Ryzen Mobile hiện tại chỉ mới có 2 phiên bản là Ryze 5 2500U và Ryzen 7 2700U nhưng coi bộ AMD đang tập trung tối đa về hiệu năng để có thể một bước bắt kịp các phiên bản dòng U của Intel Core i.
Đầu tiên AMD cho biết Ryzen Mobile đã đạt được tất cả các mục tiêu đề ra. So với các APU thế hệ 7 (Bristol Ridge) thì Ryzen Mobile thuộc thế hệ 8 (Raven Ridge) đạt hiệu năng xử lý của CPU cao hơn 200% và hiệu năng đồ họa cao hơn 128% trong khi tiêu thụ ít hơn 58% điện năng. Mức chênh lệch này được AMD xác định bằng điểm số CINEBENCH R15 với chế độ đa luồng, Ryzen 7 2700U đạt 719 điểm trong khi phiên bản được so sánh là FX-9800P chỉ đạt 240 điểm. Lấy 720 chia 240 được 3 lần, tức tăng 200%.
Hiệu năng xử lý GPU cũng cao hơn, Vega 10 (GCN thế hệ 5) trên Ryzen 7 2700U mạnh hơn 128% so với GCN thế hệ 3 trên FX-9800P. AMD lấy kết quả từ 3DMark Time Spy, GPU Vega 10 trên Ryzen 7 2700U với kiến trúc Vega GCN thế hệ 5 cùng xung nhịp tối đa đạt 1300 MHz cho kết quả 915 điểm, trong khi đó GCN 3.0 trên FX-9800P với xung nhịp tối đa 758 MHz chỉ đạt 400 điểm. Tiếp tục lấy 915 chia cho 400 được 2,29 lần hay tăng 129%.
Về điện năng tiêu thụ, AMD nhấn mạnh rằng Ryzen Mobile sẽ tiêu thụ ít hơn 58% tổng điện năng so với thế hệ APU trước. Dựa trên quá trình chạy thử bài test CINEBENCH R15 đa luồng, điện năng tiêu thục của Ryzen 7 2700U đo được là 1594 J (Joules) trong khi FX-9800P ăn đến 3782 J, như vậy 1594 chia cho 3782 được 42%, lấy 100% - 42% = 58.0%.
Như vậy những con số so sánh của AMD giữa Ryzen 7 2700U đại diện cho Ryzen Mobile thế hệ mới và FX-9800P thuộc thế hệ 7 rất cụ thể nhưng vẫn cần phải kiểm chứng thực tế. Cần lưu ý đây là những con số tham khảo do AMD thực hiện, kết quả trên sản phẩm tiêu dùng thực tế sẽ khác.
Ngoài hiệu năng chênh lệch dựa trên 2 công cụ benchmark phổ biến là CINEBENCH R15 và 3DMark Time Spy thì AMD cũng so sánh bằng các ứng dụng thực tế như tốc độ mở trình duyệt Chromium, LibreOffice Writer, trình chỉnh sửa ảnh GIMP và trình duyệt Firefox. Về tổng thể, AMD cho biết người dùng sẽ cảm nhận được tốc độ khởi chạy các ứng dụng này nhanh hơn từ 20 đến 40%.
Đối với hiệu năng toàn hệ thống, AMD so sánh kết quả giữa các phần mềm benchmark như POV-Ray, PCMark 10, TrueCrypt và Passmark. Ngoại trừ Passmark thì đối với các bài test còn lại, cả 2 phiên bản APU mới đều vượt các vi xử lý Kaby Lake-R 4 nhân của Intel, điển hình như Core i7-8550U trên Acer Spin 5 cũng như cao hơn rất nhiều so với FX-9800P thuộc thế hệ Bristol Ridge. Có một điều đáng chú ý là PCMark 10 - một bài test cần hiệu năng xử lý thô của CPU lẫn OpenCL thì Ryzen Mobile với nhân đồ họa Vega lại không đạt được điểm số cao như kỳ vọng.
Hiệu năng chơi game là thứ được kỳ vọng nhiều nhất trên Ryzen Mobile bởi như dòng Carrizo hay Bristol Ridge trước đây, hiệu năng xử lý đồ họa game của 2 dòng APU này rất lẹt đẹt. Lần này với nhân đồ họa tích hợp Vega, những tựa game eSport sẽ có thể chơi được ở khung hình cao mà không cần đến vi xử lý đồ họa rời.
AMD thử nghiệm với các tựa game phổ biến như LoL, Dota 2, Overwatch, CS:GO và Quake Champions trên chiếc HP Envy x360 chạy Ryzen 7 2700U cùng nhân đồ họa Vega 10 và bộ nhớ RAM kênh đôi. LoL với thiết lập Medium, phân giải FHD đạt khung hình trung bình gần 60 fps, Dota 2 với thiết lập Fastest+, FHD và CS:O với thiết lập Medium không bật khử răng cưa MSAA và FHD đều cho khung hình gần 50 fps. Tuy nhiên với 2 tựa game còn lại thì AMD thử nghiệm ở độ phân giải HD (1280 x 720 px), Overwatch đạt trên 60 fps ở độ phân giải này với thiết lập Low trong khi Quake Champions có thể chơi ở thiết lập High với khung hình 43 fps.
Như vậy có thể thấy những con số này không mấy ấn tượng và cần lưu ý đây là khung hình trung bình và trong tình huống combat với nhiều người, nhiều hiệu ứng hay những cảnh game có nhiều chi tiết đồ họa thì khung hình chắc chắn sẽ giảm. Vega 10 - phiên bản mạnh nhất tính đến thời điểm hiện tại trên Ryzen Mobile có vẻ như vẫn chưa đủ sức để thay thế GPU rời.
Mặc dù vậy AMD cũng không quên quảng cáo các tính năng độc quyền của mình như Vega 10 và Vega 8 trên Ryzen 7 2700U và Ryzen 5 2500U sẽ hỗ trợ FreeSync 2 - tính năng đồng bộ khung hình và sẽ phát huy hiệu quả ở dải tần số quét từ 30 đến 60 Hz. Hiển nhiên với sức mạnh đồ họa không quá cao, chỉ có thể đáp ứng khung hình tối đa 60 fps ở độ phân giải FHD đối với một số tựa game cùng thiết lập cấu hình trung bình thì việc hỗ trợ FreeSync 2 cũng có thể xem là giải pháp để tăng độ mượt khi chơi. Thêm vào đó, việc hỗ trợ FreeSync sẽ cho phép các OEM trang bị màn hình FreeSync cho laptop mà không mất thêm chi phí như G-Sync của Nvidia nhằm mang lại trải nghiệm sử dụng tốt hơn. Chiến lược của AMD nói đến đây rất rõ ràng rồi, Vega hỗ trợ FreeSync, laptop chơi game hay giải trí dùng màn hình FreeSync, dù khung hình có thấp nhưng vẫn đồng bộ được, chống xé và giật hình tốt thì trải nghiệm ở khung hình thấp cũng tốt hơn so với không đồng bộ. Người dùng có lý do để mua vì FreeSync không khiến chiếc laptop đắt hơn bởi đây là giải pháp miễn phí của AMD và khai thác bằng phần mềm, cụ thể là driver thay vì phần cứng như G-Sync.
Trong bài tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về các công nghệ SenseMI trên Ryzen Mobile nhé