THÀNH CÔNG BAN ĐẦU VÌ CHIẾN LƯỢC GIÁ RẺ
Thành lập năm 2010, Xiaomi có kế hoạch ban đầu chỉ làm ROM MIUI cho điện thoại Android. Sau đó, Xiaomi đã sản xuất thêm cả điện thoại, cho ra mắt chiếc smartphone đầu tiên vào năm 2011 với cấu hình khá cao nhưng giá lại rẻ bằng 1/3 điện thoại Samsung và iPhone khi tính tại thời điểm đó. Điều này đã để lại ấn tượng tốt cho người dùng, gây sự chú ý mạnh mẽ cho giới công nghệ. Qua đến năm 2014, Xiaomi có giá trị ước tính khoảng 46 tỉ USD, điều này đã khiến nhiều công ty khởi nghiệp khác phải “ghen tị” và rất ngưỡng mộ.
Thời gian đầu, Xiaomi thành công vì sản phẩm có chất lương tốt, đi kèm mức giá hấp dẫn - Ảnh: IBTimes
Với chiến lược “giá rẻ nhất”, Xiaomi không bán hàng theo kiểu truyền thống vốn đang được các hãng lớn khác đang áp dụng. Cụ thể, thời gian trước đây, Xiaomi chỉ lựa chọn cách bán hàng online, dùng chiêu thức flash sale để nhanh lấy lại vốn đầu tư, bỏ qua các khâu phân phối, tiếp thị và quảng cáo thông thường. Thay vào đó, Xiaomi dùng chính công cụ mạng xã hội để quảng bá nhằm giúp tiết kiệm tối đa chi phí, đồng thời “ghi điểm” với người dùng bằng cách liên tục cập nhật các bản firmware hỗ trợ nhiều tính năng mới cho sản phẩm. Chính vì vậy, chỉ trong vài năm đầu tiên, Xiaomi đã có lượng người dùng rất đông đảo, doanh thu đạt rất cao vì “giá rẻ” luôn được người dùng yêu thích. Xiaomi đã đứng vào top 5 nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.
GIÁ RẺ CHƯA HẲN ĐÃ LÀ GIẢI PHÁP TỐT NHẤT?
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, chính vì mãi mê cắt giảm mọi chi phí để cho ra sản phẩm “giá rẻ”, Xiaomi đã không chú trọng đến khâu quảng bá thương hiệu nhằm tìm kiếm những người dùng mới, thay vì cứ lẩn quẩn với những khách hàng cũ. Trong khi đó, nhiều mẫu điện thoại Xiaomi lại có kiểu dáng khá giống nhau, bên cạnh cấu hình cũng không mang tính đột phá, tính năng cũng không ngoại lệ. Có vẻ như, Xiaomi không quá chú trọng đầu tư vào đội ngũ phát triển sản phẩm, dẫn đến các dòng điện thoại gần như không có điểm đột phá nào đáng để “khoe” so với thương hiệu Samsung, Apple, HTC và Sony.
Ngay tại sân nhà Trung Quốc, Huawei cũng đã có những dòng điện thoại giá rẻ nhằm cạnh tranh với Xiaomi. Ngoài ra, Vivo cùng với Oppo còn áp dụng chiến lược quảng cáo, tiếp thị rầm rộ, bỏ nhiều chi phí để vận hành các đại lý và chuỗi cừa hàng bán lẻ, giúp tiếp cận được nhiều khách hàng mới. Mặt khác, cả 3 thương hiệu trên tập trung nghiên cứu, ra mắt những dòng điện thoại cao cấp với những tính năng nổi bật, đem lại lợi thế riêng cho từng hãng sản xuất. Bởi thực tế hiện nay, một số người Trung Quốc cũng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để sở hữu những dòng sản phẩm cao cấp.
XIAOMI ĐANG BẮT ĐẦU KHẮC PHỤC SAI LẦM?
Vì các dòng sản phẩm tầm trung đều khá giống nhau, khiến cho các 'fan Xiaomi' cũng phải e dè khi đặt vấn đề nâng cấp điện thoại mới. Trong khi đó, Xiaomi lại ít chú trọng vào khâu quảng cáo, tiếp cận người dùng mới, khiến số lượng sản phẩm bán ra ít hơn hẳn so với khoảng 3 năm về trước. Nếu điều này vẫn cứ tiếp tục diễn ra, Xiaomi có thể sẽ thua lỗ vì không đáp ứng những điểm cải tiến đột phá cho người dùng cũ, càng không đủ sức cuốn hút cho khách hàng mới.
Thời gian gần đây, chỉ tính riêng về mảng thiết bị di động, Xiaomi đã cho ra mắt vài dòng điện thoại cao cấp mang tên Mi 5s/Mi 5s Plus, Mi Note 2 đang được giới công nghệ rất quan tâm. Điều đáng chú ý, Mi Mix được xem như mẫu điện thoại không viền màn hình (viền màn hình siểu mỏng) cùng với thân máy được làm bằng chất liệu gốm và trang bị vi xử lý Snapdragon 821 mạnh mẽ. Cả Mi 5s Plus, Note 2 và Mix đang được cho sẽ cuốn hút người dùng, hứa hẹn sẽ gầy dựng lại phần nào doanh thu cho hãng Xiaomi.
Điện thoại 'không' viền màn hình của Xiaomi đang gây chú ý mạnh đến tín đồ công nghệ - Ảnh: Internet
Bởi lẽ, doanh số cao hay thấp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, không đơn giản chỉ là giá rẻ, gồm cả cách tiếp cận người dùng mới thông qua chiến lược bán hàng tốt. Xiaomi cần phải thay đổi tư duy, học chính đồng hương Huawei, Vio và Oppo nếu muốn phát triển tốt và doanh số cao trong tương lai.
Nhìn chung, câu chuyện về Xiaomi cũng là bài học quý giá cho các doanh nhân muốn khởi nghiệp. Nhìn nhận khách quan, một sản phẩm tốt có mức giá rẻ là điểm hấp dẫn nhất cho người dùng lao động phổ thông. Tuy nhiên, các nhà sản xuất cũng cần chú trọng vào các kênh bán lẻ truyền thống, thay vì mải mê theo đuổi duy nhất kiểu bán hàng “online”. Đặc biệt hơn nữa, các nhà sản xuất cũng cần có thế mạnh, điểm nhấn tạo nên thương hiệu riêng thông qua việc cho ra mắt những sản phẩm cao cấp để tiếp cận cả những vị khách hàng giàu có, điều này đang được Apple áp dụng rất thành công.
Theo TechZ