Trong những ngày này, khi mà bài toán về sự thành công luôn là gánh nặng mà các huấn luyện viên bóng đá hay những vị giám đốc công ty game phải đối mặt hàng ngày thì sự thực dụng đã bắt đầu chiếm ưu thế tuyệt đối và hình như chẳng còn bất kỳ nơi nào để trí tưởng tượng hay sự điên rồ có thể phát huy.
Tìm đâu cú phá bóng bò cạp trên sân Wembley
Những ngày xa xưa ấy sự ngẫu hứng trong bóng đá luôn đem đến phấn khích cho người hâm mộ và dễ dàng biến thành pha bóng huyền thoại. Nó đôi khi không quá khó về mặt kỹ thuật nhưng khó ở chỗ có dám nghĩ, dám làm hay không, như cú bấm bóng của Antonin Panenka ở trận chung kết EURO 1976.
Nó là cú sút penalty đầy mạo hiểm trong trận cầu quan trọng nhất với bóng đá Tiệp Khắc. Panenka đã thành công để trở thành biểu tượng và được đặt tên cho chính cú sút penalty kiểu đó, cú sút Panenka. Nhưng ông có thể trở thành tội đồ, thành một gã ngớ ngẩn nếu thủ thành Sepp Maier của đối thủ Tây Đức sừng sỏ bắt gọn được trái bóng.
Cú panenka trong trận chung kết EURO, bạn sẽ không thấy nữa vì sự rủi ro. Sáng tạo và rủi ro đi kèm phải nhường chỗ cho thực dụng và an toàn.
Arsène Wenger
Trong trận giao hữu giữa Anh và Colombia trên sân Wembley vào năm 1995, thủ môn Rene Higuita đã bay người móc bóng cản phá cú sút nhẹ hều của Jamie Redknapp. Gã điên Higuita có thể ôm gọn dễ dàng pha bóng đó nhưng El Loco đã ngẫu hứng tung người phá bóng và trở thành huyền thoại. Đến tận bây giờ dù đã giải nghệ nhiều năm, Higuita luôn góp mặt trong bất cứ video nào trên Youtube có liên quan đến chủ đề thủ môn.
Trong quá khứ, rất nhiều pha bóng ngẫu hứng đã trở thành huyền thoại. Nhưng trong bóng đá ngày nay, cầu thủ đã lạnh lùng hơn rất nhiều. Họ đặt nặng sự an toàn, không còn dám làm những điều điên rồ. Thủ môn Ospina trước trận chung kết cúp Liên đoàn Anh đã đã nói những lời có cánh và khen ngợi trí tưởng tượng của Higuita khi thực hiện pha bò cạp trên sân Wembley nhưng Ospina sẽ không dám và cũng không được phép tái hiện pha bắt bóng của tiền bối đồng hương.
Vì thế Higuita cũng như Panenka, tất cả chỉ còn là những ký ức đẹp về một thời bóng đá là cuộc chơi của sự hoa mỹ, tinh tế nhưng không kém phần điên rồ và giàu trí tưởng tượng.
Phải chờ bao lâu mới có thêm một tựa game như Minecraft
Đã 8 năm kể từ ngày sản phẩm đột phá của Mojang ra mắt cộng đồng game thủ, khả năng sáng tạo và xây dựng vô tận trong Minecraft cho phép người chơi xây dựng mọi công trình tùy theo trí tưởng tượng bằng cách lắp ghép các khối vuông trong thế giới 3D. Các hoạt động thú vị khác trong game bao gồm tìm kiếm, thu thập tài nguyên, chế tạo và chiến đấu với quái vật.Có nhiều chế độ chơi trong game gồm chế độ sinh tồn, khi mà người chơi phải tìm tài nguyên để xây dựng thế giới bên cạnh việc duy trì thể lực của bản thân; chế độ sáng tạo, nơi người chơi có tài nguyên không giới hạn để xây dựng và kèm theo đó là hình thức chơi nối mạng nhiều người như một MMORPG, nơi game thủ có thể góp sức cùng những đồng đội khác trong các bản đồ rộng lớn.
Thú vị là thế nhưng dù sao cũng đã 8 năm trôi qua và chúng ta vẫn đang mỏi mòn chờ đợi một cú đột phá khác đến từ các NSX danh tiếng. Tuy nhiên sau ngần ấy thời gian, dù các trò chơi mới vẫn đều đặn xuất hiện mỗi năm nhưng nếu không phải là ăn theo thương hiệu cũ thì cũng chẳng để lại nhiều ấn tượng cho lắm.
Những Assassin’s Creed Origins, Monster Hunter: World, Shadow of the Colossus, Horizon Zero Dawn… có hay không? Dĩ nhiên là hay và thậm chí một vài tựa game trong số đó thuộc vào loại siêu hay nhưng nếu muốn có được cảm giác rùng mình sung sướng khi lần đầu chạm tay vào một thể loại hoàn toàn mới mẻ như Minecraft, Shenmue hay GTA lại có vẻ quá khó.
Vì đâu lại nên nỗi? Tương tự như môn thể thao vua, game ngày nay đã trở thành một ngành công nghiệp hái ra tiền dẫn đến các nhà phát triển cũng trở nên bảo thủ với sự an toàn, sợ thất bại và không còn dám làm những điều ngẫu hứng điên rồ nữa. Sáng tạo cũng tốt thôi nhưng sáng tạo không thành công dẫn đến doanh số bán game sụt giảm thì kẻ sáng tạo chắc chắc sẽ không xong với công ty chủ quản.
Trong đế chế game ngày nay, trừ những cây đa cây đề thật sự, có quyền không cần nhìn sắc mặt của ban giám đốc để nói chuyện kiểu như Hideo Kojima, hiếm có tay chơi nào dám không coi trọng doanh thu để thỏa sức sáng tạo ra đứa con tinh thần của mình. Rồi cứ thế gần chục năm qua, cứ mỗi mùa trao giải thưởng game sắp đến, chúng ta lại thấy hàng tá bom tấn được đề cử, nói công tâm thì chúng vẫn rất hay nhưng tận sâu trong đáy lòng chúng ta vẫn ít nhiều cảm giác được mầm mống của nhàm chán, thiếu sáng tạo và cầu toàn quá mức.
Sự sáng tạo vô biên trong game, đến giờ nếu còn tồn tại chủ yếu nằm ở các công ty indie, nơi không đặt nặng vấn đề doanh thu cũng như sự thành bại tuy nhiên người ít, tiền thiếu các công ty này thường khó phát huy đến tận cùng khả năng sáng tạo của mình, trừ một vài trường hợp may mắn thành công và nhanh chóng bị các ông lớn ra tay sáp nhập. Sau đó tất nhiên là “bào” không thương tiếc để lấy doanh thu và dẹp bỏ mọi đề xuất sáng tạo trông có vẻ mạo hiểm để cải tiến dòng game.
Đến bao giờ đám game thủ chúng ta mới có thể tìm lại được những ký ức tươi đẹp về một thời kỳ mà game là tổng hợp của sự hoa mỹ, tinh tế nhưng không kém phần điên rồ và giàu trí tưởng tượng như cuộc chơi của trái bóng tròn?
Nguồn : https://motgame.vn/game-va-bong-da-hien-dai-khi-thuc-dung-lan-tri-tuong-tuong.game