T-Mobile G1 - thiết bị chạy Android đầu tiên.
10 năm trước, hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới ngày nay đã được giới thiệu trên mẫu điện thoại T-Mobile G1. Được sản xuất bởi HTC, T-Mobile G1 trang bị cho mình bàn phím QWERTY như một sự cạnh tranh với Blackbery vẫn còn đang trong thời kỳ hoàng kim.
Sau khi chiếm được thị phần đáng kể, Google phát hành Nexus One - thiết bị có phần cứng mạnh nhất và được coi là biểu tượng cho sự phát triển của Android.
Không giống như iPhone còn bảo thủ khi đó với việc chỉ sử dụng một loại kích thước màn hình (3,5 inch), các nhà sản xuất Android đã tìm khai phá nhiều hơn, với việc giới thiệu Motorola DROID X có màn hình lên tới 4,3 inch.
Đến quý III năm 2010, Android là hệ điều hành di động phổ biến thứ hai trên thế giới với 25,5% thị trường điện thoại thông minh toàn cầu, trong khi Symbian chiếm 36,6%. iOS của Apple đứng thứ ba với 16,7%.
Một năm trước đó, Symbian dẫn đầu với 44,6% và hệ điều hành BlackBerry là trên 20,7%. Android khi ấy chỉ chiếm phần nhỏ nhoi 3,5%.
Quý tiếp theo, quý IV năm 2010, Android đã trở thành hệ điều hành di động phổ biến nhất, Symbian giảm xuống thứ hai (30,6%) và iOS (16%) đứng thứ ba.
Đến thời điểm này, các nhà sản xuất hàng đầu như HTC, Samsung, Sony... bắt đầu cho ra mắt hàng loạt các thiết bị đặc sắc hơn.
Sau khi ra mắt chiếc Galaxy S đầu tiên nhận được nhiều tín hiệu tích cực, Samsung đã thừa thắng xông lên với Galaxy S II, trong khi Motorola là hãng đầu tiên mang đến smartphone công nghệ cảm biến vân tay ( Motorola Atrix 4G ).
Ngày nay, Android vẫn luôn là hệ điều hành thống trị thị trường điện thoại thông minh. Theo Statista, trong quý II năm 2018, 88% điện thoại thông minh được mua trên toàn thế giới được cài đặt nền tảng Android. IOS của Apple đứng thứ hai với 11,9% thị phần.
10 năm trước, khi Android mới được công bố, không ai có thể tưởng tượng được nó sẽ trở thành hệ sinh thái phổ biến nhất trên toàn cầu như vậy.
Nguồn: Quốc Vinh/nguoiduatin.vn