc Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt (44 cầu) từ năm 2010”, trị giá 119,395 tỷ đồng khi chưa có nhu cầu sử dụng, để lưu giữ trong kho thời gian dài gây lãng phí; tiến độ thực hiện các dự án đầu tư quá chậm, một số dự án chậm từ 7-10 năm làm phát sinh chi phí lớn; quyết định đầu tư dự án hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt với dung lượng tổng đài điện thoại lắp đặt dư thừa quá nhiều, gấp 7 lần so với nhu cầu sử dụng thực tế.
Chưa hết, VNR đã đầu tư dự án mua ray Áo với giá cao bất thường so với giá ray có tính năng tương tự trên thị trường cùng thời điểm; đồng thời phê duyệt giá đưa vào công tác duy tu, bảo trì đường sắt, gây lãng phí vốn ngân sách so với giá bình quân thị trường khoảng 8,426 triệu đồng/tấn; phê duyệt vào giá vốn hàng tồn kho ray Áo các khoản chi phí không thuộc giá vốn 44,997 tỷ đồng; phê duyệt vào giá ray sử dụng nguồn vốn Chính phủ cấp mua ray dự phòng các khoản chi phí không đúng quy định 11,099 tỷ đồng…
VNR còn phê duyệt và ký bổ sung hợp đồng sai căn cứ, trùng lắp tại Dự án nâng cao năng lực Trung tâm điều hành (OCC) số tiền 303.920 EUR; phê duyệt sai định mức, sai chế độ về chi phí quản lý các dự án 11,638,67 tỷ đồng.
“Làm phép” với 2 khu đất vàng
Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định, VNR góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu là trái quy định. Thời điểm năm 2003, VNR đang quản lý sử dụng cơ sở kinh doanh khách sạn trên 2 thửa đất liền kề diện tích 978,48 m2 ở 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu - là vị trí thuận lợi hàng đầu ở Thủ đô Hà Nội.
Không đấu thầu, đấu giá để tránh thất thoát tài sản và lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất, VNR đã thực hiện theo thủ tục góp vốn thành lập doanh nghiệp mới để thực hiện thỏa thuận đầu tư kinh doanh khách sạn 4 sao. VNR đã lựa chọn đối tác chưa có khả năng, kinh nghiệm đáp ứng trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn.
Ngay sau khi có thỏa thuận góp vốn, VNR đã gấp rút đứng tên thực hiện thủ tục thuê đất rồi thanh lý ngay hợp đồng thuê đất để chuyển quyền thuê cho doanh nghiệp góp vốn thuê với lý do là tài sản trên đất đã mang đi góp vốn. Đến nay, dự án đầu tư kinh doanh khách sạn 4 sao chưa triển khai được thì VNR lại có chủ trương thoái vốn tại doanh nghiệp này để nhượng toàn quyền khai thác cơ sở kinh doanh cho đối tác.
“VNR đã xem thường lợi ích của Nhà nước, lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện việc góp vốn trái quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu”, Thanh tra Chính phủ kết luận. Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra, mặc dù kết quả kinh doanh trì trệ nhưng cán bộ VNR đi công tác, học tập nước ngoài liên tục.
Với hàng loạt sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ GTVT kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân liên quan đến khuyết điểm, vi phạm nêu trong kết luận. Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ GTVT, Bộ TN-MT, UBND TP Hà Nội rà soát lập phương án sử dụng khu đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu đảm bảo yêu cầu có hiệu quả, đúng pháp luật, không để thất thoát lãng phí tài sản Nhà nước.
Từ năm 2010 đến hết năm 2013, VNR đã tổ chức 188 đoàn đi nước ngoài với tổng số tiền chi gần 14 tỷ đồng, trong đó có 23 đoàn đi không có văn bản mời hay hợp đồng học tập với phía đối tác, tổng số tiền gần 2 tỷ đồng (12 đoàn có trong kế hoạch, giá trị thanh toán 1,28 tỷ đồng, 11 đoàn không có trong kế hoạch giá trị thanh toán 663 triệu đồng).
Kiểm tra hồ sơ 5 đoàn đi nước ngoài năm 2012-2013, Thanh tra Chính phủ phát hiện cả 5 đoàn đi đều hợp đồng qua các công ty du lịch trong nước (theo tour) với nội dung đi nước ngoài là “tham quan, học tập”, tổng số tiền thanh toán trên 1,7 tỷ đồng.
Ngân Tuyền (ANTĐ)