Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT phân chia hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) thành 2 giai đoạn phù hợp với lộ trình và điều kiện thực hiện.
Cụ thể, giai đoạn 1 gồm các trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và một số tuyến cao tốc đến nay đã triển khai và vận hành hệ thống ETC (40/44 trạm), bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và tăng cường minh bạch trong hoạt động thu phí.
Đối với 4 trạm còn lại của giai đoạn 1 chưa triển khai là các trạm thuộc hệ thống đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang quản lý thực hiện do những vướng mắc về do nguồn vốn triển khai, tái cơ cấu các dự án và sự chỉ đạo điều hành của VEC sau khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp việc thực hiện đầu tư, vận hành hệ thống thu phí không dừng chậm và không thể hoàn thành trong năm 2020.
Bộ GTVT đã báo cáo và đượcThủ tướng Chỉnh phủ chỉ đạo, hiện nay VEC đang xây dựng giải pháp và báo cáo cấp có thẩm quyền để có căn cứ thực hiện.
Trong tổng số 33 trạm thu phí thuộc giai đoạn 2, có 8 trạm có tính chất đặc thù kiến nghị không thực hiện hoặc lùi thời gian thực hiện ETC để đảm bảo hiệu quả.
Gồm 2 trạm thu phí có doanh thu quá thấp (cầu Mỹ Lợi và Thái Hà), 3 trạm BOT chưa được thu phí và đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án bố trí vốn ngân sách Nhà nước hoàn trả cho nhà đầu tư (trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh, trạm BOT Bờ Đậu-quốc lộ 3, trạm thu phí T2-quốc lộ 91) và 3 trạm quốc lộ 51 nên việc triển khai ETC không hiệu quả do thời gian còn lại quá ngắn dưới 3 năm.
Tại văn bản mới nhất báo cáo về tiến độ thu phí ETC, Bộ GTVT cho hay, các tồn tại, khó khăn trong việc triển khai đã được Bộ này tháo gỡ, cùng với tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án công nghệ của Tập đoàn Viettel, đến hết 31/12/2020, các trạm thu phí đủ điều kiện triển khai thu phí ETC thuộc giai đoạn 2 (25 trạm BOT) sẽ được triển khai hoàn thành đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Với các trạm thu phí do địa phương là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện, có 15 địa phương với 35 trạm thu phí, hiện có 19/35 trạm đã triển khai lắp đặt thiết bị, vận hành và kết nối với dự án của Bộ GTVT;
11/35 trạm đang triển khai thực hiện việc lắp đặt thiết bị và đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ; 5/35 trạm thuộc các dự án BOT đang trong quá trình đầu tư xây dựng, sẽ triển khai ETC khi đưa dự án BOT vào vận hành khai thác.
“Như vậy, tổng thể đến 31/12/2020, cơ bản toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc đủ điều kiện triển khai sẽ được lắp đặt, vận hành hệ thống ETC đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngoại trừ 4 trạm do VEC quản lý, 8 trạm không đủ điều kiện triển khai” - lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.
Để phát huy hiệu quả đầu tư hệ thống ETC, tạo thuận lợi cho người sử dụng, dự án giai đoạn 1 đã hoàn thành việc kết nối liên thông tài khoản giao thông với tài khoản cá nhân tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hiện đang mở rộng dịch vụ sang các ngân hàng khác.
Đối với giai đoạn 2, hiện Viettel đang tổ chức thực hiện liên thông tài khoản ngân hàng thông qua việc sử dụng ví điện tử Viettelpay, dự kiến đưa dịch vụ vào khai thác trước 31/12/2020.
Về tiến độ dán thẻ E-tag trên phương tiện, Bộ GTVT cho hay, đến nay, số lượng phương tiện dán thẻ và tham gia dịch vụ chưa cao, chưa phát huy hết hiệu quả của hệ thống (mới có khoảng gần 1/3,8 triệu phương tiện, chiếm khoảng 25% phương tiện dán thẻ và tham gia dịch vụ).
Hải Dương (ANTĐ)
Nguồn : https://xehay.vn/thu-phi-tu-dong-khong-dung-lieu-kip-can-dich-truoc-31-12.html