Mẫu xe Tank nổi tiếng của Nga là T-72 bất ngờ được nhiều người Việt Nam quan tâm khi quân đội chúng ta lần đầu tham dự giải thi đấu xe tăng quốc tế 'Tank Biathlon 2018'.
Việt Nam được ban tổ chức cấp 4 xe T-72B3 trong cuộc đua
Lần đầu tiên Việt Nam cử đội tham dự cuộc thi đấu xe tăng quốc tế 'Tank Biathlon” trong khuôn khổ Hội thao quân sự quốc tế thường niên - International Army Games 2018, tổ chức ở Nga từ 28/7 đến 11/8/2018. Những hình ảnh và thông tin về người lính Việt Nam và chiếc T-72B3 mới mẻ ngay lập tức nhận được sự quan tâm của công chúng quê nhà.
Mặc dù có những buổi thi đấu chưa thực sự tốt nhưng đa số người dân Việt Nam vẫn vui mừng vì chiến sỹ QĐND đã kịp làm quen với mẫu xe tăng hiện đại và có màn thể hiện tự tin trước 22 đội tuyển còn lại.
Chúng ta chỉ có rất ít thời gian làm quen và tập bắn với xe T-72B3
Ở giải đấu năm nay, hầu hết các đội thi (ba kíp xe tăng của mỗi quốc gia, cộng với một kíp dự bị) sẽ tiếp nhận xe tăng T-72B3, phiên bản mới nhất của T-72 được trang bị cho lực lượng vũ trang Nga. Trường hợp ngoại lệ là đội đua Trung Quốc, dùng xe tăng Type 96B.
Cho dù đã quá quen với xe tăng T-55, nhưng các chiến sỹ Việt Nam vẫn gặp khó khăn khi điều khiển T-72B3 vì chúng hoàn toàn khác nhau, dù cùng được sản xuất ở Nga.
Xe tăng T-72 được chế tạo từ năm 1971 dưới thời Liên Xô và chính thức được đưa vào sản xuất hàng loạt từ năm 1977, tính đến nay đã có tổng cộng gần 40 quốc gia từng sở hữu chiếc T-72 trong biên chế lực lượng thiết giáp của mình và trong số đó có khoảng 30 nước vẫn sử dụng T-72 như một xe tăng chủ lực.
T-72B3 là bản nâng cấp mới nhất của xe tăng T-72B, một phiên bản nâng cấp của T-72. Giới chuyên gia quân sự cho rằng T-72B3 có sức mạnh gần tương đương với dòng xe tăng T-90, mẫu xe mà Việt Nam đã đặt mua. Do đó, lần tham dự đua Tank Biathlon 2018 này không chỉ là cơ hội cọ sát quốc tế mà lính tăng Việt Nam còn tiếp cận được với cách điều khiển xe T-90 trong tương lai.
Hình dáng bên ngoài của chiếc xe tăng T-72 hay mới nhất là T-72B3 đã quá phổ biến với những người đam mê thiết bị quân sự. Nhưng việc chiêm ngưỡng 'nội thất' bên trong của nó gần như khá hạn chế bởi nó liên quan tới nhiều bí mật quân sự, trang bị nâng cấp của mỗi nước.
Một mẫu T-72B3 trong biên chế chiến đấu
Qua một số hình ảnh lượm lặt được ở các diễn đàn quân sự, bài viết này có được một góc nhìn cho thấy vì sao T-72B3 được coi là một chiếc xe tăng cơ động, 'nhanh nhẹn' phù hợp để làm xe đua trong Tank Biathlon 2018.
Kíp lái xe tăng T-72 bao gồm 3 người bao gồm lái xe, trưởng xe và xạ thủ và điều này được giữ nguyên khi nâng cấp lên T-72B3. Chúng ta cũng thấy rõ được nhóm 3 người này qua màn chào hỏi của đội Việt Nam trong ngày đua đầu tiên.
Ở bản nâng cấp T-72B3, vị trí của kíp lái không thay đổi. Việc bố trí vị trí của lái xe ngay chính giữa khiến việc chui ra chui vào của lái xe rất khổ sở, nhất là với những người cao to vì vướng tháp pháo phía trên.
Các bàn đạp côn, ga, phanh được bố trí giống với bàn đạp trên xe hơi
Cần số của xe tăng với hộp số bao gồm 7 số tiến, 1 số lùi. chữ H trên hộp số chính là số 0 hay còn gọi là số 'mo'
Ghế của lái xe bằng sắt và cùng lắm được nâng cấp thêm đệm vải vì không gian cũng chật hẹp. Ở hai bân ghế gồm hai cần trái-phải điều chỉnh tốc độ của hai bánh xích hai bên.
Ngoài ra trên xe có hệ thống điều khiển tự động cho lái xe với màn hình kỹ thuật số và camera phía sau, màn hình này hiển thị thông báo về bất cứ hư hại nào trên thân xe tăng.
Cả trưởng xe và xạ thủ đều di chuyển vào bên trong tháp pháo từ trên đỉnh với 2 cửa buồng riêng
Trong thiết kế của T-72 có áp dụng giải pháp đột phá của T-64 là hệ thống nạp đạn tự động (số4), giúp làm giảm số thành viên trong tổ lái từ 4 người của T-62 xuống còn 3 người, đồng thời giúp giảm kích thước tháp pháo (điều này giúp xe khó bị trúng đạn hơn cũng như làm giảm bớt khối lượng xe tăng). Vị trí số 1 là lái xe, số 2 là trưởng xe và số 3 là xạ thủ.
Buồng của trưởng xe khá chật chội và bị bủa vây bởi các thiết bị xung quanh như kính ngắm với tầm bao quát khoảng 80 độ, các khe quan sát, thiết bị điện tử, điện đàm...
Cũng giống như T-72, nội thất của bản nâng cấp T-72B3 nổi bật nhất vẫn là chiếc quạt 'con cóc' ở vị trí xạ thủ. Có lẽ đây là vị trí tiện nghi nhất trong xe và cũng...mát mẻ nhất
Sức mạnh của T-72B3 nằm ở động cơ V-92S2F 1130 mã lực, đây là loại động cơ được trang bị trên xe tăng T-90. Động cơ diesel tăng áp này được thiết kế để giảm thiểu việc ống xả động cơ đốt nóng thân xe tăng. Nhờ thay đổi đáng kể này,xe tăng T-72B3 có tốc độ và độ cơ động cao hơn nhiều so với T-72 đời đầu. Tại cuộc đua Tank Biathlon 2018, tốc độ của các đội trung bình đạt trên 60km/h, riêng đội Nga đạt kỷ lục 74km/h.
Nguồn : http://xedoisong.vn/nhip-song/ben-trong-loai-tang-t72b3-ma-linh-viet-nam-dang-dua-tai-o-nga-26457.html