Theo đó, Ngân hàng Trung ương Philippines (Bangko Sentral ng Pilipinas - BSP) gần đây tái khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy số hóa các sản phẩm và dịch vụ tài chính trong nước ngay cả sau khi các hạn chế do đại dịch được dỡ bỏ.
Năm ngoái, BSP đã phát hành Lộ trình chuyển đổi thanh toán kỹ thuật số (Digital Payments Transformation Roadmap - DPTR) cho giai đoạn 2020 - 2023. Theo DPTR, BSP nhằm mục đích tăng sự ưa thích của khách hàng đối với hình thức thanh toán điện tử bằng cách chuyển đổi 50% tổng số thanh toán bán lẻ sang hình thức kỹ thuật số và tăng số người trưởng thành Philippines có tài chính lên 70% bằng cách đưa họ vào hệ thống tài chính chính thức thông qua tài khoản thanh toán hoặc tài khoản giao dịch.
Theo OpenGov Asia, các ứng dụng và công nghệ fintech đang không ngừng phát triển tại Philippines giúp nhiều người Philippines thực hiện các giao dịch tài chính mà không cần tài khoản ngân hàng. Các sản phẩm fintech như ví điện tử cho phép người dùng chuyển tiền và xây dựng tín dụng điện tử, giúp họ dễ dàng vay vốn hơn trong tương lai.
Hơn nữa, khuôn khổ đề xuất cho ngân hàng mở của BSP nhằm mục đích mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) bằng cách khuyến khích tài chính bao trùm và làm cho việc triển khai các dịch vụ tài chính sáng tạo nhanh hơn, dễ dàng hơn.
Với cơ sở hạ tầng phù hợp, các ngân hàng và công ty fintech có thể tạo ra các giải pháp hiệu quả về chi phí, cá nhân hóa và liền mạch hơn cho các MSME, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối, chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ thanh toán.
Tất cả các sáng kiến này đều cố gắng hỗ trợ các chương trình chuyển đổi số của các tổ chức tài chính do BSP giám sát, bao gồm các công ty fintech, đồng thời thúc đẩy ứng dụng các công nghệ hợp lý và quản lý hoạt động rủi ro trên không gian mạng.
Đầu năm nay, Ngân hàng Trung ương Philippines và các cơ quan quản lý tài chính khác của quốc gia này đã đồng ý phát triển một kế hoạch theo dõi và giám sát thống nhất cho ngành công nghiệp fintech địa phương để không kìm hãm những ý tưởng đổi mới và sáng tạo của các công ty trong lĩnh vực. Cuối cùng, một biên bản ghi nhớ về việc thiết lập một khuôn khổ giám sát hợp tác về đổi mới fintech đã được ký kết dưới sự bảo trợ của Diễn đàn Khu vực Tài chính đa ngành (the multiagency Financial Sector Forum).
Trong thời kỳ đại dịch, việc sử dụng thanh toán số đã làm giảm nhu cầu di chuyển và giúp tránh các rủi ro sức khỏe liên quan đến các giao dịch tài chính trực tiếp. BSP cho biết trong 7 tháng đầu năm 2021, giá trị của các giao dịch được thực hiện thông qua các ví điện tử địa phương đã tăng hơn 180% và hình thức giao dịch khác tăng hơn 80%. Hiện nay, cả hai ví điện tử hàng đầu của Philippines đều là các công ty thanh toán tự động thuộc Hệ thống Thanh toán bán lẻ quốc gia.
Theo OpenGov Asia, với tốc độ số hóa ngày càng tăng ở Philippines, các doanh nghiệp TMĐT phải tận dụng sự thay đổi trong thái độ và thói quen của người tiêu dùng bằng cách cung cấp nhiều tùy chọn thanh toán cùng với các ưu đãi hấp dẫn để thu hút sự chú ý của nhiều người dùng. Cung cấp nhiều phương thức thanh toán, bao gồm cả tiền mặt và cộng tác với các đối tác địa phương, có thể đẩy mạnh lộ trình đưa Philippines trở thành một lãnh thổ TMĐT, mở ra nhiều cơ hội hơn ở phần còn lại của Đông Nam Á./.