eSIM đã ra đời từ lâu nhưng chưa được phổ biến trên điện thoại thông minh. Tuy nhiên, theo AndroidPIT, tình trạng này rất có thể sẽ thay đổi bởi một công ty lớn trong ngành là Apple đã trang bị eSIM cho thế hệ iPhone 2018, bao gồm iPhone XR, XS và XS Max. Trước đó, với vị thế dẫn đầu, “Táo khuyết” là hãng tạo ra nhiều xu hướng trên thị trường di động.
Khát quát về eSIM
Trước tiên, mình nhắc lại một chút để các bạn nắm rõ, eSIM là viết tắt của từ embedded SIM (SIM nhúng) hay electronic SIM (SIM điện tử). SIM này sẽ được hàn chết vào bên trong thiết bị, không thể tháo ra / lắp lại như những loại SIM thông thường mà chúng ta đang dùng.
eSIM mang đến những lợi ích hữu hình. Công nghệ này giúp chúng ta dễ dàng chuyển đổi nhà mạng mà không phải tháo SIM, mua SIM mới rồi tiến hành đăng ký thông tin, tạo nên áp lực khiến các nhà mạng phải nỗ lực cạnh tranh để giữ chân khách hàng, từ đó chất lượng dịch vụ có thể sẽ tốt hơn và giá cũng rẻ hơn.
Trước Apple, Google đã tích hợp eSIM cho Pixel 2 và Pixel 2 XL hồi năm ngoái. Samsung cũng đã áp dụng eSIM trên đồng hồ thông minh Galaxy Gear S2. Apple gia nhập sân chơi muộn hơn, nhưng cũng giống như cảm biến vân tay hay màn hình tai thỏ, khi họ làm điều gì đó “có vẻ mới” cho sản phẩm và hàng lại bán chạy, các nhà sản xuất khác sẽ lại kéo nhau “bắt chước”.
Ngoài ra, eSIM có kích thước nhỏ hơn thẻ SIM thông thường, tạo điều kiện để các nhà sản xuất điện thoại làm mỏng thiết bị hoặc bổ sung những thành phần quan trọng khác.
eSIM vẫn chưa phổ biến
Quá trình phổ cập eSIM mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu, bởi số quốc gia và nhà mạng hỗ trợ eSIM vẫn còn khá ít, nhưng đây là xu hướng nên được hình thành do những lợi ích mà eSIM mang lại.
Ở Anh, EE là nhà mạng duy nhất hỗ trợ eSIM. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở nhiều quốc gia châu Âu khác – chỉ 1 hoặc 2 nhà mạng cung cấp dịch vụ này. Ở Mỹ, AT&T còn bị cáo buộc làm muốn làm cho việc chuyển nhà mạng bằng eSIM trở nên khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, công nghệ eSIM mà các nhà mạng cung cấp ở thời điểm ban đầu giống với SIM truyền thống: Nó chỉ có thông tin của một nhà mạng. Khách hàng chỉ có thể đăng ký một hồ sơ của một nhà mạng ở một nước tại một thời điểm. Hồ sơ phải được thay đổi nếu họ muốn sử dụng thiết bị với nhà mạng khác. Nghĩa là, bạn không cần đổi thẻ SIM, nhưng vẫn phải đổi hồ sơ.
Thao tác lắp thẻ SIM sẽ không còn cần thiết vì đã có eSIM?
eSIM chỉ thực sự trở nên linh hoạt và hữu ích khi lưu trữ được 2 hoặc nhiều hồ sơ, nhưng các nhà mạng chắc hẳn là không thích điều đó. Đề cập đến việc liệu nhà mạng Verizon và AT&T có hỗ trợ eSIM cho iPhone XS hay không, Apple tuyên bố:
“eSIM sẽ có sẵn vào cuối năm nay thông qua cập nhật phần mềm. Sử dụng eSIM yêu cầu một gói dịch vụ không dây (có thể bao gồm các hạn chế về việc chuyển đổi nhà cung cấp dịch vụ hay chuyển vùng, ngay cả sau khi hết hợp đồng). Không phải tất cả nhà mạng hỗ trợ eSIM. Chức năng này có thể bị vô hiệu tùy theo nhà mạng”.
Như vậy, khả năng eSIM trên iPhone XS không hỗ trợ lưu trữ nhiều hồ sơ là hoàn toàn có thể xảy ra. Hiện vẫn chưa rõ là do Apple chưa thể triển khai phần mềm, do chịu áp lực từ các nhà mạng hay vẫn đang cố gắng thực hiện các thỏa thuận với họ.
Các nhà mạng có thể ngăn chặn, nhưng eSIM sẽ phát triển
Vẫn còn rất nhiều việc phải làm trước khi eSIM thực sự cất cánh và cung cấp sự chuyển đổi dễ dàng cho người dùng, nhất là khi các nhà mạng có thể sẽ ngăn chặn điều đó xảy ra như vừa đề cập. Bởi vì, việc khách hàng tự do chuyển đổi nhà cung cấp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của họ.
eSIM sẽ dần thay thế SIM truyền thống?
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy eSIM sẽ thắng thế. Apple, nhà sản xuất quan trọng nhất đã đưa eSIM vào thị trường. Động thái của Apple (hãng thường quyết định xu thế trong nhiều năm qua) như đánh dấu sự khởi đầu cho quá trình chuyển đổi dần từ SIM truyền thống sang eSIM.
Theo cảm nhận cá nhân, những lợi ích của eSIM có quan trọng với bạn không? Cùng chia sẻ suy nghĩ thông qua phần bình luận ở phía dưới nhé.