Dù bạn là một game thủ “30 năm tuổi nghề” hay chỉ vừa mới làm quen với game, chắc chắn rằng bạn đã từng vướng vào một cuộc tranh luận nóng bỏng giữa game thủ với nhau về chủ đề “nền tảng nào tốt nhất” trong nền công nghiệp game.
Từ game độc quyền, các dịch vụ phụ thêm cho đến sức mạnh của từng hệ máy, mọi thứ đều có thể được đem ra cân đo đong đếm để tăng thêm sức nặng cho luận điểm của các bên. Nhưng tất cả những cuộc tranh cãi đó đều khởi nguồn từ các công ty sản xuất các hệ máy chơi game, còn bạn chỉ là một trong số những mặt trận của cuộc chiến.
Và dù bạn ủng hộ phe nào, có một điều không thể phủ nhận là những cuộc chiến này đều có tác động tích cực đến làng game. Ngay cả khi bạn không thích sự hạn chế của console, hay ghét những game thủ thích đem “PC Master Race” treo trên miệng, bạn phải công nhận rằng sự tồn tại của những mối quan hệ đối địch đã khiến nền công nghiệp game phát triển mãnh liệt như hiện nay.
Và vì thế, hãy cùng Mọt game điểm qua những cuộc đối đầu gay cấn nhất trong nền công nghiệp game suốt hàng chục năm qua, bất kể kết cục của những kẻ thua cuộc ra sao – ngậm ngùi rút lui hoặc sẵn sàng tái chiến.
Sega vs Nintendo: “Chiến tranh giữa các vì sao”
Ngày nay, khi nói đến Sega chúng ta thường chỉ nghĩ đến chú nhím xanh Sonic và những trò chơi được phát hành độc quyền trên các hệ máy của Nintendo, nhưng xưa kia, hai công ty này là những kẻ thù không đội trời chung. Cuộc chiến máy console giữa hai bên trong những năm 80 dẫn đến những chiến dịch quảng cáo dạng “bôi tro trát trấu” vào mặt đối thủ, chẳng hạn như video bên dưới:
“Sega Genesis làm được, còn Nintendo thì không”
Cuộc cạnh tranh giữa đôi bên chủ yếu xoay quanh việc ai có thể chinh phục game thủ bằng những tựa game của mình, và bạn đã biết kết quả. Nintendo dần vượt lên với một danh sách những nhân vật nổi tiếng trong làng game, từ Pokémon, Mario, Samus Aran… trong khi tốc độ siêu âm của chú nhím Sonic không đủ để giúp Sega bắt kịp đối thủ của mình.
Sega vs Nintendo
Bây giờ, Sega chỉ còn phát triển game, và nhím Sonic đành phải chịu ở chung với các đối thủ ngày nào. Còn Nintendo cũng không bận tâm đến cấu hình mà tập trung vào việc đưa ra những cách chơi độc đáo cho game lẫn console của họ, mà Nintendo Labo là một ví dụ điển hình. Mới đây Sega đã công bố ý định trở lại sản xuất console bằng dự án có tên Spartan đang được phát triển, nhưng trước mắt, hệ máy này có vẻ không phải là đối thủ trực tiếp của Nintendo mà chỉ là một máy chơi game thuần túy tương tự Xbox One hay PS4 mà thôi.
EA vs Activision: Chiến tranh súng đạn
Với những game thủ gạo cội, Medal of Honor là series đã đưa họ đến với thể loại game bắn súng. Khởi nguồn từ PS1 với những nhân vật đầy góc cạnh và những bản đồ chật hẹp, series này giới thiệu một thể loại FPS hoàn toàn khác với những Doom hay Wolfenstein. Tập trung vào sự chân thực của chiến trường thay vì lũ quái vật địa ngục hay những công nghệ đậm nét giả tưởng. Tuy nhiên, series này ngày càng mất lòng game thủ sau hàng loạt tựa game “bản sau tệ hơn bản trước” và bị Call of Duty của Activision “vượt mặt” một cách dễ dàng kể từ năm 2003.
Medal of Honor, Call of Duty Modern Warfare và Battlefield 4.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa 2 ông lớn trong nền công nghiệp game là EA với Activision không dừng lại ở đó. Khi Call of Duty chuyển mình sang chiến tranh hiện đại với series Modern Warfare (2007), EA phát hành phiên bản MOH thứ 13 vào năm 2010 và gọi nó là là “Call of Duty killer”. Sau khi MOH: Warfighter ra mắt năm 2012 và thất bại thảm hại, EA quyết định cắt luôn series đã 13 năm tuổi này và dồn sức lực vào việc phát triển series Battlefield.
Battlefield 3 (2011) là tựa game đầu tiên trong series có phần chơi campaign, và đạt được những thành công nhất định. Vậy thì cán cân lực lượng giữa COD với BF ra sao? Có vẻ một chín một mười. Trong khi COD vẫn đều đều hốt bạc dù bị không ít anti-fan chỉ trích mà không cần biết chất lượng game ra sao, BF đạt được những thành công lớn về doanh thu lẫn danh tiếng. Battlefield 1 ra mắt trong bối cảnh game thủ đã chán ngấy bối cảnh tương lai, và nhận được những lời khen nhiệt liệt trong khi trailer của CODIW (2016) trở thành video bị dislike nhiều thứ nhì trên YouTube, chỉ sau “Baby” của Justin Bieber.
Đây cũng là video về game bị dislike nhiều nhất trên YouTube.
Dù chỉ là sự trùng hợp, COD cũng nhanh chóng trở lại với Thế chiến 2 vào cuối năm 2017 với phiên bản WWII nhận được kha khá lời khen ngợi về mặt lối chơi, dù cốt truyện của game vẫn chỉ ở mức bình thường. Bây giờ, EA đang phát triển Battlefield 5, còn Activision có Black Ops IIII, và cả hai đều ấn định ngày phát hành trong tháng 10/2018.
Wii vs Kinect vs Move: Ngừng chuyển động
Nếu có một hệ máy nào đó không ai nghĩ rằng sẽ bán chạy, đó chỉ có thể là Wii. Trong nền công nghiệp game thời đó, game thủ nghĩ rằng vung vẩy một tay cầm để điều khiển nhân vật chỉ là một trò thừa thãi được tạo ra để hút khách, trong khi thất bại của người tiền nhiệm Gamecube lẫn cấu hình “bèo nhèo” của Wii khiến game thủ không tin tưởng vào tương lai của hệ máy này. Khi đó, PS2 là tâm điểm của sự chú ý, bởi nó đang là hệ máy bán chạy nhất mọi thời đại nhờ sức mạnh xử lý và sự ủng hộ của các hãng làm game.
Wii thành công bất ngờ nhờ lối chơi độc đáo.
Hóa ra tất cả đều đã lầm. Dù không hỗ trợ đồ họa HD, cách chơi điều khiển bằng cảm ứng chuyển động mới lạ đã giúp Wii giành được chỗ đứng vũng chắc. Trước tấm gương của kẻ đi trước, Sony và Microsoft cũng nhảy vào cuộc bằng Kinect và PS Move với hi vọng “chia phần” trước khi quá trễ. Cả hai đều mong muốn sẽ thuyết phục được game thủ chọn hệ máy của mình bằng những tựa game điều khiển bằng chuyển động hấp dẫn, chẳng hạn Fable: The Journey hay Dance Dance Revolution.
PS Move và Kinect.
Trong khi Nintendo tiếp tục phát huy thành công của Wii với hệ máy mới Wii U (và… lọt hố), cả Kinect lẫn PS Move đều tỏ ra khá hứa hẹn. Kinect có một lợi thế đặc biệt khi không cần người dùng cầm bất kỳ vật phẩm nào trên tay, và vì thế giảm thiểu rủi ro ném vỡ TV phải mua TV mới, còn PS Move được đánh giá cao nhờ độ chính xác và nhạy bén. Tuy nhiên cũng như Wii U, cả PS Move lẫn Kinect đều không được ủng hộ rộng rãi, khiến Fable: The Journey bị hủy bỏ và Microsoft chấm dứt vòng đời của Kinect vào tháng 10/2017. Trong khi đó Sony thừa nhận rằng PS Move không đạt được những gì họ kỳ vọng cả về mặt doanh số lẫn lượng game, hy vọng còn lại của nó là khi kết hợp với chiếc kính VR trong vai trò cần điều khiển tạo thành một hệ sinh thái chơi game mới.
(Còn tiếp)
Nguồn : https://motgame.vn/nhung-cuoc-doi-dau-quan-trong-nhat-cua-nen-cong-nghiep-game-p1.game