Nhu cầu về lao động có kỹ năng số đang tăng lên
Nhu cầu về lực lượng lao động CNTT có kỹ năng không phải là điều gì mới mẻ và đã được các nhà phân tích, nhà nghiên cứu và chuyên gia đưa ra những cảnh báo trong nhiều năm khi các quốc gia hướng tới phát triển nền kinh tế số.
Đại dịch đã làm xuất hiện những thách thức đối với các DN dựa vào công nghệ, làm trầm trọng thêm vấn đề khan hiếm về nguồn nhân lực CNTT và nhân tài hiểu biết về kỹ thuật số, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh mạng, yếu tố quan trọng để bảo vệ lực lượng lao động làm việc từ xa.
McKinsey cho biết hơn 90% giám đốc điều hành trên toàn thế giới đang đối mặt với khoảng cách về kỹ năng số trong đội ngũ lao động của họ.
Theo Randstad Malaysia, nhu cầu về người lao động có kỹ năng số đang tăng lên, ngay cả trong các chức năng 'truyền thống' như kế toán - tài chính, nhân sự, bán hàng - tiếp thị... Hơn nữa, công nghệ tương lai đang phát triển như máy tính lượng tử cũng sẽ cần lực lượng lao động giỏi trong lĩnh vực này.
Đặc biệt, trong bối cảnh các ngành như thương mại điện tử, fintech, logistics và chuỗi cung ứng, sản xuất, R&D (nghiên cứu và phát triển), MedTech (công nghệ y tế) và công nghệ sinh học phát triển mạnh mẽ. Cơ quan tuyển dụng toàn cầu ước tính rằng những ngành này nói riêng sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc vào năm 2021.
Các chính phủ giải quyết khoảng cách kỹ năng số như thế nào?
Singapore, được coi là một cường quốc công nghệ mới nổi của khu vực Đông Nam Á, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân tài công nghệ nghiêm trọng trên tất cả các ngành dọc. Bên cạnh việc thúc đẩy nâng cao kỹ năng của người dân thông qua sáng kiến SkillsFuture, một cách khác mà chính phủ Singapore đã thực hiện để giải quyết vấn đề tồn tại lâu nay là làm cho quốc đảo này trở nên hấp dẫn hơn đối với lao động nước ngoài có kỹ năng.
Ravi Menon, Giám đốc điều hành của Cơ quan tiền tệ Singapore cho biết 'sự bùng nổ việc làm công nghệ trên tất cả các lĩnh vực ở Singapore và sự thiếu hụt lao động công nghệ có nghĩa là đất nước sẽ phải dựa vào người nước ngoài để lấp đầy khoảng trống'.
Tuy nhiên, động thái này đã không được đồng thuận bởi nhiều người vì họ cho rằng các FTA như CECA (Hiệp định Hợp tác Kinh tế toàn diện) sẽ cho phép người nước ngoài tiếp cận một cách tự do với việc làm ở đất nước gần 6 triệu dân này và người nước ngoài đến đó để 'đánh cắp công việc của họ'. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi có nhiều người dân của quốc gia này mang xu hướng bài ngoại đối với những người lao động nước ngoài.
Tại Australia, cứ 6 DN thì có 1 DN phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt kỹ năng. Khoảng 64.000 DN thiếu các chuyên gia tài chính lành nghề; 55.000 chuyên gia tiếp thị và 45.000 DN thiếu chuyên gia CNTT.
Giám đốc điều hành của Viện Kế toán công chứng Australia (IPA) - Andrew Conway, đã kêu gọi cả chính quyền tiểu bang và liên bang cải cách hệ thống giáo dục nhằm 'tăng nguồn lao động có kiến thức sẵn sàng để làm việc'.
IPA kêu gọi các chính quyền xem xét triển khai đào tạo DN và các môn học STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) ở tất cả các cấp của hệ thống giáo dục, cùng với các mức khuyến khích và hỗ trợ tài chính phù hợp.
IPA kêu gọi các cấp chính quyền Australia xem xét triển khai đào tạo các môn học STEM ở tất cả các cấp của hệ thống giáo dục. (Ảnh minh họa: govinsider.asia)
Trong bối cảnh nền kinh tế số ASEAN đang phát triển nhanh chóng, tại Malaysia, chính phủ nước này đã giải quyết vấn đề khoảng cách kỹ năng số cấp bách bằng cách tăng cường phát triển tài năng của công dân thông qua hợp tác với nhiều 'ông lớn' công nghệ.
Vào tháng 7, HRDF (Quỹ Phát triển Nguồn nhân lực) đã ra mắt cổng thông tin một cửa có tên là HPC (HRDF Placement Center) để kết nối các nhà tuyển dụng từ nhiều ngành và lĩnh vực với các ứng viên phù hợp.
Theo Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia (MCMC), HPC đặt mục tiêu lấp đầy các vị trí tuyển dụng ngay lập tức, đồng thời cung cấp các cơ hội đào tạo và phát triển. Ngoài ra, HPC cũng sẽ kết nối người lao động với một danh sách mở rộng các huấn luyện viên và giảng viên để được tư vấn nghề nghiệp.
Giải quyết tình trạng thiếu kỹ năng không chỉ là nỗ lực của chính phủ
Khu vực tư nhân, bao gồm cả những 'ông lớn' công nghệ nước ngoài, sẽ thấy rằng đây là cơ hội để vượt qua thách thức trong việc đào tạo và phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động.
Gần đây, hãng viễn thông Malaysia - Celcom Axiata đã ký một 'Biên bản ghi nhớ về lãnh đạo kỹ thuật số' với Huawei Technologies Malaysia. Sáng kiến Lãnh đạo kỹ thuật số sẽ khởi động một loạt các chương trình phát triển tài năng đầy tham vọng nhằm mục đích đào tạo các chuyên gia CNTT-TT từ trong lực lượng lao động hiện có của Celcom, trang bị cho họ các kỹ năng liên quan đến những phát triển công nghệ mới nhất.
Theo một công bố của Celcom, những kỹ năng công nghệ này bao gồm dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet of Things (IoT), công nghệ 5G và các 'công nghệ phổ biến' khác.
Sự hợp tác giữa các DN địa phương và những 'ông lớn' công nghệ có thể chia sẻ các phương pháp hay nhất và chuyển giao kiến thức từ các nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ mà không cần đợi hành động của chính phủ.
Nhìn chung, việc sử dụng nguồn lao động tài năng nước ngoài chỉ là một giải pháp ngắn hạn. Nâng cao kỹ năng hoặc đào tạo công dân bản địa với các kỹ năng kỹ thuật số vẫn nên là ưu tiên của hầu hết các quốc gia, bên cạnh các giải pháp như thu hút nhân tài nước ngoài. Bởi đơn giản, lực lượng lao động nước ngoài thường không có nhiều sự gắn bó lâu dài tại một công ty hay một đất nước cố định, họ có thể di chuyển đến bất cứ nơi nào có cơ hội tốt hơn trong tương lai./.
Theo Tech Wire Asia