Ngay khi lỗ hổng bảo mật Meltdown và Spectre được tiết lộ, Intel đã phải đối mặt với ít nhất ba vụ kiện.
Theo Gizmodo, một số đơn kiện Intel đã được gửi đến các toà án tại California, Oregon và Indiana (Mỹ), tố cáo công ty bán dẫn này chậm trễ công bố thông tin về lỗ hổng cũng như việc cập nhật các bản vá làm giảm từ 5% đến 30% tốc độ của máy tính.
Hai lỗ hổng mới được công bố giữa tuần trước, do đó Intel được dự đoán còn vấp phải nhiều vụ kiện hơn nữa trong thời gian tới.
Ảnh minh hoạ: HackRead
Theo BBC, ngành công nghiệp đã biết về lỗ hổng này được ít nhất sáu tháng. Những bên liên quan, từ nhà phát triển cho tới chuyên gia bảo mật, đã cùng ký thỏa thuận bảo mật thông tin. Mục đích của thỏa thuận này là để giữ kín thông tin cho tới khi lỗ hổng được khắc phục.
Trong khi đó, trang công nghệ Register ước tính việc vá lỗi làm giảm tốc độ máy tính, nhưng Intel nói nhận định trên không đúng. Sự ảnh hưởng tới thiết bị là có 'nhưng không đáng kể'.
Giữa tuần qua, giới bảo mật công khai thông tin về hai lỗ hổng nghiêm trọng là Meltdown và Spectre. Các lỗ hổng khiến các nhà sản xuất máy tính, smartphone trên toàn thế giới đau đầu bởi chúng ảnh hưởng đến hầu hết thiết bị được sản xuất trong vòng 20 năm qua.
Meltdown và Spectre cho phép kẻ tấn công tiếp cận được bộ nhớ ưu tiên của bộ xử lý bằng cách khai thác các quy trình chạy song song, giúp chúng đọc được dữ liệu lưu trong bộ nhớ thiết bị và ăn cắp thông tin như mật khẩu tài khoản, thẻ tin dụng...
Meltdown ảnh hưởng đến các hệ thống máy tính để bàn, máy tính xách tay và máy chủ Internet sử dụng chip Intel. Spectre nghiêm trọng và rộng hơn, khi nó ảnh hưởng đến smartphone, tablet và máy tính chạy một số chip của Intel, ARM và AMD. Bryan Ma, chuyên gia phân tích của hãng IDC, cho biết các trung tâm dữ liệu và thiết bị kết nối điện toán đám mây cũng nằm trong diện có nguy cơ bị tấn công.
Minh Minh