Bạn Nguyễn Thái Hoàng, đại diện nhóm đạt giải nhất cho biết ý tưởng thiết kế là sử dụng chiếc camera nhỏ gọn đeo ở ngón tay để chụp lại các dòng chữ trên giấy hoặc vật liệu bất kỳ. Camera kết nối với chiếc máy tính tí hon Raspberry Pi và hình ảnh chụp được sẽ gửi về dịch vụ Amazon Polly để phân tích. Kết quả là chữ viết sẽ được bóc tách và chuyển thành giọng đọc, giúp người khiếm thị hiểu được nội dung như mong muốn.
Giải pháp trên sẽ giúp người khiếm thị dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thông tin, tri thức từ nhiều nguồn khác nhau chứ không bị giới hạn bởi sách chữ nổi dành riêng cho họ. Tuy nhiên, bạn Nguyễn Thái Hoàng chia sẻ thêm do đây là mô hình đầu tiên nhóm phát triển nên vẫn còn một số hạn chế. Chẳng hạn làm thế nào xác định được dòng chữ cần đọc, tốc độ nhận dạng nhanh, chính xác hơn và đặc biệt phần nhận dạng và giọng nói tiếng Việt chưa được dịch vụ Amazon Polly hỗ trợ.
Được biết EDUHackathon là cuộc thi lập trình sáng tạo do trường Đại học bang Arizona (ASU - Arizona State University) và Amazon Web Services (AWS) phối hợp tổ chức. Đây cũng là cuộc thi dành cho sinh viên các trường nằm trong chương trình thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và các trường đại học thông qua đổi mới và sáng tạo (BUILD-IT - Building University-Industry Leaning and Development through Innovation and Technology).
EDUHackathon 2018 được phát động vào tháng Mười 2017 với chủ đề tập trung giải quyết các vấn đề hiện tại của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới thông qua công nghệ, bao gồm 4 lĩnh vực chính là chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, môi trường và chính phủ điện tử.
Cuộc thi đã thu hút 17 đội tham gia với 68 sinh viên đến từ các trường đại học kỹ thuật thuộc chương trình BUILD-IT. Đây là dự án mang sứ mệnh đổi mới giáo dục Đại học và Cao đẳng tại Việt Nam được triển khai trong 5 năm, từ năm 2015 đến năm 2020 do trường đại học bang Arizona thực hiện. Dự án do Bộ Ngoại giao Mỹ, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và hơn 20 doanh nghiệp đối tác đóng góp với khoản tài trợ trị giá 10,8 triệu USD.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng, Giám đốc Văn phòng đại diện ASU tại Việt Nam cho biết cuộc thi cũng là cơ hội để các bạn sinh viên tiếp cận với những công nghệ hiện đại của thế giới, tư duy linh hoạt cũng như kỹ năng giải quyết các vấn đề gặp phải trong công việc về sau.
Đồng hành với ASU trong cuộc thi năm nay là Amazon Web Services với những khóa đào tạo Technical Essential Day, các buổi tư vấn kỹ thuật trực tuyến, hỗ trợ tài khoản miễn phí để các đội thi lựa chọn công nghệ, dịch vụ của AWS cho việc xây dựng ý tưởng thành hiện thực. Về phía ASU cũng cung cấp sẵn các thiết bị phần cứng như Amazon Echo Dots, Rasberry Pi, pcDuino board và cả Không gian sáng tạo (Maker Space) tại khu vực Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng phục vụ cho quá trình phát triển sản phẩm dự thi.
Mặc dù sản phẩm, giải pháp của một số đội chỉ mới ở dạng mô hình hoặc tính thực tiễn chưa cao. Tuy nhiên ASU và AWS vẫn sẵn sàng hỗ trợ, tiếp tục đồng hành cùng các bạn vì sản phẩm hôm nay cũng là tiền đề để sau này có thể xây dựng những start-up của chính mình, vị đại diện ASU tại Việt Nam chia sẻ thêm.
Kết quả cuộc thi EDUHackathon 2018
Giải nhất: đội Curiosity, Đại học Bách khoa Đà Nẵng với thiết bị đọc chữ hỗ trợ người khiếm thị. Giải thưởng gồm AWS Promotional Credits trị giá 2.000 USD để sử dụng các dịch vụ trả phí của AWS, 1 Kindle và 1 Amazon Echo Dots.
Giải nhì: đội ViBot, Đại học Khoa học Tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh với ứng dụng Chatbot cung cấp thông tin hỗ trợ Chính phủ. Giải thưởng gồm AWS Promotional Credits trị giá 1.000 USD và 1 Amazon Echo Dots.
Giải ba: đội Puzzle App, Đại học Khoa học Tự nhiên với giải pháp Tích hợp và đồng bộ dữ liệu giữa các ứng dụng. Đội Smart Traffic, Đại học Bách khoa Tp. HCM với sản phẩm Lập kế hoạch giao thông theo thời gian thực tế. Giải thưởng là AWS Promotional Credits trị giá 1.000 USD cho mỗi đội.Bấm để mở rộng...