1. Google không phải là người tạo ra Android
Ngày nay nhắc tới Android là nhớ tới Google, nhưng điều đáng ngạc nhiên đó là Google lại không phải cha đẻ của Android! Công ty Android Inc đã được thành lập từ năm 2003 bởi 4 người: Andy Rubin (ảnh dưới), Rich Miner, Nick Sears và Chris White. Những nhà sáng lập này có mối quan hệ chặt chẽ với nhà mạng T-Mobile, ví dụ như Andy Rubin đã giúp tạo ra chiếc điện thoại di động siêu phổ biến T-Mobile Sidekick, Nick Sears thì từng giữ chức phó chủ tịch T-Mobile. Đây cũng là lý do mà chiếc điện thoại Android đầu tiên xuất hiện là do nhà mạng T-Mobile phân phối (chiếc HTC G1, Dream).
Tới năm 2005, Google mua lại Android Inc, và cả 4 nhà đồng sáng lập đều tiếp tục ở lại công ty để phát triển nên nền tảng của Android. Andy Rubin sau này về lãnh đạo mảng Android cho Google trước khi nghỉ lập công ty riêng (Essential, với chiếc Essential Phone). Người ta vẫn thường nói việc mua lại Android Inc là thương vụ hời nhất của Google vì 10 năm sau, Android đang nắm thị phần lớn nhất trong thế giới smartphone.
2. Android đã từng nhận nhiều chỉ trích
Năm 2007, thời mà Android bắt đầu thành hình và xuất hiện, iPhone vẫn đang là một cơn sốt không gì có thể dập tắt. BlackBerry thì đang chiếm vị trí quan trọng trong ngành, còn hệ điều hành Windows Mobile của Microsoft vẫn là lựa chọn hàng đầu cho điện thoại thông minh. Và cũng giống như iPhone bị chê, Android cũng bị chê tơi tả không còn manh giáp ở những ngày đầu. Chưa kể bản thân Google lại chẳng làm phần cứng bao giờ, vậy mà giờ dám nhảy vào làm hệ điều hành.
Năm 2008, khi có một hội bàn tròn nói về di động, có người nói 'Chúng ta phải nói về Android chứ nhỉ' thì có người khác đang làm cho Pandora trả lời lại 'tại sao chúng ta lại phải nói về Android - chẳng ai quan tâm cả'. May mắn là Pandora cũng khôn ra và đã làm app Android.
Tờ Wired gọi chiếc G1 là điện thoại tệ nhất năm 2008 cũng là một ví dụ. G1 bị Wired chỉ trích vì ngoại hình xấu, nhưng bù lại nó có tính năng nhiều hơn. À, G1 năm 2008 cũng không có jack tai nghe 3,5mm nữa
Giờ thì Android như thế nào, anh em cũng biết rồi đấy.
3. Thiết bị nguyên mẫu Android đầu tiên được làm theo BlackBerry
G1 có thể là chiếc Android đầu tiên bán ra thị trường, nó có màn hình cảm ứng lớn, bàn phím trượt ngang. Tuy nhiên, năm 2007, ý đồ của Google là dùng Android cạnh tranh với BlackBerry nên phiên bản thử nghiệm đầu tiên tên mã 'Sooner' sở hữu thiết kế được làm theo kiểu cách của dòng BlackBerry Bold. Nó sử dụng bàn phím dọc, có nút nghe gọi đầy đủ, có cả con rê chuột và thậm chí không có cả màn hình cảm ứng. Giao diện của Android thì nhái theo kiểu của BlackBerry.
Nhưng khi Google thấy iPhone và biết về nó, mọi thứ lập tức thay đổi. Google định hướng Android phải cạnh tranh được với iPhone nên họ bắt đầu làm nhiều thứ khác và tạo ra chiếc Dream G1 như chúng ta đã thấy. Về phần 'Sooner', nó không bao giờ được đưa ra thị trường.
4. Android 1.0 và 1.1 không được đặt tên theo các món ngọt
Chúng ta đều biết Google dùng tên các món ngọt để đặt tên cho các bản Android, ví dụ như bánh kem Ice Cream Sandwich, kẹo Jelly Bean, bán KitKat, bánh Oreo, kẹo Nougat. Tuy nhiên, những bản đầu tiên lại là Android 1.0 Astro Boy còn Android 1.1 Petit Four (một món khai vị Pháp). Phải đến Android 1.5 Cupcake thì Google mới chính thức áp dụng cách đặt tên mới tới ngày nay.
5. Android 3.0 là bản Android duy nhất không dành cho điện thoại
Android 3.0 được Google làm ra trong thời đại iPad bùng nổ nên nó nhắm rất cụ thể đến việc dùng cho tablet. Motorola Xoom là thiết bị đầu tiên chạy một bản Android được tối ưu cho màn hình lớn, chứ trước đó tablet Android chỉ đơn giản sử dụng giao diện di động phóng to ra nên trải nghiệm không tốt, ví dụ như chiếc Galaxy Tab 7.0 của Samsung. Tính ra thì Androie 3.0 vẫn khó sử dụng hơn nhiều so với iPad, mình đã từng xài chiếc Xoom này và được vài ngày là chán.
Android 3.0 có giao diện khá hiện đại, và nhiều thành phần đã được mang sang Android 4.0, bản đầu tiên Google thống nhất lại Android cho smartphone và tablet vào chung một chỗ, giao diện sẽ tự thay đổi tùy theo kích thước màn hình.
6. Android khiến CEO Google bị đá khỏi ban quản trị Apple
CEO Eric Schmidt từng giữ một chân trong ban quản trị Apple, nhưng đến năm 2009, ông đã bị hội đồng đề nghị rời khỏi chiếc ghế của mình vì Google càng lúc càng trở thành đối thủ trực tiếp của Apple. Steve Jobs nói: 'Thật không may, Google càng lúc càng lấn sân vào các mảng kinh doanh chính của Apple, Android và giờ là Chrome OS, thế nên vai trò của Eric trong ban quản trị sẽ không còn được duy trì vì ông sẽ phải tự cứu mình khỏi nhiều cuộc họp của Apple do xung đột lợi ích'. Hợp lý, một người lãnh đạo mà không thể xuất hiện ở đa số các cuộc họp thì không có nhiều lý do ở lại.
Sau này, Apple cũng đã bỏ Google Maps và YouTube khỏi iOS 6. Tuy vậy, họ vẫn sử dụng Google làm trình tìm kiếm mặc định.
7. Sony đã làm ra chiếc smartwatch dùng với điện thoại Android từ năm 2010
Năm 2014, Google ra mắt Android Wear và kể từ đó thế giới biết rằng cũng có một bản Android chạy được trên đồng hồ. Tuy nhiên, từ tận năm 2010, Sony Ericsson đã cho ra mắt LiveView, một phụ kiện đeo tay dùng với điện thoại Android của hãng với nhiều chức năng như hiển thị thông báo, xem Twitter, đọc tin, SMS, kiểm soát chơi nhạc... LiveView sau đó có thêm một đời nữa trước khi Sony chuyển sang làm đồng hộ chạy Android Wear cho thống nhất với phần còn lại của hệ sinh thái. Hiện tại Sony đang không còn kinh doanh smartwatch Android nào.
Nguồn: PhAndroid