Hai chiếc xe mà tôi nhắc đến là Audi A4 đời 2017 và Mercedes-Benz C250 Exclusive đời 2017. Cả hai chiếc xe đều được sản xuất cuối năm 2016, một đời chủ, đã lăn bánh hơn 20.000 km và đều được bảo dưỡng cẩn thận.
Chúng tôi tổ chức buổi so sánh này nhằm tìm hiểu xem liệu những chiếc xe sang “lướt” có giữ được phong độ khi hoạt động một thời gian tại Việt Nam hay không, và những chiếc xe hạng sang này có đáng mua lại hay không. Đơn giản là với khoảng 1,4 tỷ đồng, khách hàng hoàn toàn có thể thoải mái chọn những mẫu xe hạng D mới 100% của các thương hiệu bình dân hơn.
Có lẽ nhiều độc giả sẽ thắc mắc vì sao tôi lại so sánh A4 với C250 Exclusive mà không phải là C200 - phiên bản có công suất gần tương đương với A4. Nguyên nhân là trên thị trường xe đã qua sử dụng hiện nay, Audi A4 với động cơ 2.0 tăng áp có giá bán xấp xỉ C250 Exclusive, khoảng trên dưới 1,45 tỷ đồng cho xe sản xuất năm 2016. Như vậy, nếu chỉ xét riêng phân khúc xe đã qua sử dụng, Audi A4 và Mercedes C250 Exclusive hoàn toàn “chung mâm”. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem liệu có nên chọn một chiếc xe nhập khẩu nguyên chiếc như Audi A4 hay Mercedes C-Class vẫn là lựa chọn hàng đầu trong phân khúc sedan hạng sang cỡ nhỏ.
Thiết kế ngoại thất
Sự khác biệt rõ ràng về triết lý thiết kế của Audi A4 và Mercedes C250 đến ngay từ cái nhìn đầu tiên. Trong khi đại diện nhà Mercedes sở hữu những đường nét uyển chuyển tương tự như dòng S-Class cao cấp thì Audi A4 mang trên mình phong cách thể thao và trẻ trung, phóng khoáng hơn.
Dấu ấn thương hiệu là điều cả hai chiếc xe thể hiện rất tốt. Audi A4 2017 sở hữu bộ mặt đầy tự tin với hai cụm đèn full LED sắc bén và mặt ca-lăng hình lục giác kiểu Singleframe và rất nhiều nan mạ crôm chạy ngang. Nắp capô tương đối dốc và được trang trí bởi 4 đường gân sắc bén. Nhìn vào A4 thế hệ mới, bạn sẽ nhận thấy ngay chất trẻ trung của mẫu sedan này.
Ngược lại, Mercedes C250 lại mang bộ mặt nghiêm nghị, bệ vệ hơn với mặt ca-lăng hình chiếc khiên có các nan đóng mở tự động, hai cụm đèn pha full LED và logo ngôi sao ba cánh thẳng đứng trên nắp capô. Nếu như gương mặt của A4 được tạo nên bởi những đường thẳng dứt khoát thì “mặt tiền” của C250 được chạm khắc bởi những đường nét vô cùng uyển chuyển – đặc trưng của ngôn ngữ thiết kế “Sự thuần khiết gợi cảm”.
Cả hai chiếc xe đều toát lên được vẻ sang trọng đúng chất xe Đức nhưng nếu xét riêng phần đầu, tôi thích ngôn ngữ thiết kế của Audi A4 hơn. Phân khúc xe sedan hạng sang cỡ nhỏ thường nhắm đến đối tượng khách hàng trẻ trung, năng động nên ngoại hình thiên nhiều hơn về tính thể thao có lẽ sẽ hấp dẫn hơn.
Đèn LED định vị ban ngày LED của Audi A4 sáng hơn nhiều so với Mercedes C250
Nhìn từ bên thân xe, Mercedes C250 vẫn toát lên vẻ sang trọng không thể nhầm lẫn với la-zăng 17 inch có thiết kế hình quạt – thứ mà chỉ nhìn qua thôi ta cũng thấy rõ hai chữ “sang trọng” hiển hiện trước mắt.
Tỷ lệ thân xe đặc trưng của một chiếc xe dẫn động cầu sau được phô diễn hoàn hảo với khoảng cách từ chân kính lái đến trục bánh xe trước rất dài và nóc xe thuôn dài về phía sau. Trụ C của C250 rất dày và tạo ra một đường uốn lượn tuyệt đẹp kéo xuống đuôi xe, đi kèm cửa sổ phụ lớn hơn Audi A4.
A4 2017 cũng thể hiện xuất sắc triết lý thiết kế xe của Audi: đơn giản, không rườm rà nhưng mọi thiết kế của Audi đều “trường tồn” với thời gian. Nếu để ý một chút thì ta sẽ nhận thấy Audi vẫn luôn thiết kế phần thân xe tương đối phẳng với khá ít mảng lồi lõm, trong khi Mercedes đã nhiều lần thay đổi hẳn ngôn ngữ thiết kế, từ phẳng sang cong, cong rồi lại phẳng.
Trên mọi chiếc sedan Audi đều xuất hiện một chi tiết đặc trưng: đường gân chạy dọc thân xe “Tornado line”. Đường gân này trên Audi A4 gần như song song với mặt đường, tạo ấn tượng về mặt thị giác rằng xe dài hơn.
Trên thực tế thì Audi A4 cũng là mẫu xe dài nhất phân khúc với chiều dài tổng thể 4.726 mm, hơn 21 mm so với thế hệ cũ, hơn BMW 3 Series 102 mm (!) và hơn Mercedes C-Class 40 mm. Độ dốc của phần kính lái và kính chắn gió sau gần như tương đồng, tạo nên sự cân xứng đậm chất hình học cho Audi A4. Điểm nhấn cuối cùng ở bên thân xe là bộ la-zăng 17 inch có thiết kế 5 chấu kép rất thể thao.
Xét đến phần đuôi xe, Audi A4 tiếp tục gây ấn tượng với những đường gờ, đường phẳng đối xứng rất đẹp mắt. Cánh gió sau lớn hơn, nổi bật hơn so với Mercedes C250, cụm đèn hậu có thiết kế sắc bén tương tự đèn pha phía trước và dải đèn báo rẽ có hiệu ứng chạy từ trong ra ngoài rất ấn tượng. Cặp ống xả kép với thiết kế tròn cũng khẳng định cá tính trẻ trung và thể thao của Audi A4.
Hơi tiếc là cốp chứa đồ của chiếc A4 này không có đóng điện tử, trong khi cốp Mercedes C250 có thể đóng bằng chìa khóa hoặc nút bấm bên cửa xe (Audi A4 vẫn có mở cốp bằng nút bấm trên chìa khóa, nhưng phải đóng bằng tay).
Phần đuôi C250 rất đẹp, nhưng việc cả S-Class, E-Class và C-Class đều sở hữu thiết kế na ná nhau đã khiến tôi hơi nhàm chán. Có lẽ thiết kế phần đuôi của A4 và C250 Exclusive cũng tóm gọn cảm nhận của tôi về hai chiếc xe. Audi A4 có thiết kế tươi mới, trẻ trung và năng động – nhưng không đánh mất những đặc trưng mà Audi tạo dựng nhiều năm nay. Mercedes-Benz C250 Exclusive cũng phản ánh tốt những giá trị truyền thống của Mercedes-Benz nhưng theo tôi, nó có vẻ bề ngoài hơi đứng tuổi.
Cũng vì lẽ đó mà mỗi thương hiệu đều thu hút một nhóm khách hàng riêng nhưng tại Việt Nam, khách quan mà nói thì ngôn ngữ thiết kế của Mercedes-Benz được ưa chuộng hơn. Dù vậy, ngoại thất là phần dành cho “người ta”, còn khoang nội thất mới là nơi chủ xe cũng như hành khách tiếp xúc nhiều nhất trong mỗi chuyến đi.
(còn tiếp)
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)
Nguồn : https://xehay.vn/danh-gia-xe-audi-a4-doi-dau-mercedes-benz-c250-exclusive-phan-1-ngoai-that.html