Luôn giữ tốc độ ổn định
Ga xe đều tay là một trong những cách hiệu quả nhất để tiết kiệm nhiên liệu. Khi đi trong thành phố, bạn nên nhớ di chuyển với tốc độ vừa phải (khoảng dưới 40 km/h) và chú ý giữ khoảng cách với xe phía trước để đề phòng những bất trắc có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Còn trên đường cao tốc, bạn có thể đi nhanh hơn nhưng không được phóng quá nhanh bởi điều này sẽ gây hại nghiêm trọng cho động cơ. 60 km/h là tốc độ hợp lý nhất dành cho bạn.
Tránh thốc ga
Có nhiều trường hợp sau khi dừng đèn đỏ, người điều khiển xe máy thường có thói quen vặn kịch tay ga để xe tăng tốc và vọt qua đường nhanh nhất. Nhưng thực tế, việc này không gây nguy hiểm cho chính bản thân bạn khi tham gia giao thông mà còn những tiêu tốn cực kỳ nhiều nhiên liệu.
Cách tốt nhất là nên tăng ga từ từ theo tốc độ của xe (nếu là xe ga) và kết hợp thêm lên số (nếu là xe số). Lúc này, việc tăng tốc sẽ vừa mượt mà lại an toàn và tiết kiệm xăng nhất có thể.
Đi đúng số (với xe số)
Việc điều khiển xe máy đi đúng số khi di chuyển trên đường là rất quan trọng. Nếu đi với số cao hơn so với tốc độ chung của xe, động cơ sẽ bị đuối đồng thời không đạt được sức kéo tốt nhất. Ngược lại, với số thấp hơn so với tốc độ thì động cơ bị gằn và tiêu tốn cực nhiều nhiên liệu.
Nhớ tắt máy khi dừng, đỗ xe
Trong trường hợp cần phải dừng, đỗ xe, việc vẫn để máy nổ sẽ tốn nhiên liệu y như khi xe đang di chuyển vậy. Quá lãng phí! Do đó, vào những thời điểm cần dừng đèn đỏ quá 30 giây, hãy nhớ tắt máy ngay nhé!
Giảm tốc từ xa
Bạn hãy tập cho mình thói quen quan sát cẩn thận và giảm ga từ trước ở những tình huống cần phải giảm tốc như dừng đèn đỏ, tắc đường.. Khi đến gần vị trí cần dừng xe, hãy kết hợp cả phanh tay và phanh chân để đạt được hiệu quả tối đa hoạt động của phanh và đảm bảo an toàn một cách tốt nhất. Và bạn biết không? Nó cũng có tác dụng rất lớn trong việc tiết kiệm lượng xăng tiêu thụ cho chiếc xe của bạn đấy.
Giảm tải trọng
Việc chất nhiều đồ đạc với trọng lượng lớn sẽ khiến cho động cơ phải hoạt động cực kỳ vất vả và tiêu hao thêm nhiều lượng nhiên liệu hơn mức cần thiết. Nếu không vì mục đích vận chuyển hàng hóa, lời khuyên cho bạn là cất bớt những vật dụng và hành lý không thực sự cần thiết để giảm tải cho xe.
Tránh đi vào ổ gà
Đừng dại gì mà đâm vào ổ gà! Lời khuyên thật lòng cho bạn đấy. Nguyên nhân là do việc tránh ổ gà hay các đoạn đường gồ ghề sẽ giúp chiếc xe máy không bị mất đi động lực quán tính đang có và tiết kiệm nhiên liệu hơn. Thêm vào đó, nó còn giúp giữ được độ bền của xe.
Với điều kiện giao thông còn hạn chế như ở Việt Nam, đôi khi chính vì tránh ổ gà có thể sẽ khiến bạn di chuyển khó khăn và như đang đánh võng trên đường vậy. Từ đó, nếu như không thể tránh được thì hãy nhanh chóng áp dụng phương án từ từ giảm tốc độ, rồi sử dụng phanh để chiếc xe có thể nhẹ nhàng lăn bánh một cách an toàn nhất qua đoạn đường xấu.
Kiểm tra áp suất lốp
Việc vẫn thản nhiên chạy xe với đôi lốp non choẹt sẽ khiến chiếc xe của bạn “ngốn” một lượng xăng đáng kể. Hơn nữa, lốp xe không đủ hơi sẽ cực kỳ nguy hiểm khi tham gia giao thông, nhất là đi vào các đoạn đường trơn trượt. Vì vậy, hãy thường xuyên kiểm tra lốp và bơm đều để chiếc xe có thể hoạt động ổn định, an toàn và tránh tác động gây mòn lốp.
Thay dầu định kỳ
Tùy thuộc vào chất lượng dầu nhướt, cứ mỗi 1000 km hay 1500 km, bạn cần thay dầu cho xe để đảm bảo động cơ hoạt động ở điều kiện tốt nhất, đồng thời tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ động cơ.
Thường xuyên bảo dưỡng
Khi sử dụng xe máy, bảo dưỡng xe là việc không thể thiếu được. Bạn nên tiến hành bảo dưỡng cho toàn bộ xe khoảng 2 lần/năm hoặc nhiều hơn nếu gặp trục trặc lớn về kỹ thuật. Việc kiểm tra định kỳ sẽ giúp bạn phát hiện ngay lập tức những lỗi nhỏ và khắc phục sớm trước khi xuất hiện thêm các lỗi lớn hơn. Với một chiếc xe được chăm sóc cẩn thận, nó sẽ chạy ổn định và bền bỉ hơn, đặc biệt là tiết kiệm xăng hơn rất nhiều.
Khi mua một chiếc xe máy mới, không hiếm người quan tâm đến vấn đề: “Liệu chiếc xe mình lựa chọn có tiêu tốn quá nhiều nhiên liệu hay không?” Xin thưa với bạn là: Mua xe máy loại tiết kiệm xăng không thôi là chưa đủ, mà chính bản thân bạn cũng phải góp phần vào việc hiện thực hóa điều đó. Hi vọng 10 mẹo trên sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong việc sử dụng và bảo quản xe máy.