Chuyển đổi số trong sự lan tỏa của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 không còn là lựa chọn mà là xu thế tất yếu để doanh nghiệp có thể đứng vững trên thị trường. Cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển đổi số lớn, tuy nhiên còn nhiều thách thức phải vượt qua.
Covid-19 là động lực thúc đẩy chuyển đổi số
Chia sẻ tại diễn đàn Tài chính số 2021, ông Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH khóa XV nói: 'Covid-19 là kẻ thù của nhân loại nhưng cũng là đồng minh cho sự thay đổi số hóa. Đây là sự thay đổi thông minh, Covid-19 đã thúc đẩy chuyển đổi số'.
GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ĐBQH khóa XV cũng cho rằng: Hiện, sức ép của dịch Covid-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các ngành nhanh hơn. Các ngành buộc phải thay đổi để thích ứng bởi những phương thức giao dịch trực tiếp, hoạt động trực tiếp như trước đây đều không thực hiện được do giãn cách.
Ông đưa ra một số ví dụ, ngành giáo dục đã chuyển sang học trực tuyến với các phần mềm hiện đại giúp tương tác đào tạo không thua kém giáo dục trực tiếp.
Theo các chuyên gia, cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển đổi số lớn, tuy nhiên còn nhiều thách thức phải vượt qua.
Ở lĩnh vực tiền tệ, người dân dần chuyển sang dùng giao dịch trên điện thoại, ví điện tử để trả tiền bởi giao dịch tiền mặt vốn là thói quen của nhiều người trước đây có khả năng lây nhiễm dịch.
Những thay đổi này cũng mang lại hiệu quả nhất định về chi phí. Việc đi công tác nước ngoài để đàm phán, ký kết hợp đồng tốn kém cho doanh nghiệp. Sau hai năm có dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vẫn đàm phán bằng hình thức trực tuyến, giảm bớt chi phí đi lại.
Đồng tình với ý kiến của ông Cường, ông Ngô Diên Hy - Phó Tổng giám đốc tập đoàn VNPT cho biết: 'Trước cuộc cách mạng số, tập đoàn VNPT cũng chuyển dịch từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sang cung cấp dịch vụ số. VNPT đã xây dựng được hệ sinh thái đầy đủ ở các lĩnh vực: Giáo dục số, y tế số quản trị doanh nghiệp, tài nguyên môi trường'.
Dịch Covid-19, bên cạnh những thiệt hại còn là động lực để tiến nhanh trên quá trình chuyển đổi số. Ông nhận định học trực tuyến sẽ bình thường hóa tại Việt Nam và trở thành thói quen để tạo lớp học ảo với công nghệ tiên tiến.
'Nền tảng học và thi trực tuyến của VNPT đã được triển khai cách đây 5 năm nhưng đến khi dịch Covid-19 xảy ra, nền tảng này mới phát triển mạnh và mỗi ngày có hàng triệu học sinh sử dụng', ông nói.
Ông cũng cho biết đây là lúc các cơ quan nhà nước cần có chính sách để đẩy mạnh chuyển đổi số. Tại Singapore, hạ tầng định danh số là một trong những hạ tầng quan trọng trong nền kinh tế số. Các doanh nghiệp Việt Nam đã được cấp chứng chỉ số nhưng còn khoảng 70-80 triệu người dân chưa có chứng chỉ số.
'Trong giai đoạn này, doanh nghiệp nào có thể đưa được khách hàng lên môi trường online nhiều nhất sẽ ít thiệt hại nhất. Từ đó sẽ trở thành doanh nghiệp thông minh, minh bạch với các chỉ số đo lường được cụ thể hóa', Phó Tổng giám đốc VNPT cho hay.
Giải pháp thúc đẩy kinh tế số
GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng: 'Hiện, chưa có công cụ về pháp lý hoàn chỉnh. Cần phải xây dựng tính pháp lý của chuyển đổi số. Tính pháp lý giúp các doanh nghiệp có được sự an toàn và bảo mật, từ đó bảo vệ quyền lợi và tài sản của họ'.
Đồng thời, ông đưa ra các giải pháp thúc đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam thời gian tới.
Các cơ quan Nhà nước, dịch vụ công về quản lý phải đi đầu để tạo nền tảng và tiền đề trong chuyển đổi số quốc gia. Chỉ khi nào tất cả hoạt động quản lý, dịch vụ của Nhà nước đi trước mới lôi kéo được doanh nghiệp, người dân đi theo.
Sau khi có được nền tảng phải tăng cường, ứng dụng bằng chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp sử dụng.
Đặc biệt, không phải người dân nào cũng có phương tiện điều kiện để tiếp cận. Từ đó, cần có phương thức hỗ trợ người người dân khó khăn hoặc ở vùng sâu vùng xa.
Bên cạnh đó, cần chuẩn bị nguồn lực, ngân sách đầu tư công nghệ, đặc biệt là đầu tư con người và hạn chế trong việc đồng bộ hành lang pháp lý và đồng bộ số hóa.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, chuyển đổi số không hề dễ, nhất là đối với những vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, chỗ khó khăn là những điểm chúng ta cần kích hoạt để thúc đẩy kinh tế số. Cần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chuyển đổi sổ bằng việc tập huấn, hướng dẫn người dân trên nền tảng số vốn có. Đề nghị chính quyền địa phương có chương trình thúc đẩy kinh tế số trên địa bàn của mình.
Với kinh nghiệm hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể hỗ trợ cho những vùng khó khăn tiếp cận kinh tế số, thương mại điện tử bằng bước đi thích hợp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ông Lộc cũng chia sẻ: 'Mục tiêu chúng ta đang phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử và kinh tế số. Nhìn vào bức tranh kinh tế mà cộng đồng doanh nghiệp đang chuyển đổi số, tôi tin chúng ta sẽ đạt được điều này'.
Nguồn: www.nguoiduatin.vn