Apple và hành trình thay đổi nền công nghệ Châu Á
Vào thời điểm đó, công ty đến từ Đài Loan trên sau này được biết tới với các tên Foxconn, chỉ kiếm được doanh thủ nhờ vào lắp ráp máy tính cá nhân cho các công ty lớn của Mỹ như Dell. Tuy nhiên, một bản hợp đồng cho một dòng sản phẩm mới - một thiết bị đã làm cố CEO của Apple - Steve Jobs 'ám ảnh' trong nhiều năm qua đã tìm đến với Foxconn và thay đổi cả công ty này.
Trong 10 năm tiếp theo, iPhone đã giúp Foxconn có mức tăng trưởng doanh thu từ 38 tỉ USD lên đến 145 tỉ USD và iPhone đã biến Foxconn thành một trong những tập đoàn lắp ráp sản phẩm lớn nhất thế giới.
Không chỉ 'giúp' Foxconn đổi đời, Apple còn mang vận may đến cho nhiều công ty khác. Bản thân chiếc iPhone đã ngầm thúc đẩy quá trình phát triển và đổi mới công nghệ của các đối tác cung ứng linh kiện và iPhone đã cũng đã tạo cơ hội cho nhiều công ty mới lớn mạnh nhanh hơn.
Sự ra mắt của mẫu iPhone X hồi tháng 9/2017 đã đánh dấu cột mốc tròn 1 thập kỷ Apple cho ra đời một chiếc smartphone mang tính biểu tượng. Ước tính đã có hơn 1.2 tỉ chiếc iPhone được tiêu thụ trên toàn cầu kể từ năm 2007, số lượng iPhone được bán ra này đã thay đổi cả Apple và đổi thay luôn cả ngành công nghiệp công nghệ cao của Châu Á.
Một vài người hẳn vẫn còn nhớ khi lần đầu tiên iPhone được tung ra thị trường, Apple đã phải giảm giá từ 200 đến 399 USD để chinh phục được những khách hàng khó tính.
Nhưng sau này câu chuyện đã khác, doanh thu của 'gã khổng lồ' đến từ Mỹ đã tăng gấp 9 lần, đạt mức 229.23 tỉ USD vào năm 2017. Giá trị thị trường của Apple cũng tròm trèm ở mức 895 tỉ USD và làm các nhà phân tích không ngừng kì vọng rằng 'Táo khuyết' sẽ sớm cán mốc công ty ngàn tỉ USD.
Nhờ Apple ăn nên làm ra, các công ty cung ứng linh kiện, lắp ráp iPhone cũng có doanh thu tăng chóng mặt, qua đó thay đổi bộ mặt của ngành cung ứng linh kiện điện tử của Châu Á.
Ông Vincent Chen, một nhà phân tích của Yuanta Investment Consulting cho biết: 'Trong nhiều năm qua, giá bán trung bình của iPhone đã tăng và điều này cũng giúp lợi nhuận của các công ty cung ứng cho Apple cũng tăng trưởng theo'.
Bên cạnh đó, xuyên suốt thời gian hợp tác, Apple đã giám sát chặt chẽ nguồn lao động của các công ty đối tác, yêu cầu họ phải đáp ứng được các chính sách cho 'Táo khuyết' đề ra.
Hiện tại, khoảng 70% trong 200 nhà cung cấp linh kiện cho Apple đến từ Châu Á, trong đó các công ty đến từ Đài Loan chiếm tới 25% và số lượng công ty Trung Quốc cũng đang ngày một tăng.
Và để đáp ứng được yêu cầu về mặt số lượng máy cần được lắp ráp, những công ty cung ứng phần cứng ở Châu Á đã thuê hàng trăm ngàn công nhân mới, điển hình như Foxconn đã thuê gần 1 triệu công nhân là người Trung Quốc.
Giải thích cho lý do ưa chuộng các công ty ở Trung Quốc, CEO của Apple - Tim Cook nói rằng công nhân Mỹ vẫn còn thiếu những kỹ năng mà 'Táo khuyết' yêu cầu để làm nên một chiếc iPhone.
Thêm vào đó, tại một diễn đàn được tổ chức ở Quảng Châu, Tim Cook đã chia sẻ thêm: 'Có một sự nhầm lẫn khi nói tới Trung Quốc. Nhiều người sẽ nghĩ rằng các công ty tìm đến Trung Quốc vì chi phí nhân công rẻ.
Nhưng đó không phải là lý do để tìm đến Trung Quốc từ góc nhìn của một người đang tìm kiếm nguồn cung, nguyên nhân chính nằm ở kỹ năng của công nhân tại đây'.
Và bây giờ iPhone và các nhà cung ứng linh kiện cho chiếc smartphone này bắt đầu gặp một vấn đề quen thuộc đã diễn ra đối với ngành máy tính cá nhân cách hồi 10 năm trước.
Hợp tác với Apple: Con dao hai lưỡi
Khi iPhone thành công, điều này đã dẫn đến sự suy sụp của nhiều công ty khác. Và khi những tính năng hữu ích trên iPhone ngày càng được cải thiện hơn, các công ty liên quan đến máy ảnh, máy nghe nhạc và thiết bị chơi game cũng bị lao đao về mặt kinh doanh.
Bên cạnh đó, giành được những bản hợp đồng béo bở từ Apple cũng chưa chắc sẽ sung sướng. Wintek, một công ty đã từng cung ứng module cảm ứng cho iPhone đã phải phá sản vào năm 2014 sau khi đầu tư tiền để mở rộng dây chuyền sản xuất nhưng ngay sau đó lại bị Apple ngừng ký hợp đồng mới.
Điều này không chỉ làm Wintek lao đao mà hơn 40.000 nhân công của công ty này cũng bị mất việc, hơn 1.700 nhà cung ứng cho Wintek cũng bị ảnh hưởng theo.
Một ví dụ khác là TPK Holding, công ty này cũng đã lao đao khi Apple quyết định áp dụng một công nghệ mới cho mẫu iPhone 2012 và không sử dụng module cảm ứng từ TPK Holding nữa. Ngay sau đó, vào năm 2015 và 2016 họ đã phải gánh chịu sự thua lỗ và đang nhóm lên hy vọng bắt đầu có lại lợi nhuận trong năm 2017 vừa rồi. Giá trị cổ phiếu cũng bị giảm sút đến 90% so với thời điểm đạt đỉnh hồi năm 2011.
'Cả một chuỗi cung ứng đã được tái tạo lại và sắp xếp lại.' - Một chuyên gia nói với Nikkei. Ông tiếp lời: 'Những công ty sản xuất linh kiện cho điện thoại cơ bản mà tôi biết đến hồi những năm 2000 khác hẳn so với những công ty cung ứng linh kiện cho những chiếc smartphone ngày nay'.
Vị chuyên gia này nhận đinh rằng Apple vẫn sẽ tiếp tục là hãng tạo ra xu hướng mới thông qua các tính năng, công nghệ mới trên iPhone. Và Face ID chính là minh chứng rõ nhất cho điều này.
Ông nhắn nhủ các công ty cung ứng linh kiện nên chú ý đến những xu hướng chung của thị trường để có thể đáp ứng được những yêu cầu tiếp theo từ Apple nếu không họ sẽ bị loại ra khỏi 'cuộc chơi' của 'Táo khuyết'.
10 năm là một khoảng thời gian đủ dài trong ngành công nghệ, vì vậy đây là lúc để các đối tác của Apple nghĩ đến tương lai của smartphone.
Một Giám Đốc của công ty cung ứng cho Apple chia sẻ: 'Sự thay đổi của công nghệ có thể vượt qua trí tưởng tượng của người dùng. Các công ty như chúng tôi phải mường tượng ra được thế giới sẽ ra sao trong 10 năm nữa, chúng tôi sẽ phải thay đổi bản thân như thế nào để có thể thích nghi được. Liệu chúng tôi có tiếp tục làm nhà cung ứng hay không vẫn còn là dấu hỏi'.
Và dường như Apple cũng đã bắt đầu gợi ý cho các đối tác của họ khi trong thời gian gần đây, Apple thể hiện ý đồ muốn cạnh tranh với Netflix và Amazon ở mảng truyền thông, bên cạnh đó họ cũng tập trung cho các dịch vụ đám mây, nội dung và thanh toán. Vì vậy hy vọng các đối tác của Apple biết sẽ phải làm gì khi nhìn vào những động thái này.
Tương lai của iPhone: Đang dần bấp bênh?
Theo thông tin từ Arthur Liao của Fubon Securities, mặc dù iPhone X được dự đoán đã bán được 32 triệu chiếc trong kỳ nghỉ lễ vừa qua, nhưng nhu cầu mua sắm đang giảm dần và iPhone giờ đây phải đối mặt với các dòng smartphone có giá tốt hơn đến từ Trung Quốc. Điều này làm các đối tác cung ứng linh kiện cho Apple lo ngại rằng nền công nghiệp smartphone sắp sửa bước vào giai đoạn thoái trào.
Ông Tung Tzu-hsien, Chủ tịch của Pegatron chia sẻ với phóng viên Nikkei hồi tháng 12 rằng: 'Nền công nghiệp sẽ lại thay đổi, chúng ta không thể sống nhờ kỷ nguyên của smartphone mãi được. Điện thoại thông minh đã mang lại sự bùng nổ trong 10 năm qua và nhiều người đã bắt đầu hỏi rằng khi nào thì nó sẽ thoái trào giống như những cuốn sổ tay khi xưa'.
Thông tin từ IDC cũng đã phần nào củng cố thêm nhận định này. IDC cho biết thị trường smartphone sẽ chỉ nhận được mức tăng trưởng 3.3% trong giai đoạn 2016 đến 2021, so với mức 10.4% hồi năm 2015 thì đây đúng là 'hồi chuông báo động'. Ngoài ra số lượng iPhone được lên kệ trong năm tài khóa 2017 của Apple (kết thúc hồi tháng 9/2017) chỉ tăng có 2.3%.
'Thị trường smartphone đang đần đạt tới đỉnh điểm, vì vậy chúng ta chỉ có thể kỳ vọng chúng tăng trưởng khoảng 3 đến 4% qua mỗi năm mà thôi. Thị trường này vẫn sẽ tăng trưởng, nhưng không ấn tượng như trước đây nữa.' - Đó là nhận định được đưa ra bởi Sean Kao, một nhà phân tích của IDC.
Khi thị trường ngày càng bão hòa, Apple cũng phải tìm kiếm một 'miếng bánh' mới cho mình, và Trung Quốc chính là trọng điểm tiếp theo của hãng này. Nhưng câu chuyện sẽ không mấy dễ dàng cho Apple vì thị trường lớn thứ hai thế giới này đang chứng kiến sự trỗi dậy của hàng loạt thương hiệu trong nước.
Huawei, OPPO hay Vivo mang đến cho người dùng những mẫu smartphone có tính năng tương tự iPhone nhưng giá cả lại phải chăng hơn rất nhiều.
Theo báo cáo từ Canalys, số lượng iPhone lên kệ tại Trung Quốc đã giảm trong 6 Quý liên tiếp trước khi tăng trưởng trở lại hồi Quý 3/2017. Vì vậy để có thể gây được cảm tình với người dùng, chính phủ tại Trung Quốc, đích thân Tim Cook đã có hơn 10 cuộc viếng thăm quốc gia này dưới danh nghĩa CEO của Apple.
Bên cạnh đó 'Táo khuyết' cũng không ngần ngại công bố các kế hoạch thiết lập 4 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Trung Quốc. Apple còn 'chiều' Trung Quốc đến mức sẵn sàng loại bỏ các ứng dụng VPN trên App Store để Chính phủ nước này hài lòng.
Tất cả những điều trên cho thấy Apple đang muốn chiều lòng người Trung Quốc, qua đó tìm thêm một cơ hội để tăng doanh số cho iPhone trong thời gian sắp tới.