Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi 34.000 tỷ đồng vừa thông xe đã hư hỏng
Ổ gà, bong tróc cao tốc lại đổ tại… thời tiết?
Tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi là cao tốc đầu tiên chạy dọc các tỉnh khu vực miền Trung. Và đây cũng là tuyến cao tốc tốn nhiều giấy mực của báo chí suốt thời gian qua, bởi cao tốc chỉ mới thông xe toàn tuyến vào đầu tháng 9 vừa qua nhưng đã xuất hiện hư hỏng, ổ gà, bong tróc... Tuyến cao tốc này do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Sự việc càng khiến dư luận băn khoăn khi trả lời về nguyên nhân dẫn đến hư hỏng trên tuyến cao tốc vừa thông xe, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho rằng: Do mưa nhiều cộng với lưu lượng xe tải trọng lớn cao. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp trực tuyến về tình hình an toàn giao thông với các tỉnh, thành đã nghiêm khắc yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) báo cáo, nêu rõ nguyên nhân và xử lý trách nhiệm.
Theo đó, báo cáo của VEC cho thấy, trong quá trình khai thác đoạn tuyến hợp phần JICA (Km0+000 - Km65+000, thông xe tháng 8-2017) đã xuất hiện tình trạng mặt đường hư hỏng cục bộ tại một số vị trí. Những hư hỏng này đã được các đơn vị quản lý khai thác kiểm tra thường xuyên và khắc phục xử lý sơ bộ, đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, trong tháng 9-2018, các hư hỏng cục bộ xuất hiện nhiều thêm.
Ngày 24-9-2018, các đơn vị quản lý khai thác đã kiểm tra, có biên bản hiện trường và báo cáo Ban QLDA đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tuy nhiên, việc chậm triển khai sửa chữa những hư hỏng này, cũng như cung cấp thông tin cho báo chí chưa đầy đủ, kịp thời đã tạo nên những luồng ý kiến không tốt trong dư luận xã hội, không những ảnh hưởng đến uy tín của ngành GTVT nói chung và VEC nói riêng, mà còn gây thiệt hại về kinh tế cho VEC.
Các ổ gà xuất hiện trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Hai lần Bộ trưởng GTVT ra “tối hậu thư” đối với VEC
Ngày 11-10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đã có Công điện phê bình Chủ tịch HĐTV và Tổng Giám đốc VEC, đồng thời yêu cầu tạm dừng thu phí từ 0h ngày 12-10 đến khi khắc phục xong hư hỏng và được Bộ GTVT nghiệm thu, đồng ý cho phép thu phí trở lại. Tại Công điện này, Bộ trưởng Bộ GTVT đã nhắc nhở chủ đầu tư dự án chậm trễ trong việc xử lý hư hỏng mặt đường, cung cấp thông tin, trả lời báo chí không kịp thời, né trách nhiệm; yêu cầu HĐTV chỉ đạo rà soát, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân.
VEC phải chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thực hiện trách nhiệm liên quan theo quy định của hợp đồng, khẩn trương thực hiện sửa chữa triệt để các hư hỏng. Trong quá trình sửa chữa, VEC phải tổ chức giao thông, phân làn, đảm bảo tuyệt đối cho các phương tiện lưu thông trên tuyến.
Tuy nhiên, dù trực tiếp Bộ trưởng Bộ GTVT đã có Công điện nhắc nhở yêu cầu việc sửa chữa phải đảm bảo an toàn giao thông cũng như sửa chữa triệt để, nhưng các nhà thầu thi công lại sửa chữa rất thủ công, nhếch nhác, phản cảm khiến dư luận bức xúc. Thậm chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ trực tiếp đi kiểm tra tình hình khắc phục và nhận định, diện tích hư hỏng trên toàn tuyến không lớn (76m2/3,1 triệu m2), chiếm tỷ lệ nhỏ, hoàn toàn trong tầm kiểm soát, nhưng không được xử lý kịp thời, vừa gây tác hại đến công trình, vừa phản cảm với dư luận.
Đáng nói, một số vị trí ổ gà, hư hỏng dù đã được nhà thầu thi công vá nhưng đã bị bong bật trở lại. Trong khi đó, đến nay nguyên nhân của sự cố hư hỏng tuyến cao tốc 34.000 tỷ đồng này vẫn chưa được tìm ra chính xác để có phương án sửa chữa triệt để. Thứ trưởng Bộ GTVT nhìn nhận, với đặc thù đường cao tốc phương tiện lưu thông với tốc độ cao, một hư hỏng nhỏ cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Trong khi những vị trí hư hỏng không được tổ chức cảnh báo, khoanh vùng, hạn chế phương tiện và tập trung vá sửa tạm, đảm bảo giao thông. “Có cả trách nhiệm bảo hành của nhà thầu cùng lực lượng quản lý, khai thác đường cao tốc. Hai đơn vị triển khai song song nhưng công tác xử lý lại quá kém, thiếu trách nhiệm, thậm chí vô cảm! Bộ trưởng chỉ đạo tạm dừng thu phí và sửa chữa khẩn trương các hư hỏng, nhưng đến nay chủ đầu tư, Ban QLDA chưa triển khai nghiêm, rốt ráo”- Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ GTVT một lần nữa lại có văn bản bản phê bình chủ đầu tư lần hai, đồng thời yêu cầu VEC khẩn trương sửa chữa hư hỏng mặt đường bê tông nhựa dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đảm bảo an toàn, kỹ thuật và chất lượng.
Văn bản do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ký nêu rõ, công tác sửa chữa, khắc phục hư hỏng mặt đường bê tông nhựa của nhà thầu thực hiện không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật (vá víu thủ công...) không tổ chức phân luồng giao thông và bố trí rào chắn, thiết bị cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông trong khi thi công sửa chữa; công nhân thi công không có thiết bị bảo hộ lao động; thiếu sự kiểm tra, giám sát kỹ thuật của các bên có liên quan,... như thông tin, hình ảnh đã được Cơ quan quản lý đường bộ (Cục Quản lý đường bộ III, Tổng cục Đường bộ Việt Nam), chính quyền các địa phương, một số cơ quan báo chí và người dân cung cấp, phản ánh.
“Một lần nữa, Bộ GTVT nghiêm khắc phê bình Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc VEC và các đơn vị nhà thầu, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế liên quan trong việc tổ chức thực hiện xử lý hư hỏng mặt đường bê tông nhựa dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đạt yêu cầu kỹ thuật theo quy định; không thực hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là vấn đề gây mất an toàn giao thông cho người lao động và phương tiện giao thông qua lại…, đã tạo nên hình ảnh phản cảm, gây bức xúc trong dư luận xã hội” - văn bản nêu rõ.
Bộ GTVT yêu cầu VEC khẩn trương chỉ đạo nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát thống kê đầy đủ để xử lý, sửa chữa, khắc phục căn cơ, triệt để các vị trí hư hỏng mặt đường bê tông nhựa trên toàn tuyến, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng và tuyệt đối an toàn giao thông, an toàn lao động. “VEC phải chấn chỉnh, thay thế ngay các nhà thầu sửa chữa, vá víu mặt đường tạm bợ, thủ công...
Đồng thời, yêu cầu nhà thầu huy động đầy đủ máy móc, thiết bị chuyên dụng; vật tư, vật liệu đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; tổ chức phân luồng giao thông, bố trí rào chắn, biển báo, nguời cảnh giới; đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động cho công nhân thi công và an toàn giao thông khi thi công sửa chữa” - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu.
Sau hai lần ra “tối hậu thư” của Bộ trưởng Bộ GTVT thì đến ngày 17-10 vừa qua, VEC cho biết, đã hoàn tất việc sửa chữa bước 1, để đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông. Còn về việc khắc phục triệt để phải chờ thời gian để tìm ra nguyên nhân chính xác từ phía cơ quan hữu quan.
Theo VEC, mặc dù tổng diện tích mặt đường bị bong tróc khoảng 70m2/3,1 triệu m2 tổng diện tích dự án, nhưng để đảm bảo sửa chữa triệt để mặt đường, các nhà thầu đã cào bóc sửa chữa 3.024,75 m2 VTO (dày 3cm) và 2.488,75m2 lớp bêtông nhựa hạt mịn (dày 5cm). Đánh giá về kết quả sửa chữa hư hỏng cao tốc Đà Nẵng, Quảng Ngãi, đại diện Cục Quản lý đường bộ 3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, qua kiểm tra trên đoạn tuyến JICA (Km 25 - Km 49, đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ), các vị trí hư hỏng đã được Ban QLDA đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chỉ đạo các nhà thầu thi công sửa chữa triệt để và hoàn thành vạch sơn kẻ mặt đường. Kích thước hình học và độ bằng phẳng mặt đường sau khi khắc phục cơ bản đạt yêu cầu bao gồm 16 vị trí, trong đó có vị trí độ sâu 8cm (3cm lớp bật tạo nhám VTO và 5cm bê tông nhựa chặt 12,5).
Chủ đầu tư cho biết, đã khắc phục xong hư hỏng bước 1 vào ngày 17-10-2018
Không phải sự cố lần đầu của VEC
Đây không phải dự án cao tốc đầu tiên của VEC gặp sự cố. Trước đó, tuyến cao cốc Nội Bài - Lào Cai cũng đã gặp phải việc lún, nứt chỉ sau khi thông xe toàn tuyến vài ngày. Theo đó, vết nứt có chiều dài 73m tại Km82+997 - Km83+070, thuộc gói thầu A4 trên dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai được thực hiện bởi Tư vấn thiết kế OC của Nhật Bản, nhà thầu Keangnam của Hàn Quốc thi công và Tư vấn giám sát là Getinsa của Tây Ban Nha. Dù tại thời điểm đó, đại diện VEC cho rằng, đây là điểm nằm trong đoạn tuyến có nền đất yếu đã được tiên lượng trước và đã lắp dựng biển theo dõi đất yếu nhưng dư luận vẫn đặt sự hoài nghi. Tuyến cao tốc này có chiều dài 245km với tổng mức đầu tư 1,464 tỷ USD.
Tiếp đó, dự án cao tốc TP.HCM- Long Thành - Dầu Giây cũng đã xuất hiện tình trạng lún, nứt và một số bất ổn được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước chỉ ra. Tuyến cao tốc này có tổng mức đầu tư hơn 20.600 tỷ đồng.
Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực miền Trung do VEC làm chủ đầu tư, quản lý khai thác. Dự án khởi công ngày 19-5-2013; đi qua địa phận các tỉnh/thành phố: Đà Nẵng (7,9km), tỉnh Quảng Nam (91,2km) và tỉnh Quảng Ngãi (40,1km). Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 139,204km, được chia thành 13 gói thầu xây lắp chính với tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 34.516 tỷ đồng.
Ngày 2-8-2017, đoạn tuyến hợp phần JICA tài trợ (Km0+000 - Km65+000) đã được thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác. Sau 1 năm vận hành, tuyến đã phục vụ 720.000 lượt phương tiện an toàn và thông suốt (chưa kể 23.500 lượt phương tiện miễn phí). Mức phí đoạn tuyến này thấp nhất là 1.200 đồng/km/xe tiêu chuẩn. Và đây cũng là đoạn tuyến xuất hiện hư hỏng, ổ gà dày đặc.
Liên danh Oriental Consultants Co.,Ltd. (Nhật Bản) - Katahira Engineers International (Nhật Bản) - SMEC International Pty, Ltd (Australia) là Tư vấn giám sát thi công đoạn tuyến hợp phần JICA tài trợ. Đây là những tư vấn quốc tế giàu kinh nghiệm trong quản lý chất lượng đường bộ cao tốc.
Làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan
“Sau hơn 1 năm đưa vào khai thác, đoạn từ Km 0+00 đến Km 65+00 của tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã xảy ra hiện tượng hư hỏng mặt đường. Chỉ sau khi báo chí phản ánh, chủ đầu tư và các nhà thầu mới sửa chữa tạm, gây bức xúc trong dư luận. Nghiêm khắc phê bình chủ đầu tư, đặc biệt là các nhà thầu đã không theo dõi, giám sát chặt chẽ, chậm khắc phục sự cố.
Đồng thời yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, các đơn vị tư vấn khẩn trương làm rõ nguyên nhân cả chủ quan, khách quan của các hư hỏng mặt đường bê tông nhựa, có giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và an toàn cho các phương tiện giao thông. Bộ Giao thông - Vận tải phối hợp với Bộ Xây dựng, VEC, các đơn vị tư vấn làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân (nhà thầu thi công, tư vấn giám sát…) liên quan đến các hư hỏng nêu trên, xử lý nghiêm theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ…”.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng
“VEC phải chấn chỉnh, thay thế ngay các nhà thầu sửa chữa, vá víu mặt đường tạm bợ, thủ công... Đồng thời, yêu cầu nhà thầu huy động đầy đủ máy móc, thiết bị chuyên dụng; vật tư, vật liệu đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; tổ chức phân luồng giao thông, bố trí rào chắn, biển báo, nguời cảnh giới; đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động cho công nhân thi công và an toàn giao thông khi thi công sửa chữa”.
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể
“Có cả trách nhiệm bảo hành của nhà thầu cùng lực lượng quản lý, khai thác đường cao tốc. Hai đơn vị triển khai song song nhưng công tác xử lý lại quá kém, thiếu trách nhiệm, thậm chí vô cảm! Bộ trưởng chỉ đạo tạm dừng thu phí và sửa chữa khẩn trương các hư hỏng, nhưng đến nay chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án chưa triển khai nghiêm, rốt ráo”.
Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ
“Theo Luật Xây dựng, chủ thể nào cũng phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình làm ra và phải đền bù thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Vì vậy, bất kỳ một sự cố hay hư hỏng công trình xảy ra, chúng ta cần tìm lỗi kỹ thuật của các hư hỏng đó đến từ đâu. Lỗi do nhà thầu làm sai thiết kế, không tuân thủ quy trình kỹ thuật thi công thì đương nhiên nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm chính và nhà thầu giám sát chịu trách nhiệm gián tiếp. Nếu lỗi kỹ thuật do thiết kế sai thì nhà thầu thiết kế phải chịu trách nhiệm đền bù. Nhưng luật cũng quy định chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng công trình”.
PGS.TS Trần Chủng (Nguyên Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng)
Hải Dương (ANTĐ)
Nguồn : http://xehay.vn/noi-buon-cao-toc-34-000-ty-dong-vua-lam-xong-da-chong-hu-hong-mat-duong.html