Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, nếu quản lý tài sản công thiếu rõ ràng, minh bạch thì dẫn đến thất thoát rất nhiều
Thu hồi tài sản sử dụng sai mục đích
Theo Tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), với 10 chương (137 điều), Dự thảo đã luật hóa được những vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản.
Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) quy định các nội dung cơ bản: Quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Chế độ quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng... Đặc biệt, Dự thảo bổ sung quy định về giám sát của cộng đồng đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công; Bổ sung quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật về tài sản công và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm.
Bên cạnh đó, Dự thảo còn chỉ ra những hành vi bị cấm như: Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản công dưới mọi hình thức; Đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ; Sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật; Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng, chiếm đoạt sử dụng trái phép tài sản công; Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Cũng theo Dự thảo, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công mà gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm liên đới.
Quy trách nhiệm khi quản lý không tốt tài sản công
Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, về khái niệm tài sản công, Bộ luật Dân sự (BLDS) đã nêu khá rõ, còn dự án luật này chỉ liệt kê chủ thể nên không đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan. Về mục đích sử dụng tài sản công, cơ quan công lập sử dụng không hết công năng có thể góp vốn, cho thuê, đưa vào sử dụng mục đích khác. Tuy vậy, nếu sử dụng tài sản Nhà nước vào mục đích kinh doanh phải theo đúng quy định pháp luật về thuế, tài chính nếu không sẽ gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Còn theo Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận), hiện nay, tình trạng các cơ quan Nhà nước quản lý tài sản công chưa rõ ràng, minh bạch nên thất thoát rất nhiều. Do vậy, yêu cầu cấp thiết được đặt ra phải tăng cường quản lý tài sản công. Trong điều kiện hiện nay, điều quan trọng nhất là phải đưa ra được những quy định cụ thể để có một cơ chế vừa quản lý chặt chẽ đối với các tài sản của Nhà nước do Nhà nước đầu tư, vừa nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng. Bên cạnh đó, việc quy trách nhiệm trong việc quản lý sử dụng không tốt tài sản công cần phải được thể hiện rõ ràng trong dự thảo luật.
Với quan điểm tương tự, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) phát biểu, Dự thảo Luật mới đã quy định rõ về trách nhiệm cá nhân trong quản lý, sử dụng tài sản công song vẫn cần sự giám sát và phân định tài sản công của người dân, Mặt trận Tổ quốc, Quốc hội... Lâu nay, tính minh bạch trong tài sản công bị đặt dấu hỏi, cho nên lần này quy định Luật cần rất chặt chẽ để chúng ta kiểm soát, thống kê, điều tra được tài sản công hiện nay là bao nhiêu, kể cả tài sản liên quan tới đầu tư công tới đây. Quan trọng là cần đánh giá được tính hiệu quả trong sử dụng tài sản công để có thể điều chuyển phù hợp.
Trong ngày 31-10, Quốc hội đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủy lợi; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, việc quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị phải tạo nên năng lực chủ lực trong vận chuyển hành khách khối lượng lớn, tốc độ nhanh và trong toàn bộ vận hành của mạng lưới vận tải công cộng trên các đô thị lớn. Dự thảo Luật đường sắt (sửa đổi) cần quy định những loại hình công nghệ sử dụng trong đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao cho thuận tiện trong việc chuyển giao công nghệ, bảo trì, sửa chữa.
Huệ Linh (ANTD)