Nhưng tại sao sở hữu một thiết bị tốt như vậy mà HTC vẫn không có cải thiện gì về tình hình tài chính, và tại sao HTC vẫn mãi lận đận trên thị trường trong khi các tên tuổi Android khác, nhất là smartphone Trung Quốc, lại đang sống khỏe?
Về bản thân chiếc U11
Bản thân U11 có rất nhiều điểm đáng khen, nhưng một nhược điểm lớn đó là nó không sở hữu màn hình viền mỏng. Thật ra cầm máy trong tay vẫn rất thoải mái và dễ sử dụng, không có gì phải chê về tính dễ dùng của chiếc smartphone này. Nhưng vì không có viền mỏng nên nhìn nó không hấp dẫn bằng những đối thủ ra mắt cùng thời điểm, nhất là Galaxy S8. S8 là một trong số những chiếc smartphone mang khái niệm viền mỏng ra thế giới người dùng phổ thông (Mi Mix xuất hiện trước, nhưng về độ phổ biến và nhận diện thì không thể bằng Samsung được), thế là người ta bắt đầu quan tâm đến điểm này và hiển nhiên một cái điện thoại viền dày sẽ không nằm trong danh sách lựa chọn của họ trong năm 2017.Có lẽ HTC đã không kịp thay đổi sản phẩm của mình cho kịp với xu hướng viền mỏng khi U11 ra mắt vào tháng 5 năm ngoái. Sau đó HTC có nỗ lực làm máy viền mỏng, đó là HTC U11+ ra đời tháng 11, tuy nhiên thời điểm đó đã quá trễ rồi và thị trường đã tràn ngập những chiếc điện thoại viền mỏng khác, thậm chí có cả nhiều máy tầm trung nữa. Chưa kể đến việc U11+ có giá cao hơn khá nhiều so với U11 trong khi giá trị lớn mà nó mang lại chỉ có mỗi viền mỏng. Đây là lý do mình đánh giá U11+ không đáng tiền bằng U11, thậm chí không nên mua mà chờ U12 sẽ tốt hơn.
Năm 2017, HTC cũng không bắt kịp xu hướng camera kép giống như cách mà Samsung và nhiều công ty khác đã làm. HTC tới giờ vẫn trung thành với camera đơn, lý giải của hãng là hãng muốn làm ra một sản phẩm thật sự tốt rồi mới bán ra thị trường, và năm nay thiết bị đó sẽ xuất hiện. Vì không có camera kép nên U11 lại giảm thêm một lợi thế cạnh tranh nữa so với các đối thủ.
Dải sản phẩm
Trong năm 2017, HTC chỉ còn kinh doanh mỗi HTC U11, U Ultra và U Play xem như là những sản phẩm thử nghiệm cho một triết lý làm máy mới nên không được tập trung. Coi như mọi nỗ lực của HTC đều tập trung vào U11, nhưng hãng lại kẹt vào thế khó là ở phần khúc của U11 thì Samsung và Apple quá mạnh, cái tên HTC trở nên lu mờ, lại thêm hoạt động quảng bá không mạnh (sẽ nói thêm bên dưới) nên U11 chỉ bán ra với số lượng rất ít mà thôi.HTC cũng có bán thêm chiếc HTC 10 Evo, một sản phẩm ra mắt năm trước đó nhưng vẫn còn rất tốt với cấu hình mạnh và build như một chiếc flagship. Đây là thiết bị mà công ty dùng để đánh vào phân khúc tầm trung. Nhưng lại một lần nữa, HTC lại lâm vào thế khó khi thị trường tầm trung cạnh tranh giá cực kì khốc liệt bởi các tay chơi Trung Quốc, lại thêm sự xuất hiện của Nokia càng làm thị trường thêm khó khăn. Thêm nữa, máy tốt không là chưa đủ, nó vẫn cần thêm các hoạt động quảng bá, và HTC thật sự quá yếu ở mảng này.
Nói cách khác, các sản phẩm của HTC vẫn có thể bán được, tuy nhiên số lượng không thể nhiều vì bị các hãng đối thủ ép quá nhiều, nhất là khi họ có thể đưa ra những lựa chọn tốt hơn về giá hoặc tốt hơn về mặt thương hiệu thì HTC sẽ rất khó để bì lại.
Khả năng quảng bá của HTC, không chỉ bây giờ mà từ trước
Nhìn chung U11 là một cái điện thoại tốt và có thể làm bạn hài lòng, nhưng bạn sẽ chỉ cảm thấy nó sau khi thật sự cầm máy trên tay và / hoặc sử dụng, còn với những người dùng mới, những người chưa sử dụng điện thoại HTC bao giờ, bạn không tìm được điểm nào để mua U11 cả trong khi trước mặt bạn là Samsung, là Sony, là Oppo, là Huawei. Người ta gọi là thiếu 'unique selling point' (USP). U11 có một USP duy nhất có thể dùng quảng bá là tính năng bóp viền, nhưng trên thực tế tính năng này cũng không phải là thứ bạn sẽ dùng thường ngày trừ việc chụp ảnh nên cũng khó để người dùng tiếp cận tới nó.Còn các đối thủ khác thì sao? Ôi thôi, nhiều lắm. Galaxy S8 là viền mỏng vô cực và thiết kế mới, Note 8 là màn hình to + camera kép, Huawei P Series thì camera kép, Huawei Nova 2i thì viền mỏng giá rẻ cấu hình cao, Oppo F5 cũng dùng viền mỏng, Sony thì đánh vào khả năng chụp ảnh và họ truyền thông điệp này rất rõ ràng. iPhone thì thôi khỏi nói rồi, X với viền mỏng, thiết kế mới, camera kép.
Ngoài ra, HTC cũng không có đủ tiềm lực tài chính để chạy các chương trình quảng bá như cách mà các hãng smartphone Android khác làm. Không có người nổi tiếng làm đại sứ thương hiệu, không có các hoạt động quảng bá bên lề tại những chỗ tưởng chừng không liên quan đến công nghệ, không tài trợ rầm rộ cho các chương trình nhiều người xem, cũng không có dịch vụ gia tăng như Galaxy Gift. Khi nghĩ tới HTC, người ta chỉ nghĩ tới mỗi cái điện thoại, mà nhiều người thậm chí còn không biết HTC thì làm sao mà mua máy của hãng được. Ở mặt này, mình thấy Samsung làm tốt nhất, sau đó là Oppo (nhìn hình dưới là hiểu). Nói cách khác, mức độ nhận diện thương hiệu của HTC quá thấp.
Thêm một lý do nữa đó là HTC đã không quảng bá mạnh cho thương hiệu và thiết bị của mình trong khoảng 4 năm nay. Điều đó càng tạo ra một khoảng cách lớn khi nói về HTC trong tâm trí người tiêu dùng. Khi một thứ không được nuôi dưỡng liên tục, người tiêu dùng sẽ quên nó ngay, và đó chính xác là tình cảnh của HTC hiện nay.
Mình vẫn cảm thấy tiếc cho HTC, vì những cái máy họ làm ra thật sự tốt, xài được, và có thể xài lâu dài. Hi vọng trong năm 2017 với số tiền mới lấy được từ Google thông qua việc bán nhân sự mảng Pixel chúng ta sẽ thấy HTC làm gì đó tốt hơn và năng động hơn. Đây là cách duy nhất HTC có thể tiếp tục kinh doanh điện thoại, còn không hãng sẽ rời cuộc chơi sớm.
Máy tốt, ngon từ màn hình, camera đến độ mượt. Nhưng HTC vẫn đang khá đuối so với mấy hãng khác, và HTC còn rất nhiều việc phải làm nếu còn muốn chơi trong mảng smartphone này.