Theo AndroidPIT, Gigaset – một công ty sản xuất điện thoại cố định, thiết bị trong nhà thông minh và smartphone đặt trụ sở tại Đức có thể tạo ra những chiếc điện thoại thông minh “Made in Germany” thay vì “Made in China” hoặc các quốc gia Châu Á khác trong tương lai.
Họ sẽ làm điều đó như thế nào? Mời các bạn cùng theo chân phóng viên trang AndroidPIT đến tham quan nhà máy của Gigaset để tìm hiểu thêm về vấn đề.
Trước tiên, nhà máy Gigaset ở tỉnh Bocholt, gần biên giới Hà Lan, từng có thời điểm chứa 4.000 nhân viên, nhưng bây giờ chỉ còn 550 người và chỉ một số ít trong đó thực hiện việc sản xuất smartphone.
Một trong số những smartphone của Gigaset, mẫu GS185 thoạt nhìn không có gì đặc biệt. Nó chỉ là chiếc smartphone giá rẻ cổ điển với giá 200 USD, trang bị pin 4.000 mAh và chạy hệ điều hành Android 8.1. Mọi thứ đều bình thường, ngoại trừ khâu sản xuất.
Cụ thể, Gigaset đã xây dựng một dây chuyền sản xuất hiện đại cho smartphone. Trong một ca, sáu người làm việc cùng nhau, hoàn thiện sản phẩm cùng lúc tại khu vực riêng của mình, nhưng không chỉ bằng tay. Ở mọi công đoạn, họ được hỗ trợ bởi Robot do công ty Universal Robotics (Đan Mạch) cung cấp.
Khác biệt hoàn toàn so với Châu Á
Robot sẽ lấy các bộ phận và đặt chúng ở đúng vị trí, hỗ trợ con người thực hiện chính xác hơn những khâu đòi hỏi sự khéo léo. Theo thống kê, 40% công việc tại dây chuyền mới của Gigaset được thực hiện thủ công, còn 60% là tự động.
Sự kết hợp giữa tự động hóa và thành phần con người như vậy hoàn toàn khác biệt so với quy trình tại các nhà máy ở Châu Á – nơi có những biến động về chất lượng sản phẩm bởi việc sản xuất smartphone luôn rất phức tạp, mà tay nghề thì mỗi người mỗi khác, đôi khi lại chịu ảnh hưởng từ sức khỏe, tâm trạng..., mà lương thì cực kỳ thấp.
Robot đặt các bộ phận vào vị trí thuận tiện cho con người thao tác
Chỉ có khoảng 8 nhân viên Gigaset sản xuất smartphone, cùng với đó là khoảng 20 kỹ sư và quản lý. Vì vậy, Jörg Wissing, người đứng đầu mảng tự động hóa tại công ty nhấn mạnh: Robot giúp tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất smartphone.
Hiện nay, tất cả bộ phận riêng lẻ được lắp ráp từ Châu Á, hệ điều hành cũng đã được cài đặt sẵn và nhà máy của Gigaset chỉ làm công việc lắp ráp hoàn chỉnh, kiểm tra và đóng gói (chiếm 60% chuỗi giá trị sản phẩm). Chỉ hộp đựng và sách hướng dẫn mới thực sự “Made in Germany” 100%, nhưng đó là do ở Châu Âu chưa có nhà cung cấp linh kiện phù hợp.
Tăng tính linh hoạt, giảm thời gian phục vụ
Gigaset tự hào rằng, kết hợp cùng robot giúp họ dễ dàng đáp ứng yêu cầu từ khách hàng khi tạo ra smartphone. Họ có thể nhanh chóng thêm các chi tiết riêng vào phần mềm đã cài đặt hoặc dùng máy chiếu laser khắc logo lên mặt lưng.
Khâu logistics cũng không cần thiết, vì tất cả việc sản xuất cũng như sửa chữa diễn ra ở một tầng duy nhất (áp dụng cho không chỉ smartphone mà với tất cả sản phẩm Gigaset). Từ đó, mỗi smartphone bị lỗi được sửa chữa chỉ trong vòng một ngày và ngay lập tức xuất xưởng để đưa đến người dùng, thay vì phải tốn nhiều công đoạn – thời gian như những trung tâm sửa chữa lớn.
Gigaset đang đi những bước tiếp theo
Mọi thứ mới chỉ ở thời điểm khởi đầu. Công việc ở Gigaset hiện tại vẫn còn khá nhàn nhã, nhân viên thậm chí có thể dùng tay quấn băng keo cho hộp.
Tuy nhiên, công ty đang trong quá trình mở rộng. Dây chuyền sản xuất thứ hai đã được thiết lập, dây chuyền thứ ba đã được lên kế hoạch. Không gian nhà máy đủ cho Gigaget thiết lập đến 6 dây chuyền. Nếu chuyển sang sản xuất theo 3 ca suốt ngày đêm, Gigaset có thể nâng năng suất lên gấp 3 lần, dễ dàng đáp ứng nếu nhu cầu thị trường tăng mạnh.
Sản xuất ở Đức mang lại nhiều giá trị
Trước kia, hệ thống sản xuất điện thoại cố định của Gigaset cũng được làm hoàn toàn tự động có giá khoảng 8 triệu euro. Bây giờ, dây chuyền mới cho smartphone chỉ có giá dưới nửa triệu đô la, bao gồm cả cánh tay robot và tất cả các thiết bị đo lường.
Theo chia sẻ từ Stephan Mathys, Giám đốc tài chính của Gigaset thì: Sản xuất trong nước cho chất lượng thành phẩm tốt hơn, giảm lãng phí, có thể phản ứng linh hoạt với yêu cầu của thị trường và khách hàng, cung cấp dịch vụ nhanh hơn, tốt hơn cũng như đảm bảo sự bền vững của môi trường.
Ngoài ra, lợi thế quan trọng không kém mà Gigaget có được với quy trình mới chính là nhãn mác “Made in Germany”. Cần biết rằng, thị trường smartphone rất khốc liệt và gần như chịu sự chi phối từ các “ông lớn”. Do đó, với smartphone 'của nhà trồng được', Gigaset sẽ tạo được nhiều dấu ấn hơn tại quê nhà và gặp thuận lợi trong việc gầy dựng nên một thị trường nhỏ nhưng có giá trị trong dài hạn.
Và không chỉ ở Đức, thực tế, Gigaset đã cung cấp smartphone tại các nước Châu Âu. Trong tương lai gần, Nga, Argentina và một số thị trường khác cũng sẽ được cập nhật vào danh sách. Nếu thử nghiệm cho điện thoại cấp thấp thành công, Gigaset có thể sẽ mạnh dạn chuyển sang phân khúc giá cao hơn.
Bạn có quan điểm như thế nào về ý tưởng của Gigaset? Liệu các công ty ở Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác cũng nên bắt đầu sản xuất thiết bị “Made in quốc-gia-mình”?
Phan Phú Trung