Máy được phát triển tại Đại học California, San Diego (Mỹ), có thể chuyển đổi 26 mẫu tự trong hệ thống ngôn ngữ ký hiệu Mỹ (ASL) sang văn bản hiển thị trên smartphone hoặc máy tính.
Ngôn ngữ ký hiệu là hình thái giao tiếp duy nhất mà người khiếm thính có thể sử dụng. Đối với họ, việc học ngôn ngữ viết rất khó nếu không thể nghe âm thanh phát ra tương ứng với mỗi từ.
Jesal Vishnuram, Giám đốc nghiên cứu công nghệ của tổ chức từ thiện Action on Hearing Loss cho biết hiện có hàng nghìn người khiếm thính tại Anh quốc. Họ hầu hết không sử dụng chữ viết, do đó công nghệ này sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống của họ.
Nhóm nghiên cứu tích hợp chiếc găng tay với 9 cảm biến sức căng, phản ứng khi người dùng cử động ngón tay.
Khi cử động ngón tay để ra hiệu mẫu tự, cảm biến bị kéo dãn và gửi đi tín hiệu điện tử. Những tín hiệu này sau đó được xử lý bởi phần mềm để tìm ra cử chỉ bàn tay.
Cảm biến chuyển động cũng được gắn phía sau găng để theo dõi bàn tay di chuyển hay đứng yên. Điều này cho phép chiếc găng phân biệt giữa những chữ cái ví dụ như 'i' và 'j'. Cả hai chữ cái này đều được ra hiệu bằng cách cong nhẹ ngón tay, tuy nhiên với chữ 'i', tay đứng yên trong khi với chữ 'j', tay xoay 180 độ.
Thông tin từ găng tay sẽ được gửi đi qua Bluetooth tới ứng dụng trên điện thoại hoặc máy tính và hiển thị dưới dạng văn bản.
Chi phí tạo ra thiết bị dưới 100 USD và sử dụng ít điện năng.
Timithy O'Connor, nhà nghiên cứu phát triển công nghệ nhận định chiếc găng tay phiên dịch là bước đột phá so với công nghệ trước đó nhờ sự nhẹ nhàng và linh hoạt.
Hiện tại sản phẩm vẫn trong quá trình nghiên cứu để có thể chuyển đổi được từ hoàn chỉnh thay vì mẫu tự. Bên cạnh đó, thiết bị chỉ có thể dịch ngôn ngữ ký hiệu sử dụng một tay trong khi một số nước sử dụng cả 2 tay để ra hiệu.
Các nhà nghiên cứu cho biết công nghệ cũng có thể dùng điều khiển các robot phá bom trong tương lai và sẽ sớm được đưa ra thị trường trong thời gian tới.
Hoàng Phương
Theo Đời sống & Pháp lý