Một thập kỉ trước, Android chính thức trình làng. Thời điểm ấy Google chỉ nỗ lực hết sức để tạo ra một hệ điều hành di động ổn định nhằm bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với Apple/iOS, BlackBerry, Nokia/Symbian, Palm và Windows Mobile. Nhưng sự xuất sắc của Android khiến cho thị phần sử dụng nền tảng này tăng trưởng đều đặn. Đến đầu năm 2010, số thiết bị cài đặt Android đã vượt quá iOS.
Mười năm trôi qua, số liệu của Statista cho thấy hiện có tới 88% smartphone bán ra thị trường chạy hệ điều hành Android, và chỉ 12% là cài đặt iOS. Nhưng với số lượng người dùng hàng ngày khổng lồ như vậy, hướng đi tương lai của Android trong một thập kỉ tới là gì?
Android hiện có 2 tỉ thiết bị cài đặt trên toàn thế giới
Cạnh tranh về AI
Mười năm tới, mục tiêu của Google dành cho Android sẽ rất khác quãng đường họ đã đi vừa qua khi mà đối thủ cạnh tranh trong mảng AI không phải là những nhà sản xuất smartphone khác nữa, mà là Amazon với quân bài chiến lược Alexa của họ. Trong tương lai, trí tuệ nhân tạo sẽ phủ sóng khắp không gian sống của chúng ta, hỗ trợ từ việc điều khiển lò vi sóng, đồng hồ treo tường, bật/tắt TV…
Tuy nhiên, Android sẽ không bị tụt hậu trong cuộc chiến này bởi nền tảng di động của Google đã sớm được tích hợp một trợ lý ảo xuất sắc khác là Google Assistant. Hiện Google Assistant đang nhận được những phản hồi tích cực từ khách hàng và giới chuyên môn về cách triển khai AI để hỗ trợ chụp ảnh cũng như cách thức tương tác với người dùng trên các dòng điện thoại Android.
AI sẽ là trọng tâm phát triển của Android trong 10 năm tới
Nâng cao trải nghiệm nhắn tin
Một trong những điểm thua thiệt đáng kể của Android so với iOS nằm ở ứng dụng nhắn tin mặc định khi mà iMessage của Apple hoạt động linh hoạt cả trên điện thoại và máy tính Mac, đồng thời có thể tự động chuyển từ SMS truyền thống sang sử dụng mạng kết nối Wi-Fi để tiết kiệm chi phí cho người dùng. Đây là điều chưa từng thấy trên Android.
Để thay đổi tình trạng này, Google cần xây dựng một công cụ chat trên giao thức RCS (Rich Communications Services) thay thế cho tin nhắn SMS cũ. Nếu muốn cạnh tranh với iMessage, hãng cần triển khai ứng dụng nhắn tin đồng bộ trên cả máy tính để bàn, hỗ trợ tính năng trò chuyện nhóm và hình ảnh động. Sự thành công hay thất bại của công cụ nhắn tin mới phụ thuộc nhiều vào việc kết hợp với các nhà sản xuất phần cứng và những đơn vị cung cấp dịch vụ mạng như T-Mobile, Sprint, Samsung…
Tập trung vào Android One
Điểm mạnh và cũng là điểm yếu lớn nhất của hệ điều hành Android nằm ở tính mở của nền tảng này. Khi đến tay người dùng, Android đã phải trải qua quá trình tùy biến lại của từng nhà sản xuất điện thoại nhằm chỉnh sửa giao diện và cài đặt một số công cụ riêng ghi dấu ấn của đơn vị sản xuất, điều này khiến cho hệ điều hành của Google không còn giữ được tính đơn giản và trải nghiệm tối ưu như ban đầu. Android One ra đời để giải quyết bài toán này.
Dự án Android One mang tới cho khách hàng niềm tin rằng chiếc điện thoại Android mà họ mua được cài đặt phần mềm với tiêu chuẩn chung, bao gồm các bản cập nhật bảo mật thường xuyên và một giao diện thống nhất giữa các dòng điện thoại. Google sẽ nắm trong tay quyền kiểm soát chặt chẽ hơn so với chương trình Android mã nguồn mở thông thường.
Có thể nói, Android One chính là chìa khóa để đem tới trải nghiệm mượt mà hơn cho các dòng smartphone Android, khi mà Google khiến cho nền tảng di động của họ giảm thiểu sự phân mảnh và đem tới những trải nghiệm gần giống với iOS, đặc biệt là ở việc cập nhật các phiên bản mới với tốc độ nhanh nhất có thể.
Android One sẽ là chìa khóa để Google giảm thiểu sự phân mảnh
Những ứng dụng di động của Google
Có lẽ không cần phải bàn cãi nhiều về sức hấp dẫn từ các ứng dụng bên thứ nhất của Android do Google phát triển. Chúng ta không còn xa lạ gì với Gmail, trình duyệt Google Chrome, Google Home, Google Photo… Gã khổng lồ phần mềm đất Mỹ sẽ khéo léo tận dụng các công cụ rất được ưa chuộng của họ để như Assistant, Lens và Photo để làm cơ sở dữ liệu phát triển các sáng kiến AI khác. Thậm chí ngay cả trên nền tảng iOS thì những ứng dụng di động của Google cũng được rất nhiều người ưa chuộng sử dụng.
Tạm kết
Trong 10 năm tới, dự kiến Android sẽ có một bước chuyển mình mạnh mẽ khi hệ điều hành này không chỉ được cài đặt trên smartphone và tablet mà sẽ trở thành nền tảng của những ngôi nhà thông minh, truyền hình cùng phương tiện kết nối. Đồng thời, Google cần đi tìm lời giải cho bài toán phân mảnh của Android, tạo ra một công cụ chat mang tính cách mạng, nâng cấp trợ lý ảo và tập trung vào công nghệ thực tế ảo tăng cường.
AnhNQ
Theo: Engadget