Trang Notebookcheck đã phát hiện điều này khi kiểm tra cấu hình của chiếc laptop của Lenovo và nhận thấy nó dùng GPU mang tên MX150M thay vì MX150. Điều đáng nói là bản thân Nvidia và các OEM sản xuất máy tính vẫn chưa đưa ra thông báo nào giúp người dùng phân biệt giữa 2 phiên bản MX150, rất dễ gây nhầm lẫn!
Theo thông số lấy từ GPU-Z thì MX150M được thiết kế với mức TDP thấp hơn so với MX150 phiên bản gốc và dĩ nhiên hiệu năng cũng thấp hơn, phù hợp để sử dụng trên những chiếc Ultrabook thiết kế mỏng thay cho GPU tích hợp Intel HD Graphics. Khác biệt đầu tiên giữa 2 phiên bản này là Device ID: MX150 tiêu chuẩn có mã là 1D10 trong khi phiên bản MX150M là 1D12, kéo theo sự khác biệt này là xung nhịp mặc định của MX150M thấp hơn 36%, xung boost thấp hơn 32% và xung nhịp bộ nhớ thấp hơn 17% so với phiên bản MX150 tiêu chuẩn. Kết quả thử nghiệm bằng 3DMark cho thấy hiệu năng của dòng GPU này thấp hơn từ 20 đến 25% so với MX150 tiêu chuẩn. Được biết hiện tại có 13 mẫu Ultrabook được trang bị MX150M thay vì MX150 nhưng tên cụ thể chưa được tiết lộ.
Thực ra không phải không có những văn bản nói về sự tồn tại của phiên bản MX150M, ít ra là về khía cạnh OEM. Trên trang liệt kê các phần cứng được hỗ trợ bởi hệ điều hành Ubuntu, Canonical liệt kê rất cụ thể về GeForce MX150 và GeForce MX150M cùng với những chiếc laptop đang sử dụng các phiên bản này. Chẳng hạn như chiếc ThinkPad T480s - biến thể mỏng hơn của T480 mới ra mắt tại CES 2018 sử dụng GP108M trong khi phiên bản T480 là GP108. GP108 chính là mã của MX150 còn GP108M của MX150M. Dữ liệu phần cứng này do Canonical phối hợp với các OEM sản xuất laptop để thử nghiệm Ubuntu trên phần cứng của họ.
Thế nhưng khi trở về trang của Lenovo thì trên trang cấu hình của ThinkPad T480s và T480, Lenovo vẫn chưa ghi rõ sự khác biệt về GPU giữa 2 chiếc máy này. ThinkPad T480s mỏng hơn đáng kể so với T480 và sự khác biệt về thiết kế tản nhiệt cũng sẽ thay đổi xung nhịp của cùng một GPU (nhà sản xuất buộc phải hạ xung để đảm bảo hệ thống tản nhiệt đủ sức làm mát). Trang AnandTech nhận định dù mã Device ID khác nhau, bản thân trang phê chuẩn phần cứng hỗ trợ Ubuntu của Canonical cũng có nói đến nhưng có vẻ như các hãng sản xuất laptop và Nvidia vẫn không muốn tiết lộ về phiên bản MX150M?
Nói là các nhà sản xuất bởi ngoài Lenovo, Notebookcheck còn phát hiện biến thể MX150M trên các mẫu laptop mỏng nhẹ khác như ASUS ZenBook UX331UN, ZenBook UX331UA, Xiaomi Mi Notebook Air 13.3, HP Envy 13 …
Không quá khó hiểu khi Nvidia lại tung ra một biến thể TDP và hiệu năng thấp hơn của MX150 bởi thiết kế tản nhiệt trên những chiếc laptop mỏng nhẹ khó có thể làm mát hiệu quả cho những con GPU hiệu năng cao. Vấn đề là người dùng cần phải được thông báo về sự khác biệt giữa 2 biến thể GPU để họ có thể chọn đúng chiếc máy tính theo nhu cầu của mình. Rõ ràng là OEM và/hoặc Nvidia đã làm việc với Canonical để đạt tiêu chuẩn phần cứng có thể hỗ trợ Ubuntu nhưng tại sao đến bây giờ vẫn chưa có thông tin nào cho người dùng cuối? Những dòng GPU giá rẻ hay tầm trung thường ít khi nhận được sự quan tâm của cộng đồng, tài liệu về chúng cũng không nhiều thế nên 'sự thiếu minh bạch của Nvidia hay OEM' có thể gây nhầm lẫn không đáng có và có thể gây thiệt hại nhiều bên theo nhận định của AnandTech.
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng việc Nvidia hay OEM không tiết lộ về sự khác biệt giữa 2 phiên bản MX150 này là bình thường bởi khi đã chọn dòng máy mỏng nhẹ với GPU rời thì người dùng sẽ ít khi quan tâm đến sự chênh lệch về hiệu năng, không như dòng máy chơi game. Thứ họ cần chỉ đơn thuần là một cái máy có tính di động cao, thời lượng pin tốt, mát mẻ và GPU đủ dể đáp ứng nhu cầu giải trí cơ bản.
Theo: AnandTech