Galax, nhà sản xuất nổi tiếng với những chiếc card đồ hoạ đẹp mắt thuộc dòng Hall of Fame nay đang muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của mình…
Hiếm có thương hiệu phần cứng máy tính nào lại xây dựng hình ảnh của mình hoàn toàn gắn liền với game thủ như Galax khi suốt quãng thời gian phát triển, các mẫu card đồ hoạ của họ vẫn giữ phong cách thiết kế bao bì kiểu “old school” – tức vẫn sử dụng hình ảnh các nhân vật cool ngầu làm chủ đạo, phong cách vẫn thường thấy ở những năm đầu thập niên 2000, kèm với đó là các hậu tố đọc rất đã tai (EX, Elite, Hall of Fame …vv…) trong cách đặt tên của từng sản phẩm. Và không giống những thương hiệu khác, Galax dành phần lớn thời gian, tiềm lực của mình vào sản xuất chiếc card đồ hoạ mà bỏ qua hoàn toàn mảng bo mạch chủ.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, sắp tới Galax sẽ lấn sân sang mảng bo mạch chủ để đem đến cho khách hàng giải pháp đồng bộ khi xây dựng máy tính (như một quy luật tất yếu), mà mở đầu là chiếc B460M EX với định hướng phục vụ các game thủ tầm trung.
HANOICOMPUTER là một trong những đơn vị được Galax cung cấp chiếc B460M EX ngay khi chiếc bo mạch chủ này về hàng tại Việt Nam, nên trong nội dung bài viết, chúng tôi sẽ đem đến cho bạn đọc chi tiết những điều cần lưu tâm trước khi mua sản phẩm này.
Các thông số cơ bản
Socket: LGA1200
CPU: Intel® thế hệ 10
RAM: 4 x DIMM DDR4 2133/2400/2666/2933 tối đa 64GB
Khe cắm: 2×PCI-E 3.0 ×16 / 1 x PCIe 3.0 x1
Lữu trữ: 6× SATA 6Gb/s 2×M.2 PCIe Gen3 ×4 32Gbps
Audio: Realtek® ALC 892 Codec
LAN: 1Gbps
Kích cỡ: M-ATX
Cổng I/O mặt sau
2 x PS/2
6 x USB 3.2 Gen 1
1 x RJ45
1 x HDMI
1x DP
6 x Audio Jack
Các kết nối khác
1 x Cổng đấu âm thanh ra phía trước
3 x Chân cắm Fan
1 x Chân cắm cổng COM
1 x USB 2.0
1 x USB 3.2
6 x SATA 3.0
1 x 5V ARGB
1 x 12V RGB
Hình ảnh hộp và phụ kiện đi kèm
Đầu tiên về tên gọi, Galax không cố tạo ra tiêu chuẩn gì mới và vẫn sử dụng những quy tắc thông thường để đặt tên cho những sản phẩm của mình, chúng ta có B460M-EX, trong đó B460 là tên gọi chipset theo quy định của Intel, M biểu thị cho kích cỡ rút gọn M-ATX và cuối cùng EX ám chỉ series sản phẩm dành riêng cho các game thủ tầm trung, cận cao cấp của Galax. Rất dễ dàng cho người dùng nếu có ý định kết hợp đúng những sản phẩm cùng dòng, cùng phân cấp.
Sử dụng tông màu đen pha xám kim loại làm chủ đạo, vỏ hộp của B460M EX đi theo phong cách đặc trưng của những chiếc card đồ hoạ Galax khi lấy một nhân vật bí ẩn cùng slogan “What’s your game?” đầy ẩn ý nằm ở chính giữa, không bị lạm dụng quá nhiều chữ và các loại logo phô diễn những công nghệ độc đáo như những nhà sản xuất khác.
Mặt sau hộp có thêm nhiều thông tin rõ ràng hơn như giao diện UEFI tiện lợi, cổng USB 3.2 Gen 1, công nghệ bảo vệ ESD chống shock + đoản mạch, chất lượng linh kiện thuộc dạng tốt nhất nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng CPU đời mới kèm những specs quan trọng khác của B460M EX.
Phụ kiện kèm theo rất ít: chỉ đơn giản là tờ giấy hướng dẫn sử dụng, chặn main và cuối cùng là 2 sợi cable sata không được bắt mắt cho lắm.
Hình ảnh tổng quan về B460M-EX
Chiếc B460M EX có tông màu chủ đạo đen đi kèm với hoa tiết trắng nổi bật, thoạt nhìn qua sẽ khiến người dùng liên tưởng đến dòng main PRIME của ASUS hay Ultra Durable của Gigabyte, thế nhưng nếu để ý chúng ta sẽ thấy màu trắng của B460M EX có phần “gắt” hơn những người đồng nghiệp bên phía đối thủ, tạo được ấn tượng mạnh ngay từ cái nhìn đầu tiên. Điều này cũng không quá lạ lẫm bởi Galax từ xưa đến nay vẫn nổi tiếng nhờ sự mát tay trong việc tạo ra các VGA có màu trắng nổi bật (như series Hall of Fame và một số phiên bản đặc biệt của dòng EX). Mặc dù ở mức giá tầm trung, nhưng Galax đã trang bị cho B460M EX toàn bộ tụ rắn, giúp tăng cường tính thẩm mỹ và độ ổn định khi hoạt động.
Theo thông tin từ đội ngũ phát triển sản phẩm Galax, series Core i thế hệ thứ 10 của Intel có sự nâng cấp về số nhân, số luồng đáng kể so với thế hệ tiền nhiệm, nên hãng này đã đặc biệt chú trọng vào việc cải thiện thiết kế VRM để đảm bảo cung cấp điện năng cho CPU, hướng đến đảm bảo hiệu năng ổn định cho những hệ thống sử dụng các CPU từ i7 non-K trở xuống.
Thường thông lệ khi tạo ra một chiếc bo mạch chủ giá rẻ, tầm trung, các nhà sản xuất sẽ phải cắt giảm đi một vài tính năng “thừa thãi” như giảm số lượng phase nguồn, dùng linh kiện chi phí thấp, sử dụng chipset lược giảm …vv… nhưng trên B460 EX cá nhân người viết lại không thấy có sự “xuống tay” nào đáng kể, trái lại còn có khá nhiều thứ hay ho trong tấm board kích cỡ M-ATX này.
Chi tiết về linh kiện trên B460M-EX
Đặt tầng lớp game thủ tầm trung làm ưu tiên khi thiết kế ra B460M-EX, Galax tập trung vào khả năng gánh vác tốt các CPU Gaming phổ thông nhất: từ i3-10100 đến i5-10500 hay thậm chí là các phiên bản i7 “dễ tính” nhất như 10700 và 10700F. Chính vì vậy, thứ đầu tiên chúng ta sẽ đi vào chi tiết chính là khu vực phase nguồn.
Trong hầu hết các trường hợp, khu vực phase cấp nguồn cho CPU theo thông lệ được ưu tiên đặt về phía gần các cổng giao tiếp sau thùng máy theo truyền thống của Intel, chỉ có những phase cấp nguồn dành cho iGPU mới được đặt ở phía trên hướng nóc của bo mạch chủ. Cách thiết kế của phase nguồn của B460M-EX cũng không phải ngoại lệ.
Trang bị Bộ điều khiển PWM mang mã hiệu RT3609BE từ Richtek khá máu mặt (tương tự như trên các mẫu MSI MAG Z490 Tomahawk, MSI Z490-A Pro) có khả năng cân tốt cấu hình 7 phase nguồn xịn (6+1) hoặc 13+1 phase “ảo”, người dùng hoàn toàn có thể yên tâm khi lắp đặt các CPU i7 non-K lên chiếc bo mạch chủ này.
Có một linh kiện theo người viết thấy tuy nhỏ rất đáng để coi trọng đó là con choke (cuộn cảm) lọc nguồn vào (cạnh chân nguồn CPU 8pin) bởi thị trường máy tính tại Việt Nam khi một số khu vực điện áp vẫn trồi sụt không ổn định, cộng với đó là tâm lý thích tận dụng lại những linh kiện cũ, đặc biệt là những chiếc nguồn đã quá cao tuổi khiến độ ổn định của hệ thống đứng trên bờ vực thẳm. Galax đã quan tâm đến sự an toàn của người dùng trong khi một vài hãng đã cắt bỏ linh kiện này trên những sản phẩm giá rẻ.
Khu vực RAM cũng vẫn tồn tại 2 choke lọc nguồn để tăng tính ổn định đề phòng trường hợp người dùng muốn tận dụng tối đa khả năng của hệ thống, điểm đặc biệt nữa mà Galax trang bị cho 4 khe RAM này chính là bọc thép toàn bộ, thường thường cách hoàn thiện này chỉ thấy ở trên những sản phẩm cao cấp, nhưng có lẽ đây là cách mà Galax bù đắp cho một số công nghệ “làm đẹp” vẫn còn thua kém so với đối thủ (chi tiết sẽ được đề cập đến ở phần sau). Điểm trừ duy nhất có lẽ là những khe này vẫn áp dụng phương pháp đóng – mở bằng 2 lẫy truyền thống và có các bố trí khá gần với khe PCI-E, cách làm này có thể khiến người dùng gặp khó khăn trong quá trình tháo RAM ra để vệ sinh vì lẫy sẽ bị cấn vào PCB của VGA (trong trường hợp sử dụng những VGA có PCB lớn như RTX 3080).
Phía dưới 1 chút chính là bị trí của chipset, các chân SATA và các chân jumper, Galax đã khá khôn khéo khi bố trí 2 chân gập 90 độ và 4 chân đặt ở vị trí cao hơn hẳn so với chipset, chi tiết này giúp việc đi dây ổ cứng trở nên dễ dàng, đẹp mắt hơn rất nhiều so với cách đặt truyền thống, thực tế với việc trang bị đến 2 cổng M2 tốc độ cao, các gamer cũng sẽ không lắp đặt quá 2 ổ cứng HDD hay SSD SATA thông thường để làm gì. Phần tản nhiệt chipset được trang trí bằng những hoạ tiết mạ chrome nhìn khá bắt mắt, độ dày cũng hợp lý không sợ cấn, cản khi lắp các VGA cỡ lớn, đắt tiền.
Tiến tới khu vực khe PCI-E, Galax tiến hành bọc thép với chỉ 1 khe chính có thể chạy được với tốc độ của PCIE 3.0 x16, thanh còn lại chạy tốc độ x1 thì không, đây là cách tiếp cận thường thấy ở những bo mạch chủ trong phân khúc này. Tiếp đến là 2 khe ổ cứng M.2 PCI-E 3.0 có thể tương thích ngược với chuẩn SATA, thuận tiện cho người dùng nếu muốn sử dụng giải pháp ổ cứng đời mới, thay thế hoàn toàn cho những chuẩn cũ hơn để đỡ phải đi dây và tốn thêm diện tích trong case.
Về giải pháp audio, Galax lựa chọn bộ giải mã âm thanh Realtek® ALC 892 Codec không cao cấp nhưng cũng chẳng quá thấp, người dùng có thể tận dụng để xuất ra âm thanh chuẩn HD 7.1 nếu cần thiết tuy nhiên với kinh nghiệm là một người đã sử dụng card âm thanh onboard từ nhiều năm nay thì cá nhân người viết không đánh giá cao chất lượng của bộ giải mã đã 10 năm tuổi này. Thời điểm hiện tại ALC 892 có thể khiến thông số của một chiếc bo mạch chủ trở nên “lung linh” hơn, lại cộng với lợi thế về giá thành, nên nhiều NSX đã chọn nó để đưa vào các bo mạch chủ giá rẻ của mình, thế nhưng để cạnh tranh mạnh mẽ và khiến người dùng cảm thấy hài lòng thì họ nên tính đến việc nâng cấp linh kiện này lên một tiêu chuẩn xứng tầm.
Cuối cùng là khu vực cổng I/O, một điều khá ký lạ là dù ra mắt vào năm 2020 nhưng trên B460-EX vẫn còn tồn tại đến 2 cổng P/S2 dành cho bàn phím và chuột riêng biệt (chứ không phải kết hợp thành 1), đối với dân chơi phím cơ cổng P/S2 mang một ý nghĩa đặc biệt lớn khi nó là cổng duy nhất mà theo họ có thể kích hoạt chức năng NKRO “đích thực”, giúp nhận tín hiệu gõ cực nhanh cũng như khả năng nhân diện toàn bộ các phím được bấm cùng lúc một cách chính xác, việc để lại 1 cổng P/S2 là hợp lý tuy nhiên sự tồn tại của cổng dành riêng cho Mouse lại là một dấu hỏi lớn khi hiện tại sẽ khó còn nhà sản xuất phần cứng nào tạo ra một mẫu chuột gaming mới còn hỗ trợ giao tiếp có phần “cổ lỗ sĩ” này. Điểm gỡ gạc lại cho B460-EX là các cổng xuất hình full digital gồm DP và HDMI, cũng như 6 cổng USB 3.2 ở mặt sau.
Tổng kết và nhận xét
Những điểm tạm thích ở Galax B460-EX:
Thiết kế bảng mạch gọn gàng, sạch đẹp.
Đầy đủ các biện pháp bảo vệ phần cứng.
Khe RAM bọc thép đẹp mắt.
PWM Controller ổn trong tầm giá.
Có 2 cổng M.2
Có cổng LED ARGB 5V
Nhưng điểm chưa thích:
Mosfet, pwm, ic điều khiển sử dụng cách sắp xếp truyền thống (dễ gia công, linh kiện rẻ hơn, có lẽ để tiết kiệm chi phí).
Khe RAM dùng chế độ khoá 2 lẫy truyền thống.
Không công bố thông số card LAN (?)
Chưa trang bị phần mềm đồng bộ LED như các hãng khác.
Giáp che I/O ảo, vẫn phải dùng chặn như những mainboard giá rẻ.
Cổng P/S2 dành cho mouse thừa thãi.
Sau một thời gian dài chinh chiến ở mảng card đồ hoạ, cuối cùng Galax cũng đã bước chân vào sản xuất bo mạch chủ, chính thức bước lên ngang hàng với những tên tuổi lớn như MSI, Gigabyte, ASUS …vv… và B460-EX chính là nỗ lực đầu tiên của hãng này nhằm chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Với giá bán lẻ dự kiến 2.590.000 VNĐ cho một chiếc main B460 cỡ ATX, không phải quá đắt, nhưng thực tế con số này sẽ đặt B460-EX vào vị trí phải cạnh tranh rất gắt gao với những đối thủ sừng sỏ khác như ASROCK B460M PRO4, MSI MAG B460M BAZOOKA, hay ASUS TUF GAMING B460M-PLUS …vv… vốn đến từ những thương hiệu có bề dày kinh nghiệm làm bo mạch chủ, cũng như sở hữu một lượng lớn công nghệ, tiềm lực, fanbase lớn hơn Galax rất nhiều.
Hy vọng rằng đây mới chỉ là khởi đầu của Galax trong mảng bo mạch chủ, mong rằng trong tương lai chúng ta sẽ thấy được những sản phẩm đột phá, đẹp mắt hơn nữa trong thời gian tới để người dùng tiếp tục có thêm lựa chọn khi xây dựng cấu hình máy tính, giống như cách mà hãng này đã tạo được điểm nhấn với loạt card đồ hoạ độc đáo trong quá khứ.