Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” vừa được phê duyệt với mục tiêu xây dựng mô hình đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp để có kiến thức, kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0); gắn kết, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân lực; góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư FDI mới dịch chuyển vào Việt Nam.
Chương trình hướng tới đào tạo các ngành nghề mới và các kỹ năng nghề mới cho ít nhất 20 ngành, nghề ở trình độ cao đẳng và trung cấp, ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0. Số lượng người học được đào tạo ít nhất ở mỗi ngành, nghề/trình độ là 120 người. Tổng số người học tham gia đào tạo thí điểm khoảng 4.800 người.
Hoan nghênh chương trình đào tạo thí điểm này, PGS.TS Mạc Văn Tiến, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp) cho biết, CMCN 4.0 khiến công nghệ thay đổi nhanh chóng, tác động trực tiếp đến người lao động. Nếu người lao động không cập nhật kỹ năng mới, kiến thức mới về công nghệ chắc chắn bị loại khỏi dây chuyền sản xuất, hệ quả là hoặc họ thất nghiệp hoặc phải chuyển sang làm việc khác.
Chính vì thế, yêu cầu đào tạo và đào tạo lại người lao động để họ có thể thích ứng được sự thay đổi về công nghệ là rất cần thiết.
Tuy nhiên, làm sao để biết công nghệ thay đổi ra sao để đào tạo thích ứng được? Trả lời câu hỏi này, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nghề nghiệp cho biết có hai vấn đề cần dự báo.
CMCN 4.0 khiến công nghệ thay đổi nhanh chóng, do đó bắt buộc phải đào tạo và đào tạo lại người lao động để thích ứng. Ảnh minh họa
Trước hết, là dự báo sự thay đổi công nghệ trong những năm tới. PGS.TS Mạc Văn Tiến cũng thừa nhận đây là bài toán khó bởi công nghệ thay đổi rất nhanh, nhiều vấn đề chưa biết được, do đó việc thí điểm chương trình đào tạo là bước đi khôn ngoan.
'Việc làm bài bản, căn cơ nhất là phải dự báo được nhanh chóng và dự báo cũng phải thích ứng với sự thay đổi. Việc này khác với kiểu dự báo truyền thống, vì không thích ứng được nên dự báo xong thì nó lập tức trở nên cũ kỹ, lỗi thời.
Muốn tránh được điều này thì dự báo phải có cách tiếp cận mới, ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng mô hình dự báo theo kiểu 4.0, từ đó mới nắm bắt được xu hướng thay đổi công nghệ trong thời gian tới, trong lĩnh vực nào, ngành nghề nào', PGS.TS Mạc Văn Tiến chỉ rõ.
Thứ hai là dự báo nhu cầu kỹ năng của người lao động trong tương lai ra sao để thích ứng với sự thay đổi công nghệ. Đây cũng là vấn đề phức tạp, phải biết được kỹ năng của người lao động hiện tại như thế nào? Nếu đổi sang công nghệ mới thì đòi hỏi những kỹ năng gì để tìm cách bù đắp, nếu thiếu hụt thì bổ sung, hoặc kỹ năng nào không dùng đến nữa thì bỏ đi.
Vị chuyên gia lưu ý, không nên đào tạo thứ người lao động đã biết hoặc đã có nền tảng để tránh lãng phí hoặc tránh tình trạng đào tạo xong thì công nghệ lại tiếp tục thay đổi, kỹ năng được đào tạo lại trở nên cũ, từ đó phải liên tục chạy theo.
Từ hai vấn đề quan trọng cần dự báo nêu trên, theo PGS.TS Mạc Văn Tiến, phải xây dựng chương trình đào tạo phù hợp để có được kỹ năng như mong muốn. Thực tế là người lao động đang đi làm, vậy tổ chức đào tạo như thế nào? Yêu cầu phải gắn kết với doanh nghiệp được đặt ra từ đây, có thể đào tạo tại doanh nghiệp hoặc đào tạo tại nhà trường song phải có sự gắn kết với nhau.
'Doanh nghiệp chính là cánh tay nối dài để biết được nhu cầu kỹ năng của người lao động trước sự thay đổi công nghệ. Đây là sự gắn kết để hai bên cùng có lợi', ông khẳng định.
Yêu cầu đặc biệt quan trọng được vị chuyên gia nhấn mạnh đó là tổ chức đào tạo phải mang tính cá nhân hóa. Theo đó, trong một lớp đào tạo, người lao động không phải thiếu hụt kỹ năng giống nhau vì kỹ năng ban đầu của họ không giống nhau. Do đó, phải cá thể hóa đào tạo để ai cũng có thể bù đắp được kỹ năng đó, thích ứng được với sự thay đổi công nghệ. Muốn vậy, tổ chức đào tạo phải linh hoạt và sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp phải chặt chẽ.
'Nếu cứ cứng nhắc đào tạo trung cấp 2 năm, cao đẳng 3 năm, khi người lao động ra trường thì công nghệ lại thay đổi và như vậy cứ phải chạy theo mãi. Cho nên, phải tổ chức đào tạo theo hướng cá thể hóa là vì vậy'.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nghề nghiệp dẫn câu chuyện đào tạo của các tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam như Samsung, Intel... làm ví dụ. Các tập đoàn này xây dựng nhiều nhà máy sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam, tuy nhiên, tại hầu hết các diễn đàn doanh nghiệp, các cuộc đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư nước ngoài luôn bày tỏ quan ngại về tình trạng thiếu nguồn nhân lực được đào tạo tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.
Chẳng hạn, khi Intel mới vào Việt Nam, họ muốn tuyển hàng nghìn kỹ sư, nhưng cuối cùng, qua phỏng vấn số lượng đáp ứng được yêu cầu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cách mà các tập đoàn này giải bài toán nhân lực là tự mình đào tạo nguồn nhân lực cho mình. Họ liên kết với các trường đại học, cao đẳng, đồng thời thực hiện các chương trình đào tạo nội bộ để có được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hay như Samsung, tại các địa phương họ đặt nhà máy, doanh nghiệp này liên kết với các trường đại học, cao đẳng để tổ chức các chương trình đào tạo cao đẳng nội bộ giúp nhân viên có cơ hội được tham gia các khóa đào tạo vừa học vừa làm và nhận bằng cao đẳng chính quy./.
Nguồn: datviet