Để sử dụng chức năng này, người dùng vào phần Cài đặt tài khoản (Settings), chọn mục Bảo mật (Security) và chọn Địa điểm bạn đã đăng nhập (Where You're Logged In).
Lúc này, người dùng sẽ thấy tất cả các thiết bị được sử dụng và vị trí của chúng khi đăng nhập. Nếu phát hiện thiết bị lạ, có hoạt động đáng ngờ, người dùng có thể chọn Kết thúc hoạt động (End Activity) để kết thúc từ xa phiên đăng nhập đó.
Người dùng có thể kiểm tra tất cả các thiết bị và vị trí khi đăng nhập vào tài khoản Facebook.
Nếu phát hiện tài khoản có dấu hiệu bị hack, sau khi chặn hoạt động của thiết bị lạ, người dùng cần đổi ngay mật khẩu mới. Tiếp đến, chủ tài khoản hãy truy cập vào trang trợ giúp của Facebook, chọn mục 'Tôi cho rằng tài khoản của mình đã bị hack hoặc ai đó đang sử dụng trái phép tài khoản của tôi' (I think my account was hacked or someone is using it without my permission), chọn Bảo vệ tài khoản (secure it) và tiếp tục làm theo những hướng dẫn của Facebook để lấy lại tài khoản của mình.
Dù hiện nay, Facebook đưa ra rất nhiều công cụ giúp tăng cường bảo mật cho tài khoản người dùng, nhưng theo một chuyên gia an ninh mạng tại TP.HCM, người dùng nên chủ động bảo vệ tài khoản của mình, bằng cách hạn chế tải phần mềm lậu và nhấp vào liên kết lạ để tránh rủi ro.
Mới đây, nhiều người dùng Facebook tại Việt Nam đã nhận được các tin nhắn với nội dung bao gồm đường link cùng hình ảnh đại diện của mình. Đây là những tin nhắn chứa mã độc đánh cắp tài khoản.
Những tin nhắn này được gửi trực tiếp từ bạn bè của nạn nhân, chỉ cần click vào đường link thì toàn bộ bạn bè trên Facebook đều nhận được tin nhắn tương tự.
Theo Zing