20 năm sau khi Age of Empires, tựa game RTS kinh điển chinh phục vô số game thủ và mở đường cho chiến thắng “ngời ngời tuyệt vời” của Age of Empires 2, Microsoft quyết định trao cho Forgotten Empires trọng trách làm lại AOE với tên gọi mới Age of Empires: Definitive Edition (AOEDE).
Dù có một chút vấp váp khi trò chơi phải hoãn ngày ra mắt sang năm 2018 thay vì được tung ra trong năm 2017, đúng dịp kỷ niệm 20 năm AOE, nó vẫn khiến game thủ yêu thích RTS trên khắp thế giới mỏi mắt trông chờ.
Bộ quần áo mới…
Đầu tiên, hãy click vào nút Play của video này trước khi tiếp tục đọc bài viết:
Với cái giá 20 USD trên Microsoft Store, Microsoft cho thấy rõ rằng đây là một phiên bản làm lại, chủ yếu là nâng cấp về mặt hình ảnh để đáp ứng nhu cầu của những nhà cầm quân trên màn hình 4K, với số pixel to gấp vài chục lần những màn hình của năm 1997. Và phải nói rằng nhà phát triển FE đã làm rất tốt phần việc của mình, khi nó có thể khiến nhiều người nghĩ rằng trò chơi đã lột xác lên 100% 3D, chỉ trừ địa hình của game.
Họ đã làm điều đó như thế nào? Bằng hai “độc chiêu” mà phải rất tinh ý, bạn mới nhận ra được. Đầu tiên, các đơn vị quân trong AOE gốc là những vật thể 2D được dựng hình ở 8 góc độ khác nhau, và trò chơi sẽ chuyển đổi giữa các góc độ này khi đơn vị đó di chuyển. Trong Age of Empires: Definitive Edition, mỗi đơn vị quân được dựng hình ở… 32 góc khác nhau, giúp chúng di chuyển mượt mà hơn hẳn, xóa bỏ hiện tượng “nhìn một đằng, đi một nẻo” mà bạn có thể dễ dàng nhận thấy trong game.
Các đơn vị quân được dựng hình từ nhiều góc độ hơn.
Thêm vào đó, nó khiến tác giả có cảm tưởng như đang nhìn một đơn vị quân 3D thực thụ trên màn hình. Với sự công phu này, Forgotten Empires tiết lộ rằng chỉ riêng file cho con tàu Trireme trong game cũng đã to hơn cả trò chơi gốc.
Chiêu thứ hai mà nhà phát triển sử dụng là những chuyển động (animation) sụp đổ của các công trình xây dựng. Thay vì lập tức xóa công trình đó và thay thế bằng một đống đổ nát, bây giờ các tòa nhà sẽ sụp đổ trong một đám khói bụi mịt mù:
Xem mãi không chán.
Quyết định “nâng cấp” các vụ… sập nhà của Forgotten Empires có lẽ là hoàn toàn chính xác. Chúng ta không phải các gosu, khi thắng bại được phân định chỉ bằng cái chết của vài đơn vị lính, nên đây là điều bạn sẽ nhìn thấy hàng chục, hoặc hàng trăm lần khi chơi. Nó có thể thêm một chút “khoái cảm” khi bạn đè bẹp kẻ thù, và có thể là một chút an ủi khi kỳ quan bạn bỏ công xây dựng đổ ập (tác giả rất muốn dùng meme “khối đá 90 kg được ném từ khoảng cách 300m” ở đây, nhưng thật đáng tiếc…).
Bên cạnh sự hào nhoáng của độ phân giải 4K và những đơn vị quân được vẽ lại hết sức công phu, phần âm thanh của Age of Empires: Definitive Edition hoàn toàn xứng đáng để bạn bỏ thời gian thưởng thức. Những bài nhạc giao hưởng trào dâng được sử dụng tạo ra cảm giác về những đế chế huy hoàng mà bạn đang gầy dựng trong game. Lời nói không thể nào mô tả được âm thanh, nhưng nếu đã click vào nút Play như Mọt game đề nghị, những giai điệu bạn đang nghe chính là một phần của những gì Forgotten Empires đưa vào “bộ quần áo mới” của Age of Empires.
Nếu bị thuyết phục bởi những nốt nhạc này, bạn có thể mua toàn bộ 22 soundtrack của game tại đây.
Nhà vua
Bên dưới lớp vỏ ngoài hào nhoáng và lóng lánh, Age of Empires: Definitive Edition gần như không có gì thay đổi. Bạn sẽ vẫn tìm thấy sự hào hứng của những cuộc đua với thời gian dù chơi một mình, qua LAN hoặc online. Khởi đầu với một TC, ba dân làng và trở thành một đế quốc trải rộng toàn cầu (OK, không phải toàn cầu, chỉ là một bản đồ bé tẹo), hay bị nghiền nát dưới gót sắt của những đế chế hùng mạnh hơn, tiến bộ hơn hoàn toàn phụ thuộc vào óc chiến thuật, khả năng do thám và số APM của bạn.
Với một game thủ bình thường chỉ muốn có những trận chiến hoành tráng giữa hàng trăm binh sĩ cùng một lúc, AOEDE đem lại một giới hạn quân mới cao hơn hẳn trong các trận đánh Custom Map. Trong khi đó, unit cap trong phần chơi chiến dịch dừng lại ở mức 50, nên bạn sẽ không có những quân đoàn khổng lồ trong mục chơi này. Các đơn vị quân vẫn không thực sự đa dạng, và đôi khi tạo ra những chuyện lạ lùng như Ai Cập có… Phalanx của La Mã, vân vân và mây mây.
Một cảnh trong phần hướng dẫn Sự trỗi dậy của Ai Cập.
Bù lại, bạn sẽ thưởng thức những chiến dịch mới, cực dài và được thiết kế theo các sự kiện lịch sử. Đập phá vài tháp canh và chiếm một hòn đảo? Đó là bạn, pharaoh Senusret III đang xây dựng thành trì để chinh phục hạ Nubia. “Đẻ” vài nông dân và ra lệnh cho họ làm ruộng? Pharaoh Narmer vĩ đại đang tìm cách thống nhất Thượng và Hạ Ai Cập bằng sự dồi dào từ nền nông nghiệp ở đôi bờ sông Nile.
Một điểm cộng của Age of Empires: Definitive Edition là ở việc tốc độ của game đã được điều chỉnh để phù hợp hơn với 2018. Dù chưa hề chạm tay vào AOE trong 18 năm qua, Mọt game vẫn cảm thấy tốc độ làm việc, di chuyển của các đơn vị trong game nhanh hơn hẳn, giúp tăng nhịp độ của trò chơi.
À, tất cả các cheatcode cũ cũng vẫn hoạt động bình thường nữa đấy!
Không có gì lạ ở đây cả.
Có một câu nói rất hay: cái gì không hư thì đừng sửa. Forgotten Empires đã theo đúng lời khuyên này khi làm nên AOEDE, và vì thế chúng ta được gặp lại tất cả những điều làm nên sức hấp dẫn của nó mà tác giả vừa nhắc đến. Nhưng thật đáng tiếc là họ lại bỏ quên công đoạn “lọc sạn” những gì vốn có trong game. Vì thế, Age of Empires: Definitive Edition giữ nguyên cả những khuyết điểm của tựa game gốc.
Đầu tiên, những ai từng “chiến” AOE chắc chắn không dưới chục lần… sôi máu vì mức độ ngu xuẩn của những đơn vị lính trong game ngày xưa, và phiên bản mới lại tiếp tục thử độ bền mạch máu của bạn. Ngay cả với hệ thống tìm đường được quảng cáo là đã nâng cấp, các đơn vị quân vẫn có những hành vi không thể chấp nhận được. Mụ dân làng ốm đói đôi khi sẽ tưởng mình là She-Hulk và cố gắng tông ngã một cái cây, thay vì đi vòng quanh nó. Khi sau lưng mụ ta là một con sư tử đang rất muốn báo “nhất tiễn chi cừu”, điều này chắc chắn không tốt cho huyết áp của chúng ta.
Ở mức zoom cận cảnh, bạn có thể nhìn rõ chuyển động của các đơn vị.
Chưa hết. Hitbox của game thỉnh thoảng tỏ ra lệch lạc, khiến việc click vào đơn vị quân hay cái cây bạn muốn trở nên khó khăn – bạn có thể muốn dọn một cái cây cản đường, nhưng click nhầm vào mỏ sẽ khiến cả nhóm công nhân vứt đống gỗ trong người để chuyển sang đào mỏ – một điều cực kỳ đáng tiếc bởi bạn cần từng điểm tài nguyên một trong giai đoạn đầu game. Việc điều khiển bản đồ cũng khá hỗn loạn: nút chuột phải được dùng để kéo bản đồ, nhưng nếu bạn đang lựa chọn một đơn vị lính, chuột phải sẽ ra lệnh cho đơn vị đó đi đến vị trí mà bạn click thay vì di chuyển bản đồ của game.
Tính năng zoom của game cũng cần phải được cải thiện. Khi sử dụng nút cuộn để zoom, game không thay đổi giữa các mức zoom (1x, 2x, 4x) mà chỉ tăng kích thước của hình ảnh trên màn hình, khiến mọi thứ trông mờ đi cho đến khi các chi tiết hình ảnh thực sự được load xong. Bạn có thể so sánh bên dưới:
Độ chi tiết trước khi load (trái), sau khi load (phải), và phản hồi của nhà phát triển.
Nhà phát triển cho biết tốc độ hiển thị của chi tiết sau mỗi lần chuyển đổi mức zoom là tùy thuộc vào tốc độ của ổ cứng và dung lượng RAM. Điều này không quá quan trọng về mặt lối chơi, nhưng khá “ngứa mắt” nếu bạn là một game thủ muốn tận hưởng chất lượng đồ họa tối đa. Vì thế, nhà phát triển nói rằng họ cũng đang tìm cách để khắc phục vấn đề này trong tương lai.
Và cũng như mọi trò chơi đòi hỏi đường truyền internet khác, AOEDE bị chìm ngập trong đủ thứ lỗi khi bạn cần đến bất kỳ thành phần online nào của nó. Do ngày xưa chỉ được chơi AOE phiên bản lậu, tác giả muốn được thưởng thức AOE “xịn, bản quyền” khi bỏ ra 20 USD cho tựa game này, nhưng hóa ra nó chẳng khác gì với phiên bản lậu ngày xưa bởi những rắc rối của server. Lỗi kết nối xảy ra như cơm bữa khi chơi multiplayer, và tác giả chưa thể hoàn tất một trận đấu online nào.
LAN, vị cứu tinh nếu bạn muốn chơi cùng bạn bè.
Có thể nói rằng chính Age of Empires: Definitive Edition đã nhắc nhở tại sao Mọt game không thích các cửa hàng ứng dụng và ngại ngần khi nâng cấp lên Windows 10. Tất cả những vấn đề kết nối này đã tồn tại từ các bản beta trước đây, và hoàn toàn không được Forgotten Empires khắc phục dù game đã chính thức ra mắt. Thật ra, nếu Age of Empires: Definitive Edition không bị trói buộc vào khuôn khổ Windows 10 và được phát hành trên Steam, game thủ sẽ thoát khỏi những vấn đề này (chưa kể mức giá ưu đãi cho game thủ Việt) ngay lập tức.
Đấng minh quân?
Nếu bạn muốn chơi Đế Chế, lời khuyên của Mọt game là hãy bỏ tiền cho Age of Empires II HD. Đó là một tựa game vượt trội hơn hẳn, là đỉnh cao của cả series – không phải ngẫu nhiên mà AOE II được làm lại trước AOE I. AOE II HD có tất cả những gì bạn muốn ở Đế Chế, từ hình ảnh đẹp mắt, tính chiến thuật sâu sắc, các đơn vị quân đa dạng, phần chơi mạng hoạt động 100% và quan trọng nhất là nó cho phép bạn xây cổng trong game.
Age of Empires II HD > Age of Empires: Definitive Edition, nuff said.
Nhưng nếu bạn nhất quyết phải chơi AOE I, vì hoài cổ, vì đồ họa xịn 4K, vì các chiến dịch chơi đơn hay vì bạn chưa chơi qua phiên bản gốc? Tác giả cũng xin xác nhận rằng Definitive Edition thực sự là một phiên bản đáng đồng tiền. Đây là 17,1 GB chứa đầy niềm vui, “gây nghiện” và là một trong những tựa game mà bạn muốn có trong máy tính, ngay bây giờ, sau khi đọc xong bài viết của Mọt game.
Cấu hình tối thiểu để chơi game:
Hệ điều hành: Windows 10
CPU: 1.8 Ghz+ Dual Core hoặc Core I5 trở lên
VGA: Intel HD 4000 trở lên
Bộ nhớ: 4GB RAM
DirectX: Version 11
Nguồn : https://motgame.vn/age-empires-definitive-edition-bo-quan-ao-moi-cua-nha-vua.game