Biết bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam đã lớn lên cùng những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân, ông tiến sĩ giấy, đèn cù… vào mỗi mùa Trung thu. Đó là những miền kí ức đẹp đẽ không thể xóa nhòa, cũng không thể thay thế trong lòng mỗi người Việt.
Ngày nay, thế giới ngày một phát triển, trẻ em có nhiều lựa chọn để vui Trung thu từ những thú vui, món đồ chơi hiện đại, thậm chí còn tích hợp công nghệ cao rất bắt mắt và hấp dẫn. Nhưng nhìn lại những ngày xa xưa, có những món quà tuy đơn sơ, rẻ tiền nhưng chứa đựng cả một bầu trời tuổi thơ…
“Huyền thoại” của mùa Trung thu chỉ có thể là chiếc đèn ông sao. Qua biết bao năm tháng, thăng trầm, thay đổi của cuộc sống và thời đại, chiếc đèn ông sao vẫn sáng lấp lánh vào mỗi dịp Trung thu, trên đôi tay nhỏ nhắn của trẻ em, cùng chung vui niềm vui trong trẻo của con trẻ. (Ảnh: Internet)
Nhắc đến Trung thu Hà Nội thời xưa, không thể quên những chiếc tàu thủy làm bằng sắt tây, sơn xanh xanh đỏ đỏ cho “em nhỏ nó mừng”. Không chỉ để trưng bày hay cầm chơi mà chiếc tàu này còn phát ra tiếng “bạch bạch” hệt như tàu thủy thật, làm trí tưởng tượng của trẻ em càng được thể bay xa hơn. (Ảnh: Internet)
Cho đến nay, nếu đến thăm những xóm lao động nhỏ, bạn vẫn có thể bắt gặp những chiếc đèn lồng ống bơ kêu “lóc ca lóc cóc”… (Ảnh: Internet)
… hay chiếc lồng đèn từ vỏ lon bia tỏa ra thứ ánh sáng ảo diệu như thế này. Hóa ra, đây là những sản phẩm “cha truyền con nối”, tồn tại cùng thời gian, cùng biết bao kiếp người. (Ảnh: Internet)
Chiếc lồng đèn kéo quân xoay tròn nhờ hơi nóng tỏa ra từ đèn cầy, và rồi “quân” cứ thế chạy vòng vòng, làm tuổi thơ của biết bao cô cậu nhỏ trở nên đáng nhớ biết bao. (Ảnh: Internet)
Pháo hạt bưởi khô là một món đồ chơi thú vị do trẻ em Việt xưa tự chế ra. Hạt bưởi phơi khô, xỏ thành một dây dài như pháo hoa Tàu, đến đêm hội trăng rằm thì chỉ cần mồi lửa đốt. Những tiếng nổ lép bép vui tai cùng hương bưởi thoang thoảng làm cho tết Trung thu càng thêm sôi động. (Ảnh: Internet)
Quả thị cũng là một nhân tố không thể vắng mặt trong mâm cỗ Trung thu của người Việt mặc dù nó không ăn được. Tuy nhiên, hương thơm dễ chịu trứ danh của thị lại khiến các bé gái thích mê, thậm chí còn tỉ mẩn đan giỏ để mang thị của mình đi chơi khắp xóm. (Ảnh: Internet)
Nếu các cô bé đã có quả thị bầu bạn thì các cậu bé lại có ông tiến sĩ giấy. Theo tập tục xưa, bày ông tiến sĩ giấy lên bàn học của các cậu bé vào dịp Tết Trung thu sẽ là lời nhắn nhủ của cha ông về tinh thần hiếu học, khuyến khích sự học, thành đạt. (Ảnh: Internet)
Đèn cù là loại đèn quay tít khi đẩy trên mặt đất nhờ một bánh xe được gắn dưới đế đèn. Cứ thế, vào đêm trăng rằm, khắp làng khắp xóm chợt lung linh nhờ ánh nến phát ra từ chiếc đèn cù xoay tít dưới đất. (Ảnh: Internet)
Làm sao quên được những màn “hóa thân” thành nhân vật bước ra từ bộ truyện, bộ phim mình yêu thích khi còn thơ ấu với những chiếc mặt nạ giấy bồi đủ màu sắc? (Ảnh: Internet)
Xem thêm: Những Kỉ Niệm Tuổi Thơ Gắn Liền Với Trung Thu
Nguồn : Gamesao