Bỏ qua tất cả các nâng cấp về vấn đề bên ngoài làm cho Duke 390 được bàn tán khi ra mắt như cụm đèn, đồng hồ, giảm xóc, giàn vỏ, tay ga điện…bài viết này sẽ chỉ tập trung sâu vào các vấn đề liên quan tới kỹ thuật và khối động cơ 1 xy-lanh 390cc của Duke 390 2017, liệu có phải mọi thứ vẫn như cũ và chỉ thêm thắt mấy chi tiết “vớ vẩn”? Câu trả lời sẽ có ngay đây thôi!
Sơ bộ về thông số được hãng công bố
Nhìn bằng mắt khối động cơ của 2 phiên bản 2015 và 2017 có sự tương đồng rất lớn: vẫn là DOHC và vẫn là 390 nên mọi người sẽ tặc lưỡi cho rằng chẳng có gì khác biệt cả và điều đó sai hoàn toàn. Đầu tiên là tỉ số nén của phiên bản 2017 đã bị giảm từ 12.8/1 ở phiên bản cũ thành 12.6/1 ở phiên bản mới, đường kính piston và khoảng chạy của piston vẫn giống nhau, nhà sản xuất vẫn đưa ra thông số giống nhau về mã lực và lực kéo cho bản 2017 và 2015 là 43.5 mã lực và 53.4Nm và cùng đạt ở vòng tua giống nhau, dung tích buồng đốt vẫn đều là 373cc, tới đây nghe đã thấy có gì sai sai.
Tìm hiểu sâu hơn về sự không đúng
Đường kính piston và khoảng chạy không thay đổi, tỉ số nén lại thay đổi từ 12.8 xuống 12.6 ắt hẳn sự khác biệt nằm ở “đâu đó” đi dần theo dữ kiện này và tôi phát hiện ra 1 bí mật động trời được nhà sản xuất giấu kỹ, trong khoảnh khắc đó tôi không còn tin nổi vào mắt mình nữa rằng đây vẫn là KTM.
Khi tìm hiểu bằng spare parts manual của hãng KTM thì tôi đã thấy rất nhiều sự khác biệt giữa động cơ của phiên bản mới và cũ, từ những chi tiết lớn như “đầu bò”, trục cam, biên, tạ cân bằng, cuộn điện, kim phun…và có thể khẳng định rằng Duke 390 2017 chẳng có nhiều điểm giống với phiên bản cũ từ trong ra ngoài và những thay đổi đó sẽ dẫn tới điều gì? tốt hơn hay kém hơn?
Dyno run
Mọi sự thay đổi sẽ vô nghĩa hoặc không đáng có nếu không cải thiện về mặt thông số và đặc biệt hơn là không phù hợp, giống như chạy trong trường đua thì người ta không đề cao độ bền hàng vạn dặm vậy, và công việc tiếp theo là cho 2 chiếc Duke 390 mới và cũ lên bàn cân.
Kết quả khá bất ngờ, phân tích biểu đồ 1 thì thấy rằng mã lực tại bánh của Duke 390 2015 cao hơn bản 2017 là 1,6 mã lực nhưng ở phiên bản 2017 thì mã lực cực đại tại các số đạt được sớm hơn ở số 1,2 và 3 (đỉnh của biều đồ 2015 đứng trước) và có vẻ dải mã lực trải rộng hơn ở 3 số đầu (đỉnh của biểu đồ rộng hơn) so với bản cũ.
Cùng mổ sẻ thêm ở biểu đồ 2 là sự so sánh lực kéo (torque). Cũng không ngoài dự đoán, torque của bản cũ cao hơn bản mới 2,4Nm và lại một lần nữa đạt lực kéo cực đại của Duke 2016 tại 3 số đầu sớm hơn cá biệt là số 2 (đỉnh thứ 2) thì max torque chênh nhau tới hơn 1 giây.
Tiếp tục soi thêm 1 biểu đồ nữa để xem thực hư ra sao, đó là số 3 biểu đồ gia tốc có đơn vị là m/s2. Tới đây thì có lẽ sự khác biệt ra sao giữa 2 phiên bản đã khá rõ, gia tốc của chiếc 2017 tốt hơn khá nhiều so với 2015 ở đặc biệt 2 số đầu tiên với phần đỉnh biểu đồ nhô hơn hẳn, ngang ngửa ở số 3 và bắt đầu thua ở 4,5 và 6.
Kết luận
Duke 390 cũ mạnh hơn 390 mới, 390 mới ăn ở ga đầu và sẽ sẽ tăng tốc mượt mà hơn, 390 cũ chạy hậu sẽ tốt hơn 390 mới, để củng cố thêm cho lập luận này mình đã xử dụng thêm biểu đồ số 4 và 5.
Ở biểu số 4 các bạn để ý tới sự lên xuống của đường xanh đậm và đỏ đậm, lúc đầu thì đường xanh ở trên rồi sau đó đi xuống, đường xanh khá phẳng không lên xuống quá nhiều còn đường đỏ thì khác dốc ở khoảng số 3 và rồi sau đó thì lên trên đường xanh.
Thêm 1 biểu đồ số 5 nữa với trục Ox là RPM thay vì time như các biểu khác và điều tương tự cũng diễn ra, ở vòng tua 6600 thì 390 cũ mới qua mặt được 390 mới. Nếu chạy và đua trong phố thì Duke 390 cũ sẽ thua nhưng nếu lên Mộc Châu chạy (2 nài như 1) thì Duke 390 mới sẽ không thể 'ăn lại' được Duke 390 cũ.
PV (Tuoitrethudo)
Nguồn: Long Thành Lê
Nguồn : https://xehay.vn/review-ktm-duke-390-2017-binh-moi-ruou-cung-khac.html