Từ những kẻ thất bại nổi tiếng trong giới bóng đá
Đến thời điểm hiện tại Bayer Leverkusen vẫn được ví như kẻ thất bại vĩ đại ở Bundesliga. Bởi đã không biết bao nhiêu lần CLB này đã phải gục ngã trước cửa thiên đường. Trong suốt chiều dài lịch sử của đội bóng có thời điểm Leverkusen đã có thể chạm tay đến chiếc đĩa bạc – phần thưởng dành cho đội bóng vô địch giải đấu Bundesliga, Đức.
Đội bóng đã lọt vào top 4 từ năm 1997 cho tới 2002 bao gồm bốn lần về đích ở vị trí thứ nhì. Thành tích của mùa giải 2002 và 2002 đã khiến người hâm mộ phải tiếc nuối khi suýt chút nữa đã giành được ngôi vô địch Bundesliga. Vào năm 2000, Bayer Leverkusen chỉ cần thêm một trận hoà trước Unterhaching để vô địch, nhưng cú phản lưới nhà của Ballack đã khiến họ bị thất bại 2-0 và Bayern Munich vô địch sau chiến thắng 3-1 trước Werder Bremen.
Tam Á Vương sự sỉ nhục mà không CĐV Bayer Leverkusen nào muốn nhớ đến.
Hai năm sau đó, Leverkusen thua 2 trong 3 vòng đấu cuối ở Bundesliga, đánh rơi lợi thế 5 điểm ở ngôi đầu bảng và để Dortmund vượt mặt vào phút chót. Cú hat-trick về nhì của Leverkusen được ấn định với trận thua Schalke ở chung kết Cúp Quốc gia Đức và thất bại trước Real Madrid ở chung kết Champions League. Kể từ đó biệt danh Neverkusen đã gắn liền với tên tuổi của đội bóng này, dù nhiều năm sau cũng có một vài đội bóng khác rơi vào tình trạng tương tự thế nhưng danh hiệu Tam Á Vương cũng như Neverkusen đã trở thành sự mỉa mai cũng như sỉ nhục mà không cổ động viên Bayer Leverkusen nào muốn nhớ đến.
Nhắc đến Bayer Leverkusen thì không thể nào không nhắc đến Michael Ballack. Trong suốt sự nghiệp của mình không phải Ballack chưa có danh hiệu nào. Anh đã từng giành 2 chức vô địch quốc gia tại 2 nền bóng đá khác nhau, nhưng so với những lần về nhì ở các trận chung kết thì chẳng mấy ai nhớ đến 2 danh hiệu ấy nữa.
Ballack khởi đầu mạnh mẽ với Bayer Leverkusen và có cơ hội giành cú ăn 3 trong mùa giải 2001-2002, thế nhưng sau khi hạ màn, tiền vệ người Đức rơi vào cảnh “trắng tay”, năm đó Leverkusen chỉ kém Dortmund đúng 1 điểm trong chặng đua Bundesliga. Một tuần sau khi hụt chiếc đĩa bạc, Ballack và đồng đội tiếp tục đến với trận chung kết cúp quốc gia Đức, thế nhưng thêm một lần tiền vệ này thất bại khi Schalke đánh bại Leverkusen với tỉ số 4-2. Vận xui vẫn chưa buông tha Ballack, thêm một lần nữa anh cùng các đồng đội có cơ hội nâng cúp, lần này là tại chung kết Champions League, nơi Leverkusen chạm trán Real Madrid.
Cuộc đời của Ballack nổi tiếng với những lần gục ngã trước cổng thiên đường
2002 cũng là một năm đáng quên đối với Ballack khi anh cùng các đồng đội tại ĐTQG Đức đã vượt qua rất nhiều thử thách để tiến tới trận chung kết World Cup, đặc biệt là trận thắng đội chủ nhà “xấu tính” Hàn Quốc ở bán kết với tỉ số 1-0. Tuy nhiên, chính tại trận đấu ấy, Ballack đã nhận thẻ vàng và buộc phải vắng mặt trong trận chung kết. Tại trận đấu cuối cùng, Đức đã thua Brazil với tỉ số 0-2 sau khi Ronaldo ghi cả 2 bàn để đưa Selecao lên đỉnh thế giới lần thứ 5.
Vào năm 2006, Ballack thêm một lần thất bại trong màu áo ĐT Đức ngay tại quê nhà trong khuôn khổ World Cup 2006. Tại trận bán kết, Đức đã để thua Italia trong hiệp phụ với 2 bàn thắng của Grosso và Del Piero. Sau đó Die Manschaft giành giải ba với chiến thắng 3-1 trong trận tranh HCĐ trước Bồ Đào Nha.
Sau kì World Cup đáng quên, Ballack chuyển sang thi đấu cho Chelsea. Tại mùa bóng 2007-08, sau thất bại trước Tottenham ở trận chung kết League Cup, Ballack đã cùng với Chelsea lọt vào đến trận chung kết Champions League với Manchester United. Tuy nhiên, pha đá luân lưu hỏng của Terry đã gián tiếp đá bay giấc mộng vô địch của Chelsea, trong đó có Ballack.
Trở lại với kì EURO 2008, Đức đã xuất sắc để thêm một lần lọt vào tới chung kết 1 giải đấu lớn. Tuy nhiên năm đó Tây Ban Nha quá mạnh, bàn thắng tuyệt đẹp của Torres và cũng là bàn thắng duy nhất trong trận chung kết đã thêm một lần nữa biến Ballack thành “kẻ về nhì vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá”.
Sau liên tiếp những lần lỗi hẹn với các danh hiệu, Ballack quay trở lại Bayer Leverkusen vào năm 2010, tại đây anh đã cùng CLB này xếp trên Bayern Munich trong cuộc đua Bundesliga, tuy nhiên lại một lần nữa anh về nhì bởi năm đó Dortmund quá xuất sắc. Sau đó 2 năm, anh quyết định giải nghệ vào năm 2012 ở tuổi 36 bất chấp những lời mời gọi từ các giải đấu như A-Leauge của Úc hay MLS của Mỹ.
Tương tự Bayer Leverkusen và Michael Ballack, ở cấp độ huấn luyện viên Héctor Cúper cũng là một kẻ thường bị các cổ động viên nhớ đến bởi khả năng thường xuyên về nhì ở những trận đấu cúp quan trọng lẫn giải vô địch quốc gia.
“Ông có nhớ đã để thua bao nhiêu trận chung kết rồi không?” là câu hỏi mà phóng viên dành cho Cúper trước thềm trận chung kết giải vô địch châu Phi – CAN 2017 giữa Ai Cập và Cameroon. Như đã… quen với kiểu câu hỏi nửa thật tình nửa bơm đểu này, HLV đội tuyển Ai Cập mỉm cười: “Tôi không nhớ, các bạn có thể lật lại lịch sử để kiểm tra”.
Người ngoài hành tinh cũng không gánh nổi vận về nhì của Cúper
Cúper rất hay về nhì, từ các giải Cup cho đến giải vô địch quốc gia. Với đội bóng nhỏ Mallorca, ông lần lượt vào chung kết Cup Nhà Vua 1998, chung kết Cup C2 1999 và đều thất bại dưới tay Barca rồi Lazio. Trong những năm đầu thế kỷ 21, Cuper một tay đặt Valencia lên bản đồ bóng đá châu Âu khi mang đội bóng này vào đến hai trận chung kết Champions League liên tiếp 2000 và 2001.
Đáng buồn thay kết quả là ông chỉ về nhì trong cả hai lần ấy. Vận rủi sau đó đeo bám chiến lược gia người Argentina sang tận Inter Milan khi sang Ý dạy học. Nếu trong giới cầu thủ có Michael Ballack thì trong làng cầm quân có Héctor Cúper bị gắn liền với cái biệt danh không ai mong muốn – “Vua về nhì”.
Rời Inter năm 2003, Cúper trở thành một người phiêu bạt. Trong hơn một thập kỷ sau đó, ông đi qua chín đội bóng khác nhau. Tên ông dần vắng mặt trên các bản tin quốc tế, bởi ông phải đi về những vùng trũng của bóng đá để tiếp tục được làm công việc yêu thích, ngay cả khi nơi ấy là Gruzia hay thế giới Ả-rập.
Đến những tựa game chọn sai thời gian ra mắt
Tương tự như cuộc chơi với quả bóng tròn thế giới game cũng có vô số những anh tài có thừa khả năng cũng như nội lực để trở thành siêu phẩm tuy nhiên cuối cùng chúng lại trở thành kẻ xếp thứ hai hay nói một cách nôm na là kẻ thất bại vĩ đại nhất bởi người giành chiến thắng làm nên sự vĩ đại trong khi kẻ về nhì chỉ mới làm được đến mức tốt.
Battleborn là một tựa game rơi vào vị trí lúng túng như vậy. Khi ra mắt sản phẩm của hãng Gearbox được kỳ vọng sẽ mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho dòng game hero-shooter và Battleborn ít nhiều đã chứng minh được giá trị bản thông qua lối chơi thú vị cùng nền tảng đồ họa tuyệt hảo. Thế nhưng, vâng lại là nhưng, đối thủ của họ vào thời điểm ấy lại chính là Overwatch.
Nếu Battleborn về nhì trong cuộc đua do vô tình
Có lẽ không cần phải bàn thêm bất cứ chi tiết nào về độ “bá đạo” mà tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất của Blizzard. Chỉ tính số giải thưởng mà trò chơi gặt hái tại The Game Awards 2017 đã rất đầy đủ để nói lên sự xuất sắc của Overwatch và nghiệt ngã thay cho Battleborn, dù cùng ra mắt trong tháng 5/2016 thế nhưng khi mà Overwatch chưa hề ngừng bước chân của mình thì Battleborn đã tuyên bố ngừng phát triển vào tháng 9/2017.
Dù chưa có lời chia tay chính thức nào được NSX gửi gắm đến đến cộng đồng game thủ nhưng ai cũng biết cơ hội để trò chơi trở mình là vô cùng nhỏ bé khi đối thủ Overwatch đã trở thành một ngọn núi mà đội ngũ phát triển của Gearbox dù có cố gắng thế nào cũng rất khó để vượt qua.
Khác với Battleborn thất bại vì đối thủ quá xuất sắc, hành trình sa đọa của Titanfall 2 có liên quan mật thiết đến giai thoại về sự khốn nạn của EA và câu chuyện về nhà phát hành game chơi bẩn nhất thế giới đã từng được Mọt game nhắc đến trong một số bài viết trước đây.
Phiên bản Titanfall ra mắt đầu tiên vào năm 2014 là một thành công lớn cho cả Respawn Entertainment lẫn EA. Nó được chấm số điểm 9/10 ở tất cả các trang đánh giá game uy tín, đoạt 60 giải thưởng tại kỳ E3 2013, trong đó phá kỷ lục khi là tựa game đầu tiên có tới 6 giải thưởng quan trọng. Hiển nhiên kẻ tham lam thành tích là EA sẽ không đời nào bỏ qua miếng mồi béo bở như vậy.
Họ bắt đầu tính kế làm sao để chiếm lấy quyền sở hữu studio thông qua đó trực tiếp đoạt luôn quyền sở hữu thương hiệu game này. Có điều là khi Respawn Entertainment đang ăn nên làm ra, tiền vào như nước sau thành công của Titanfall thì trừ phi bị ngu họ mới nhượng lại con gà đẻ trứng vàng Titanfall cho EA, vậy nên con cáo già tham lam quyết định sẽ ra tay thôn tính Respawn Entertainment bằng tuyệt chiêu đường cong cứu quốc.
Thì Titanfall 2 lại thất bại bởi sự toan tính của EA
EA vẫn đang nắm quyền phát hành Titanfall 2 và nếu như tựa game này không thể thành công về mặt doanh thu thì hiển nhiên Respawn Entertainment sẽ gặp rất nhiều khó khăn về mặt tài chính và EA sẽ thừa cơ hội đó mà làm thịt. Thế là vào cuối năm 2015, thay vì phát hành Titanfall 2 một cách bình thường, EA đã cố tình nhét ngày ra mắt của nó vào giữa 2 siêu phẩm bắn súng đang được cộng đồng game thủ nóng lòng chờ đợi là Call of Duty: Infinite Warfare của Activision và Battlefield 1 của… chính EA.
Không cần phải nói nhiều, Titanfall 2 chết sặc tiết và cũng chẳng có cơ hội nhỏ nhoi nào để Respawn Entertainment vùng vẫy trong tuyệt vọng vì quyền phát hành toàn bộ đều đang nằm trong tay của EA. Titanfall 2 mà họ làm ra rất hay, đó là điều không ai bàn cãi thế nhưng việc phải cạnh tranh với tận hai siêu phẩm xuất sắc như Call of Duty: Infinite Warfare và Battlefield 1 quả là điều không tưởng. Chẳng có nhà phát hành nào điên rồ đi làm điều đó, dĩ nhiên là ngoại trừ EA với mưu mô đen tối của mình.
Cuối cùng thì EA đã thành công khi thâu tóm Respawn Entertainment với giá rẻ mạt đồng thời cuỗm luôn thương hiệu game bắn súng Titanfall. Chỉ có cộng đồng game thủ thỉnh thoảng lại chép miệng tiếc nuối về một tựa game không tệ nhưng lại chọn thời điểm ra mắt không thể tệ hơn bởi những toan tính đầy mưu mô ngoài chuyên môn và phải cam chịu số phận làm nền để tôn vinh cho kẻ xuất sắc nhất.
Nguồn : https://motgame.vn/ke-that-bai-vi-dai-nhat-hay-chuyen-ve-nhung-tua-game-khong-gap-thoi.game