'Sách cười và lãng quên' chuyên chú khám phá và nắm bắt những bí ẩn về bản chất con người trong sự biến đổi của tình huống. Cuốn sách gồm 7 câu chuyện được trình bày như bảy phần của một tổng thể: 'Những bức thư bị mất', 'Mẹ', 'Các thiên thần', 'Những bức thư bị mất', 'Lítost', 'Các thiên thần', 'Biên giới'... Tất cả xoay quanh các chủ đề về ký ức và tiếng cười, mở đầu cho cấu trúc tiểu thuyết bảy phần như một bản giao hưởng, đặc biệt có thể thấy ở tác phẩm nổi tiếng sau này của Kundera là 'Đời nhẹ khôn kham'.
Trong 7 phần này, các khía cạnh khác nhau trong sự tồn tại của con người được Milan Kundera sắp xếp, phóng đại, thu nhỏ, nhấn mạnh, kiểm tra, phân tích và trải nghiệm. Mỗi câu chuyện lại có những tình tiết và nhân vật riêng (chỉ duy nhất một nhân vật xuất hiện lặp lại ở hai câu chuyện khác nhau).
Song vẫn có thể thấy rõ tính thống nhất của tác phẩm qua các chủ đề (ký ức và sự lãng quên, tiếng cười và bi kịch, v.v.), qua bối cảnh từng câu chuyện và nhất là lối kể chuyện. Ở đó, Kundera đan xen các phần tự sự, các bình luận về những gì nhân vật làm và về cả các chủ đề ít nhiều liên quan đến câu chuyện. Thậm chí có cả những ký ức được trình bày như tự truyện.
Như hầu hết những tác phẩm khác mà ông viết trước đó hoặc sau này, 'Sách cười và lãng quên' chẳng thể đứng bên ngoài những biến động lịch sử. Chiếm phần trọng đại nhất trong mỗi tác phẩm của Kundera, luôn luôn, là cuộc truy tìm đến tận cùng bản ngã con người, nhưng bao giờ cuộc truy xét đó cũng chấm dứt trong nghịch lý.
Văn phong của Milan Kundera súc tích, giản dị nhưng lại sắc bén, đầy tính châm biếm. Ông chú trọng trong tiểu thuyết của mình nghệ thuật xây dựng tình thế nhằm làm nổi bật sự phi lý của đời sống cũng như những khoảng tăm tối trong thế giới nội tâm con người.
Về 'Sách cười và lãng quên', nhà văn Kundera đã viết: 'Toàn bộ sách này là một cuốn tiểu thuyết dưới hình thức những biến tấu. Những phần khác nhau của nó nối tiếp nhau như những chặng khác nhau của một cuộc hành trình dẫn vào bên trong một chủ đề, bên trong một tư tưởng, bên trong một tình huống duy nhất và độc nhất mà việc hiểu nó đối với tôi đã biến mất trong cõi xa xăm.
Đây là cuốn tiểu thuyết về Tamina và khi Tamina rời khỏi sân khấu. Nàng là nhân vật chính và thính giả chính, tất cả những câu chuyện khác là biến tấu của câu chuyện riêng của nàng và nhập vào nhau trong đời nàng như vào một tấm gương.
Đây là cuốn tiểu thuyết về cái cười và sự lãng quên, về sự lãng quên và về Praha, về Praha và về các thiên thần.'
Không chỉ riêng 'Sách cười và lãng quên', tất cả những cuốn sách của Kundera hầu hết đều không có phần giới thiệu ở bìa 4 như những quyển sách khác. Độc giả chỉ có thể xem qua tựa sách, lật giở trang đầu tiên, đọc câu chữ đầu tiên. Để rồi bị cuốn vào những vùng đất mới trong tiểu thuyết của ông, cái vùng đất thoạt đầu đầy tính hiện thực nhưng dần bỗng trở nên bí ẩn đến khó hiểu, như thể bước vào một bức họa trừu tượng của chân dung con người.
Tờ The New York Times nhận định: 'Sách cười và lãng quên được cho là một cuốn tiểu thuyết, mặc dù nó bao gồm một phần truyện thần tiên, một phần phê bình, một phần chính luận, một phần nhạc học, một phần tự truyện. Nó có thể được gọi là bất kỳ cái gì, bởi tổng thể cuốn sách đã là một thiên tài'.
Milan Kundera sinh năm 1929 trong một gia đình trí thức trung lưu tại Séc, định cư ở Pháp từ năm 1975 và nhập quốc tịch Pháp năm 1981. Ông lớn lên trong một môi trường mà văn hóa nghệ thuật có vị trí rất quan trọng. Bố ông là Ludvik Kundera, một nhà nghiên cứu âm nhạc và nghệ sĩ piano nổi tiếng ở Séc. Kundera được học piano từ khi còn bé. Âm nhạc để lại dấu ấn không nhỏ trong cuộc đời cũng như tác phẩm của ông.
Sớm nổi tiếng với các bài thơ và tiểu thuyết bằng tiếng Séc, ông chuyển hẳn sang sáng tác bằng tiếng Pháp từ năm 1995. Ngoài 10 cuốn tiểu thuyết và một tập truyện ngắn (9 trong đó đã được dịch ở Việt Nam), ông còn viết kịch, phê bình và tiểu luận, với bốn tập tiểu luận về văn học viết trực tiếp bằng tiếng Pháp đều đã dịch sang tiếng Việt.
Các tác phẩm của Kundera đã được xuất bản tại Việt Nam: Tiểu thuyết, tập truyện ngắn: Những mối tình nực cười (Cao Việt Dũng dịch); Vô tri (Cao Việt Dũng dịch); Lễ hội của vô nghĩa (Nguyên Ngọc dịch); Đời nhẹ khôn kham (Trịnh Y Thư dịch); Sự bất tử (Ngân Xuyên dịch); Chậm (Ngân Xuyên dịch); Căn cước (Ngân Xuyên dịch); Tiểu luận: Màn (Cao Việt Dũng dịch); Một cuộc gặp gỡ (Nguyên Ngọc dịch)./.