Micro LED là một công nghệ màn hình mới, với quy tắc hoạt động tương tự như OLED nhưng thay vì sử dụng đi-ốt hữu cơ thì chuyển sang đi-ốt vô cơ. Điều này hứa hẹn sẽ giúp giảm chi phí cũng như tăng tuổi thọ của màn hình, trong khi vẫn giữ được chất lượng như OLED. Dĩ nhiên, đó là trên lý thuyết. Thực tế thì công nghệ Micro LED hiện nay vẫn chỉ giới hạn trong những sản phẩm chuyên dụng đắt tiền. Chẳng hạn như Cledis (hay còn được biết đến với cái tên Crystal LED trước đây) của Sony được giới thiệu tại CES 2017 dưới dạng một màn hình khổng lồ.
Cũng giống OLED trước đây khởi đầu từ những màn hình chuyên dụng dành cho dựng phim hay y tế, Micro LED đang được rất nhiều hãng chạy đua để tích hợp nó vào TV. Samsung, Apple, Sony là những cái tên nổi bật nhất trong cuộc đua này; tuy nhiên đến nay vẫn chưa có bất kỳ sản phẩm chính thức nào được công bố. Riêng Samsung từng được cho là sẽ giới thiệu TV Micro LED trong năm nay, nhưng đáng tiếc là các dòng TV QLED của họ bản chất vẫn lả LCD.
Việc Micro LED có nhiều ưu điểm trên lý thuyết không đồng nghĩa với việc nó sẽ thành công khi thương mại hóa, đặc biệt là trong bối cảnh các sản phẩm điện tử tiêu dùng cạnh tranh rất khốc liệt về mọi phương diện. Nếu như các nhà sản xuất đầu tư quá nhiều vào OLED và được sự đón nhận của thị trường thì Micro LED dù tốt hơn cũng sẽ không thể nhảy vào.
Điều này cũng tương tự như sự cạnh tranh giữa Plasma và LCD ngày trước. Thời điểm mới xuất hiện, TV Plasma được đánh giá cao hơn rất nhiều so với TV LCD. Tuy nhiên ứng dụng của nó lại chỉ giới hạn ở TV, trong khi LCD có thể tích hợp vào nhiều sản phẩm khác như điện thoại, laptop hay màn hình máy tính. Thời điểm từ năm 2000 đến 2013 chứng kiến sự bùng nổ của công nghệ LCD với sự đầu tư mạnh mẽ của nhiều hãng. Kết quả là TV LCD dần bắt kịp chất lượng hình ảnh và những ưu điểm như tiết kiệm điện, nhiều lựa chọn kích thước,.. đã dẫn đến việc TV Plasma bị khai tử.
Micro LED có lợi thế là nó có thể xem như một phiên bản vô cơ của OLED nên có thể áp dụng ở hầu hết các thiết bị. Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ nó phải được hoàn thiện trước khi OLED chiếm lĩnh toàn bộ thị trường. Cơ hội lớn nhất của Micro LED nằm ở thị trường TV khi LCD vẫn thống trị với 95% thị phần. TV OLED hiện đã khẳng định được chất lượng nhưng thị phần còn rất nhỏ cũng như giá thành khá cao. Theo ước lượng của Mirko Mesa, công nghệ mới cho phép mức đầu tư vào một hệ thống nhà máy sản xuất tấm nền TV Micro LED 55 inch chỉ vào khoảng 70% so với LCD và 50% so với OLED. Chính vì vậy mà Mirko Mesa dự định sẽ bắt đầu sản xuất tấm nền Micro LED ngay trong 2018.
Liệu Micro LED có trở thành đối trọng với OLED hay không thì chúng ta phải chờ xem liệu trong 500 ngày tới, công ty nào sẽ thành công trong việc thương mại hóa nó.
Theo DigiTimes